02/11/2018 14:43 GMT+7

Không biết tiếng Anh, sinh viên coi như "mù chữ"

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TTO - PGS.TS Đỗ Văn Dũng - hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM - khẳng định như vậy tại hội thảo "Đổi mới căn bản toàn diện hoạt động đào tạo trong các trường đại học và cao đẳng" đang diễn ra tại TP.HCM.

Không biết tiếng Anh, sinh viên coi như mù chữ - Ảnh 1.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo sáng 2-11 - Ảnh: TRẦN HUỲNH


Hội thảo do Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam tổ chức.

Giỏi tiếng Anh lương cao gấp đôi

Cũng theo PGS.TS Đỗ Văn Dũng, trong thời buổi hội nhập này nếu không có sẽ không làm gì được. Vì vậy, các trường đại học cũng cần theo triết lý đào tạo này.

"Tiếng Anh còn giúp thu hút nước ngoài, các trường mới được các đại học nước ngoài công nhận chương trình đào tạo, sinh viên dễ liên thông và chuyển tiếp sang học ở các nước.

Đặc biệt, giỏi tiếng Anh sinh viên có thể tham gia các khóa học không biên giới trên mạng. Đồng thời, sinh viên sau khi tốt nghiệp năng lực tiếng Anh tốt lương sẽ cao gấp đôi, có cơ hội tốt hơn và tiến xa trong thị trường lao động ngoài nước", ông Dũng nhấn mạnh.

Xác định triết lý đào tạo như vậy, Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM đã tăng dần chuẩn đầu ra tiếng Anh liên tục trong các năm qua từ TOEIC 450 điểm lên 550 điểm, gắn với điều kiện xét tốt nghiệp của sinh viên.

Chương trình tiếng Anh tăng cường được trường này xây dựng để cải thiện năng lực tiếng Anh cho sinh viên. Hiện toàn bộ bài giảng chuyên ngành được giảng dạy bằng tiếng Anh, khuyến khích sử dụng giáo trình của các đại học Anh, Mỹ kèm theo chính sách khuyến khích giảng dạy hoàn toàn bằng tiếng Anh với hệ số 1,5.

TS.KTS Ngô Thị Kim Dung - Trường ĐH Kiến trúc Hà Nội - cũng cho rằng lực lượng lao động cao trong thế kỷ 21 với nhiều tiêu chí, trong đó một trong những yêu cầu chính của sinh viên tốt nghiệp đại học là phải có năng lực quốc tế, giỏi ngoại ngữ, văn hóa toàn cầu và khả năng hội nhập.

"Do đó, nội dung chương trình cần được tổ chức xây dựng và triển khai theo hướng tích hợp, giảm kiến thức hàn lâm, tăng cường học ngoại ngữ, thực hành…", bà Dung kiến nghị.

Tương tự, nhiều đại biểu cũng cho rằng đại học Việt Nam phải lấy tiếng Anh là ngôn ngữ chính thì mới tận dụng được học liệu lớn của thế giới.

Chia sẻ nguồn lực và công nhận chương trình lẫn nhau

Cũng tại hội thảo, ý tưởng các trường đại học phải cùng nhau chia sẻ nguồn lực và công nhận chương trình đào tạo lẫn nhau của PGS.TS Đỗ Văn Dũng đã được nhiều người ủng hộ.

Theo ông Dũng, hiện nay việc chia sẻ nguồn lực đang được thực hiện rộng rãi trên nhiều lĩnh vực, trong khi trong giáo dục việc này còn nhiều hạn chế. Việc hợp tác giữa các trường mang lại rất nhiều nguồn lợi cho cả sinh viên và nhà trường.

Riêng ở các trường đào tạo khối ngành sư phạm hiện có nhiều môn học chung nhưng mỗi trường lại có giáo trình riêng, cách dạy khác nhau. Điều này tạo nên sự lãng phí rất lớn.

"Tôi đề nghị các trường cùng chia sẻ nguồn lực với nhau, không nên tiếp tục tình trạng mỗi trường tự đầu tư dàn trải. Cụ thể như: thư viện, học liệu số, bài giảng điện tử, phòng thí nghiệm…

Theo đó, sinh viên các trường có thể dùng chung các nguồn lực này. Tiếp sau đó, các trường còn có thể chia sẻ bài giảng, công nhận chương trình đào tạo lẫn nhau và cùng trao đổi giảng viên. Thậm chí, sinh viên trường này có thể học ở trường khác", ông Dũng đề xuất.

Hưởng ứng lời đề nghị này, nhiều đại biểu cũng kiến nghị và cho rằng Bộ GD-ĐT phải trở thành cầu nối gắn kết chia sẻ lẫn nhau giữa các trường.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Hùng - hiệu trưởng Trường ĐH Nguyễn Tất Thành - cho rằng việc hợp tác và chia sẻ nguồn lực giữa các trường đại học được thực hiện càng sớm càng tốt.

"Tôi đã làm việc với thầy Đỗ Văn Dũng bàn về việc cho phép sinh viên của Trường ĐH Nguyễn Tất Thành sống ở khu vực Thủ Đức có thể đến Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM và được công nhận tín chỉ học tại đây. Sinh viên trường chúng tôi cũng sẽ được thực hành tại phòng thí nghiệm một số trường đại học khác", ông Hùng cho biết thêm.

Nhiều cơ sở đào tạo đại học nhưng chất lượng chưa xứng

PGS.TS Dương Văn Sáu, Trường ĐH Văn hóa Hà Nội, nhận định hiện các cơ sở đào tạo đại học đang tăng nhanh nhưng chất lượng chưa tương xứng nên đang trở thành vấn nạn.

"Chúng ta đưa ra thị trường quá nhiều trường nhưng không đáp ứng được thực tế lại tạo ra 'rác' của xã hội. Tỉnh nào cũng có trường ĐH nhưng không phải trường nào cũng đáp ứng được yêu cầu xã hội", ông Sáu nói.

Đồng thời ông Sáu cho rằng thực tế tại Việt Nam đang chuyển từ đào tạo tinh hoa, đỉnh cao xuống đào tạo phổ cập và đại trà. Từ đó tạo ra rất nhiều "hàng nhái", "hàng chợ". Khi có bộ lọc của thế giới, sự chia sẻ giữa đào tạo trong nước và quốc tế thì "hàng nhái" này sẽ bị loại ra.

Đào tạo đại học, hãy đoạn tuyệt với xin - cho

TTO - Đã đến lúc Bộ GD-ĐT phải thoát ly hẳn khỏi cơ chế xin - cho, giáo dục cần được để thị trường điều tiết và người học tự nhận diện chất lượng đào tạo của từng trường.

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp