06/07/2011 04:03 GMT+7

Không chấm điểm cho cách giải cao hơn trình độ lớp 6

HOÀNG HƯƠNG
HOÀNG HƯƠNG

TT - Ngày 5-7, Tuổi Trẻ đã nhận được thư khiếu nại của hàng chục phụ huynh có con dự thi tuyển vào lớp 6 (năm học 2011-2012) Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (Q.1, TP.HCM). Thư phản ảnh rằng thí sinh đã làm đúng câu số 3 trong đề thi toán nhưng không được chấm điểm vì không khớp với đáp án của Sở GD-ĐT TP.

KYhH6guv.jpgPhóng to
Thí sinh dự thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa được giám thị gọi tên vào phòng thi - Ảnh: Như hùng

Đề bài câu số 3

Hiệu giữa hai số là 0,7. Nếu gấp số lớn lên 5 lần và giữ nguyên số bé thì hiệu của chúng sẽ là 72,7. Hãy tìm 2 số đó.

Cách giải của học sinh:

Theo đề ra ta có: số lớn - số bé = 0,7 (1)/5 x số lớn - số bé = 72,7 (2)Lấy (2) - (1) ta có: 4 số lớn = 72Vậy số lớn là: 72:4 = 18Và số bé là: 18 - 0,7 = 17,3

Mặc dù kết quả cuối cùng là đúng nhưng cách giải không giống với đáp án của Sở GD-ĐT TP (giải theo phương pháp vẽ sơ đồ) nên những thí sinh giải theo cách trên không được chấm điểm câu số 3. Các phụ huynh kiến nghị: “Chúng tôi không đồng ý với cách chấm bài như vậy. Chúng tôi cho rằng trong toán học, nếu học sinh có cách giải khác thông minh hơn, ra kết quả đúng thì vẫn phải cho điểm tuyệt đối. Đặc biệt đối với một trường chuyên như Trần Đại Nghĩa, cần khuyến khích các cháu nâng cao khả năng logic, khả năng sáng tạo trong giải toán hơn là cứ chăm chăm trong phạm vi đã học ở nhà trường”.

Theo một số giám khảo chấm thi môn toán (kỳ thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa), trước khi tiến hành chấm đại trà, tổ chấm thi môn toán đã chấm thử 10 bài và phát hiện một số bài thi giải câu số 3 theo cách lập phương trình. Hội đồng chấm đã hướng dẫn các giám khảo không chấm điểm câu số 3 vì cách giải này nằm trong chương trình lớp 8 và lớp 9. Với đề bài như vậy, thí sinh chỉ cần học trong trường phổ thông, dùng kiến thức mà giáo viên đã dạy của chương trình lớp 5 là giải được.

Cách giải quyết trên đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trong giới giáo viên toán học tại TP.HCM.

Ủng hộ

Một giáo viên giỏi ở Q.Tân Phú cho rằng đối với trình độ một học sinh lớp 5 thì không thể tự nghĩ ra cách giải như vậy mà phải có thầy dạy mới biết. Tuy nhiên, phương pháp giải trên giới toán học thường gọi là phương pháp khử, tuy không dạy trong chương trình lớp 5 phổ thông nhưng một số tài liệu tham khảo về toán học có nhắc đến phương pháp này. Mặc dù cấp tiểu học đã bỏ mô hình trường chuyên, lớp chọn nhưng một số học sinh có học bồi dưỡng toán ở những trung tâm bồi dưỡng văn hóa ngoài giờ hoặc muốn trang bị thêm kiến thức để tham dự kỳ thi Lê Quý Đôn trên báo Khăn Quàng Đỏ cũng có học qua. Nếu không cho điểm vì cách giải thì oan cho thí sinh quá. Chẳng lẽ lại đánh đồng giữa một thí sinh bỏ giấy trắng với một thí sinh làm được bài và ra kết quả đúng?

Đồng tình với ý kiến trên, một số giáo viên toán ở Q.6, Q.11 cũng cho rằng trong giáo dục không nên phân biệt phương pháp giải mà nên chú ý đến cách lập luận của học sinh. Điều quan trọng là học sinh có hiểu bài không, kết quả cuối cùng có đúng không. Nếu không công nhận cách dạy nâng cao, Sở GD-ĐT TP nên thống nhất và thông báo trước cho giáo viên, học sinh biết. Chứ học sinh làm ra kết quả đúng mà không được chấm điểm thì đó là sự bất công.

Không ủng hộ

Theo cô H.Q. - một giáo viên thâm niên ở Q.Bình Thạnh, cách xử lý như Sở GD-ĐT TP là đúng. Bởi cách giải của học sinh như phụ huynh phản ảnh là cách giải rập khuôn theo kiểu học thuộc lòng, cứ thấy dạng toán giống như vậy là làm theo cách này. Không thể nói đây là cách giải sáng tạo. Việc lập phương trình và đặt ẩn số ngay cả những học sinh lớp 6, lớp 7 vẫn chưa được học. Phải lên lớp 8 học sinh mới được làm quen với phương trình và giải phương trình. Chúng ta đang thực hiện việc giảm tải, không nên cho học sinh học nâng cao quá mức như thế.

Ông Quách Tú Chương - chuyên viên môn toán Sở GD-ĐT TP - phân tích: “Sở GD-ĐT không yêu cầu thí sinh phải làm đúng như trong đáp án. Một bài toán sẽ có nhiều cách giải, thí sinh có thể dùng kiến thức ở bậc cao hơn nhưng phải lập luận sao cho thuyết phục giám khảo. Nếu chỉ giải theo đúng như cách mà phụ huynh phản ảnh là chưa thuyết phục. Trong đại số, không thể nói lấy phương trình 2 trừ phương trình 1 đơn giản như vậy được. Thí sinh phải có cách diễn giải tuần tự từng bước một để cho ra 4 lần số lớn = 72. Trong chương trình lớp 5, học sinh đã được học cách diễn giải, lập luận như vậy. Đây không phải cách làm sáng tạo mà là cách làm máy móc theo một công thức có sẵn. Tùy cách nhìn nhận của giám khảo, có thể cho điểm nếu các em ra kết quả cuối cùng là đúng. Tức là câu số 3 chiếm 2 điểm, kết quả đúng có thể cho 0,5 điểm”.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Văn Hiếu - trưởng Phòng giáo dục trung học Sở GD-ĐT TP - khẳng định: “Sở GD-ĐT sẽ lập hội đồng chấm phúc khảo các môn thi vào lớp 6 Trường Trần Đại Nghĩa. Chúng tôi đã yêu cầu các phụ huynh nộp đơn chấm phúc khảo môn toán cho con em mình. Trong quá trình chấm lại, các giám khảo sẽ đặc biệt lưu ý đến phương pháp giải câu số 3 của thí sinh. Hội đồng chấm sẽ thảo luận và có hướng giải quyết sau”.

HOÀNG HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp