04/07/2023 05:55 GMT+7

Không bắt buộc đổi căn cước công dân thành căn cước

"Dự thảo luật không quy định bắt buộc tất cả căn cước công dân phải đổi sang căn cước, trừ khi công dân có nhu cầu hoặc cần bổ sung, thay đổi một số thông tin", đại tá Vũ Văn Tấn khẳng định.

Người dân làm thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội - Công an TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Người dân làm thẻ căn cước công dân có gắn chip điện tử tại Phòng Cảnh sát quản lý hành chính và trật tự xã hội - Công an TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG

Việc đổi tên dự án luật từ "Luật Căn cước công dân (sửa đổi)" thành "Luật Căn cước" nhằm bảo đảm tính bao quát, phù hợp với phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng nhưng không làm thay đổi các chính sách trong dự án luật cũng không tác động đến các luật khác.

Đại tá Vũ Văn Tấn - cục phó Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - đã khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ xung quanh một số đề xuất sửa đổi Luật Căn cước công dân và đổi tên căn cước công dân.

Ông Tấn giải thích rằng dự thảo luật không quy định bắt buộc tất cả các trường hợp đã được cấp căn cước công dân phải đổi sang căn cước, trừ khi công dân có nhu cầu hoặc cần bổ sung, thay đổi một số thông tin.

Đại tá Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - Ảnh: T.T.D.

Đại tá Vũ Văn Tấn - phó cục trưởng Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06, Bộ Công an) - Ảnh: T.T.D.

Không bắt buộc đổi sang thẻ căn cước

* Thưa ông, vì sao phải đổi căn cước công dân thành căn cước và việc thay đổi này có gây tốn kém nhiều chi phí?

- Việc đổi tên căn cước công dân thành căn cước nhằm thống nhất với tên gọi của các loại thẻ nhận dạng thông tin công dân của các nước trên thế giới (Identity Card - thẻ căn cước hay thẻ nhận dạng cá nhân).

Hơn nữa, với việc mở rộng, tích hợp nhiều thông tin vào căn cước, thông tin được tích hợp vào thẻ không chỉ đơn thuần là thông tin cơ bản của công dân như trước đây.

Việc đổi tên cũng bảo đảm thông tin từ chứng minh nhân dân, căn cước công dân vẫn nguyên hiệu lực pháp luật, thẻ căn cước công dân trước ngày luật này có hiệu lực thi hành vẫn có giá trị. Như vậy, việc đổi tên căn cước công dân thành căn cước sẽ không tác động đến chi ngân sách nhà nước, chi phí của xã hội.

* Vậy Luật Căn cước sẽ giải quyết được những tồn tại, vướng mắc gì của Luật Căn cước công dân hiện hành, thưa ông?

- Dự thảo Luật Căn cước đã bổ sung các quy định về việc khai thác, sử dụng thông tin trên căn cước công dân (bao gồm thông tin về căn cước công dân và các thông tin trên giấy tờ khác của công dân được tích hợp vào căn cước công dân) phục vụ việc phát triển các ứng dụng, dịch vụ tiện ích của căn cước công dân vào giao dịch dân sự, thực hiện chuyển đổi số, cải cách thủ tục hành chính.

Bổ sung quy định về việc mở rộng các thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân để thuận lợi trong thực hiện Đề án 06, thực hiện chuyển đổi số quốc gia. Bổ sung quy định về cấp số định danh cá nhân, giấy tờ cá nhân cho các trường hợp người gốc Việt Nam đang sinh sống ở Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch. Luật hóa quy định về định danh và xác thực điện tử...

* Người dân có phải tiếp tục đổi thẻ căn cước công dân thành thẻ căn cước không, thưa ông?

- Dự thảo luật không quy định bắt buộc tất cả các trường hợp đã được cấp căn cước công dân phải đổi sang căn cước, trừ khi công dân đang sử dụng căn cước công dân thuộc một trong các trường hợp được đổi căn cước công dân như đến độ tuổi theo quy định; thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên khai sinh; ngày, tháng, năm sinh; có sai sót về thông tin trên căn cước công dân; xác lập lại số định danh cá nhân hoặc khi công dân có yêu cầu...

Cấp thẻ căn cước cho người dưới 14 tuổi theo nhu cầu

* Ông có thể nói rõ hơn về đề xuất bỏ quê quán, nơi thường trú trên căn cước mới?

- Dự thảo luật sửa đổi, bổ sung theo hướng lược bỏ vân tay; sửa đổi quy định về thông tin số căn cước, dòng chữ "căn cước công dân", quê quán, nơi thường trú, chữ ký của người cấp thẻ thành số định danh cá nhân, dòng chữ "thẻ căn cước", nơi đăng ký khai sinh, nơi cư trú...

Việc thay đổi, cải tiến này để tạo thuận lợi hơn cho người dân trong quá trình sử dụng căn cước, hạn chế việc phải cấp đổi căn cước và bảo đảm tính riêng tư của người dân. Các thông tin căn cước của người dân cơ bản sẽ được lưu trữ, khai thác, sử dụng thông qua chip điện tử trên căn cước.

Việc chỉnh lý thông tin "nơi thường trú" in trên căn cước công dân thành "nơi cư trú" in trên thẻ căn cước để phù hợp với thực tiễn vì nhiều người chỉ có nơi tạm trú, nơi ở hiện tại hoặc không có nơi thường trú, nơi tạm trú. 

Với quy định này, tất cả người dân Việt Nam đều sẽ đủ điều kiện để được cấp thẻ căn cước; đều được bảo đảm quyền lợi khi có được giấy tờ tùy thân để thực hiện thủ tục hành chính, giao dịch dân sự theo nhu cầu.

Việc cấp đổi thẻ căn cước khi có thay đổi thông tin về nơi cư trú được thực hiện theo nhu cầu của người dân chứ không bắt buộc.

* Bộ Công an đề xuất nhiều điểm mới như cấp căn cước công dân cho người dưới 14 tuổi, cấp giấy chứng nhận căn cước cho người gốc Việt Nam..., theo ông, việc này có giá trị và tác động thế nào đối với người được cấp?

- Dự thảo luật đã quy định rõ việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi là không bắt buộc và thực hiện theo nhu cầu của người dân.

Việc bổ sung quy định này là bảo đảm tính khả thi khi đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của con người như đối với vân tay thì sử dụng bộ thu nhận vân tay điện tử thay thế cho sử dụng mực lăn tay, chỉ bản...

Việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi cũng phù hợp với quy định pháp luật về xuất nhập cảnh (hiện nay vẫn đang thực hiện cấp hộ chiếu, thị thực cho trẻ em mới khai sinh, có chụp ảnh khuôn mặt) và các quy định pháp luật khác có liên quan, tương thích với pháp luật của nhiều nước trên thế giới.

Đối với việc bổ sung quy định về cấp giấy chứng nhận căn cước và quản lý người gốc Việt Nam đang sinh sống tại Việt Nam nhưng chưa xác định được quốc tịch để bảo đảm 100% dân cư đang sinh sống được quản lý, bảo đảm quyền của người gốc Việt Nam. Đây cũng là quy định mang ý nghĩa nhân văn.

Tiết kiệm hàng ngàn tỉ đồng

Theo đại tá Vũ Văn Tấn, Bộ Công an đã rà soát, đánh giá và thấy rằng việc cấp căn cước cho người dưới 14 tuổi sẽ giúp xã hội tiết kiệm được hàng ngàn tỉ đồng.

Cụ thể, nếu người dưới 14 tuổi được cấp thẻ căn cước thì sẽ không phải tốn chi phí trong cấp sổ tiêm chủng (10.000 đồng/sổ), sổ khám chữa bệnh (10.000 đồng/sổ/cơ sở y tế, trung bình 1 trẻ khám 2-3 cơ sở y tế), thẻ bảo hiểm y tế (5.000 đồng/thẻ/năm), thẻ học sinh (5.000 đồng/thẻ/năm học/người)...

Với số công dân dưới 14 tuổi của cả nước hiện nay là 19 triệu người, ước tính số tiền mà Nhà nước và xã hội phải chi là khoảng 2.000 tỉ đồng chỉ với một số ít giấy tờ liệt kê nêu trên.

Trong khi đó, với chi phí sản xuất 1 thẻ căn cước là 48.000 đồng, tổng chi phí sản xuất căn cước cho các công dân dưới 14 tuổi (trường hợp tất cả 19 triệu người dưới 14 tuổi đều có nhu cầu cấp) là khoảng 900 tỉ đồng.

Như vậy, hiệu quả kinh tế khi triển khai thực hiện quy định này là rất lớn. Chưa kể người dân còn tiết kiệm chi phí sao y, chứng thực, công chứng giấy tờ (từ 2.000 - 10.000 đồng/trang).

Thu thập ADN, giọng nói chỉ áp dụng với người có tiền án, tiền sự

Việc quy định bổ sung một số nhóm thông tin sinh trắc học vào Cơ sở dữ liệu căn cước là tương đồng với quy định pháp luật của nhiều nước trên thế giới, đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở nước ta.

Việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự phục vụ công tác phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật (tương đồng với quy định của nhiều nước như Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp, Singapore, Hàn Quốc...).

Những thông tin này do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính thu thập trong quá trình xử lý vi phạm pháp luật (theo yêu cầu để giải quyết vụ án, vụ việc) và được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước công dân để cập nhật vào Cơ sở dữ liệu căn cước công dân.

Do vậy, không làm phát sinh thêm chi phí cho Nhà nước. Ngược lại, các thông tin sinh trắc học đã được trưng cầu, giám định, thu thập sẽ được lưu trữ, bảo quản và khai thác, sử dụng hiệu quả.

Dự án Luật Căn cước: Thảo luận sôi nổi từ chụp ảnh phải "đúng, đẹp" đến cách khai quê quánDự án Luật Căn cước: Thảo luận sôi nổi từ chụp ảnh phải 'đúng, đẹp' đến cách khai quê quán

Chiều 22-6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Căn cước - tên gọi sửa đổi của Luật Căn cước công dân. Đã có 25 đại biểu đăng ký phát biểu.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp