07/11/2011 09:10 GMT+7

Không bao che, không thể có học hộ

NGỌC HÀ thực hiện
NGỌC HÀ thực hiện

TT - Từ một số hiện tượng thiếu nghiêm túc trong học tập của cán bộ đi học khiến dư luận băn khoăn về hiệu quả cũng như cách thức tổ chức các lớp học này, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Lê Quốc Lý, phó giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia.

* Thưa ông, những người được cử đi học đều là cán bộ lãnh đạo hoặc quy hoạch lãnh đạo, họ rất bận rộn. Thậm chí nhiều việc ở cơ quan không ai làm thay được họ, cho nên cũng có ý kiến nói rằng cần thông cảm?

leArwr5F.jpgPhóng to
Ông Lê Quốc Lý - Ảnh: Việt Dũng

- Đã đi học thì không thể lấy chữ “bận” để biện minh cho sự vắng mặt thường xuyên của mình được. Nên để khi nào đủ thời gian hãy bước chân vào lớp. Không đủ thời gian đến lớp, chưa nói đến thời gian ôn bài ở nhà, làm sao nạp thêm được kiến thức mà xưng danh đăng ký? Đừng tìm cách này cách khác để được đánh dấu nhân (x) vào bảng điểm danh, cốt “đủ điều kiện” thi hết kỳ, thi tốt nghiệp.

Cơ quan khi cử người đi học bao giờ cũng có trách nhiệm tạo điều kiện cho cán bộ tham gia đầy đủ khóa học. Hồi tôi còn ở Bộ Kế hoạch - đầu tư (PGS.TS Lê Quốc Lý nguyên là vụ trưởng Vụ Tài chính - tiền tệ, Bộ Kế hoạch - đầu tư), được cử đi học nhiều lớp bồi dưỡng cán bộ, lý luận chính trị, tôi biết rất rõ điều này. Sợ rằng nói không đủ thời gian cho học, nhưng lại thừa thời gian để tham gia các “hoạt động ngoại khóa” vui vẻ, thoải mái hơn việc học.

* Người đi học có nhiều mục tiêu khác nhau và nếu họ không tự giác thì cơ sở đào tạo cũng đành chịu?

- Đúng là người đi học khi thấy việc học chỉ cốt có tấm bằng làm bệ phóng cho đường công danh của mình sẽ không thiết tha đến chất lượng tri thức tiếp nhận. Họ đến lớp để điểm danh và khi không đến lớp cũng chỉ chăm chăm làm thế nào không bị khuyết ở phần điểm danh ấy. Người tổ chức lớp học rồi giảng viên đứng lớp nghe những câu chuyện ấy không thể không buồn.

"Việc nhờ người đi học, đi thi tại các lớp dành riêng cho cán bộ là quá liều. Không có sự bao che, lấp liếm, cả nể, không bao giờ có chuyện đi học hộ thế được. Tôi đọc báo thấy người đi thi hộ bảo tự ý đi thi mà không được ai nhờ, ngồi suy luận kiểu gì cũng thấy nó không bình thường"

Ông Lê Quốc Lý (phó giám đốc Học viện Chính trị - hành chính quốc gia)

Hệ thống học viện từ Bắc tới Nam luôn có 30.000-40.000 học viên. Chủ trương của học viện là đang siết chặt lại kỷ luật các lớp học. Trước nay các lớp vẫn điểm danh, ghi sổ, không đủ số giờ học quy định sẽ không được thi, phải học lại. Song gần đây, học viện đã phải áp dụng những biện pháp quyết liệt hơn.

* Nhưng vẫn có cơ sở đào tạo viện lý do chưa kịp làm thẻ nên khó kiểm soát người thi hộ, học hộ?

- Việc nhờ người đi học, đi thi tại các lớp dành riêng cho cán bộ là quá liều. Kỳ thực cán bộ được đi học đều biết hết nhau, không mặt ông nào lẫn với ông nào được. Cho nên nếu để xảy ra hiện tượng ấy, lỗi chính thuộc về đương sự, nhưng trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm, của ban cán sự lớp cũng không nhỏ. Không có sự bao che, lấp liếm, cả nể, không bao giờ có chuyện học hộ thế được. Tôi đọc báo thấy người đi thi hộ bảo tự ý đi thi mà không ai nhờ, ngồi suy luận kiểu gì cũng thấy nó không bình thường.

* Ông đánh giá thế nào về chất lượng các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hiện nay?

- Xét cả ở vai trò lãnh đạo học viện hiện nay và vai trò cán bộ được cử đi học tại các lớp bồi dưỡng, đào tạo chuyên sâu trước đây, tôi có thể khẳng định phần lớn cán bộ đi học nghĩ đó là vinh dự, là cơ hội để phát triển, chuyên tâm học tập. Song cũng không hiếm những cán bộ đi học không nghiêm túc, đi học mà không thấy giá trị của việc học, chỉ nhăm nhăm có được tấm bằng, hợp thức hóa những điều kiện “quy hoạch”, đề bạt về sau.

* Liệu rằng có khi nào cán bộ đi học vắng mặt vì chương trình học mệt mỏi, kém hấp dẫn không?

- Thực tế cũng có ý kiến thế này thế khác về các lớp bồi dưỡng lãnh đạo, cán bộ. Song mở ra các lớp bồi dưỡng cán bộ, nâng cao trình độ lý luận chính trị là yêu cầu cấp thiết đối với cán bộ. Không có lý luận chính trị, không thể làm lãnh đạo. Chất lượng đào tạo các lớp học thế này cần đến sự hợp sức của hai nhóm trách nhiệm. Thứ nhất, nhà trường, các cơ sở đào tạo phải dày công biên soạn những chương trình thật chất lượng, lý luận sâu sắc phải gắn kết với thực tiễn để bài giảng thêm sinh động, thu hút. Thứ hai, học viên phải có ý thức dành thời gian nghiên cứu thêm ngoài bài giảng trên lớp của thầy. Đáng tiếc, tình trạng chung là người học chưa chịu đào sâu.

* Có cán bộ đi học về tâm sự: đến lớp học lý luận, thầy giảng nghe rất hay, nhưng vận dụng rất khó. Ông đánh giá thế nào về quan điểm này?

- Đúng là đâu đó vẫn có những lớp mở ra để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhưng chương trình chung chung, xa vời, thiếu tính thực tiễn, học đi học lại một luận điểm nào đó khiến người học chán. Thay đổi của chương trình học sẽ phải trở thành động lực cho người học.

Thủ tướng vừa phê duyệt cho học viện đề án đổi mới chương trình giáo trình với mục tiêu tổ chức biên soạn, viết lại giáo trình hấp dẫn, gắn với thực tiễn (mức đầu tư hơn 50 tỉ đồng). Bộ Chính trị và Ban Bí thư cũng đang chỉ đạo thực hiện chương trình bồi dưỡng kỹ năng lãnh đạo theo chức danh. Người học của các lớp này sẽ là bộ trưởng, bí thư, chủ tịch tỉnh...

* Những lãnh đạo cấp cao này sẽ được học gì, thưa ông?

- Chúng tôi đang biên soạn chương trình cho các lớp học đặc biệt này. Chương trình đang được tham khảo ý kiến các nhà khoa học. Trước mắt, một lớp đào tạo kỹ năng cho lãnh đạo cấp vụ trưởng, vụ phó, các sở, ban ngành sẽ được khai giảng thí điểm trong năm tới.

Ở lớp này, các kỹ năng lãnh đạo được bồi dưỡng là kỹ năng thu thập thông tin, xử lý thông tin, tổ chức biên soạn, viết văn bản, giấy tờ (ví dụ cấp vụ viết nghị định xử lý nợ nước ngoài, nợ công, quyết định của Chính phủ về chống lạm phát...), kỹ năng thuyết trình trước đám đông, kỹ năng tổ chức tập thể, cách giải quyết các vấn đề nảy sinh. Sẽ không còn là bài học lý luận chung chung mà là hướng dẫn, trao đổi tình huống cụ thể như khi được phân công đến một nơi mất đoàn kết thì xử lý thế nào, nếu có tình huống phức tạp khiếu kiện đông người kéo dài thì giải quyết ra sao...

Điểm danh bằng dấu vân tay

Cơ sở 3 của Học viện Chính trị - hành chính quốc gia tại Đà Nẵng vừa đưa vào sử dụng việc điểm danh bằng dấu vân tay. Mỗi người đều có dấu vân tay riêng, không thể nhờ ai học thay, học hộ được. Phương pháp này rồi sẽ được áp dụng dần trong toàn bộ hệ thống.

Nghe qua thì cũng là một phương án quản lý học viên hiện đại. Nhưng kỳ thực, là người quản lý các lớp học dành cho cán bộ, nghe việc vận dụng máy móc tinh vi ấy không khỏi thấy chạnh lòng. Người học nghiêm túc chắc cũng sẽ tự ái. Toàn cán bộ đi học mà phải giám sát bằng máy móc là bất đắc dĩ. Nhưng để có được sự công bằng trong học tập và đánh giá vẫn cần phải có sự trợ giúp vô tư của máy móc.

Đó cũng là lý do để học viện trang bị hệ thống camera đến từng lớp học, phòng thi và phòng chấm thi. Anh nào có hành động “lạ” sẽ bị tuýt còi ngay, không kể đó là học viên hay giảng viên, thí sinh hay giám thị, người đi thi hay người chấm thi...

NGỌC HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp