26/08/2024 08:00 GMT+7

Không ăn thịt rừng cũng phải lên tiếng

Ông Nguyễn Văn Thái, giám đốc Trung tâm Bảo tồn động vật hoang dã Việt Nam, nói chuyện với Tuổi Trẻ sau khi tỉnh Đồng Nai mở chiến dịch "Nói không với sử dụng động vật hoang dã".

Không ăn thịt rừng cũng phải lên tiếng - Ảnh 1.

Chăm sóc phục hồi sức khỏe tê tê - Ảnh: SVW

Ông Thái nói: Tỉnh Đồng Nai xây dựng chuỗi hoạt động "Nói không với sử dụng động vật hoang dã" rất đa dạng. Cụ thể, Đồng Nai xây dựng việc phối hợp liên ngành, thực thi pháp luật giữa các cơ quan nhằm thúc đẩy việc ngăn chặn săn bắt động vật hoang dã trái phép. Đồng thời lên kế hoạch để mang các thông điệp đến cộng đồng nhằm giúp họ hiểu được vấn nạn, thực trạng tuyệt chủng động vật hoang dã để mọi người chung tay bảo vệ động vật hoang dã, không sử dụng sản phẩm động vật hoang dã trái phép.

Không nhanh, không còn cơ hội bảo tồn

Không ăn thịt rừng cũng phải lên tiếng - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Văn Thái

* Thú rừng bị săn bắn, bị bẫy và từng được cảnh báo có nguy cơ tuyệt chủng. Các nhà nghiên cứu cũng đã chỉ ra có những loài không còn thấy ở rừng Việt Nam?

- Dữ liệu nghiên cứu khoa học cho thấy rất nhiều loài động vật hoang dã ở Việt Nam đã biến mất rất lâu rồi hoặc là không nhìn thấy, đặc biệt là các loài thú lớn.

Có 29 loài được cho là đã hoặc đang tuyệt chủng tại Việt Nam. Như hổ Đông Dương, bức ảnh cuối cùng chụp được cũng cách đây 25 năm rồi. Hay bức ảnh báo gấm chỉ cách đây 10 năm. Rồi loài tê giác Java ở Vườn quốc gia Cát Tiên - con cuối cùng đã mất đi từ năm 2010...

Nguyên nhân chính của sự tuyệt chủng là do nhu cầu dùng động vật hoang dã làm thức ăn, làm thuốc, nuôi làm cảnh hoặc làm đồ trang trí. Chính vì vậy đã tăng nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và làm gia tăng buôn bán, săn bắt, nuôi nhốt động vật hoang dã trái phép.

Đất nước đang phát triển, nhu cầu sử dụng tài nguyên cho mục đích phát triển rồi hoạt động săn bắt trái phép đang đẩy các loài động vật hoang dã vào nguy cơ tuyệt chủng. Nếu chúng ta không nhanh, không có các biện pháp ngăn chặn thì chúng ta không còn cơ hội để bảo tồn các loài động vật hoang dã này nữa.

Để góp phần bảo tồn, ngăn chặn việc săn bắt, trung tâm đã hợp tác với cơ quan nhà nước để vận hành hai trung tâm cứu hộ, giải cứu 4.280 cá thể động vật. Trung tâm đứng ra thiết lập mạng lưới cứu hộ động vật hoang dã Việt Nam, tạo điều kiện để các trung tâm cứu hộ chia sẻ kiến thức, nguồn lực và phát triển các quy trình cứu hộ động vật hoang dã. Đồng thời xây dựng nhiều kế hoạch hành động bảo tồn cho các loài, đặc biệt là chương trình nhân nuôi bảo tồn quốc gia cho cầy vằn và tê tê vàng, tạo ra tiền đề quan trọng và đem lại hy vọng về việc khôi phục quần thể tự nhiên của những loài nguy cấp quý hiếm.

Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đã triển khai các chiến lược để tăng cường thực thi pháp luật, nâng cao nhận thức, giảm nhu cầu sử dụng động vật hoang dã và hỗ trợ cộng đồng...

Nói không với động vật hoang dã trái phép

* Là người gắn bó với việc bảo tồn và tham gia với nhiều tổ chức cứu hộ động vật hoang dã, ông thấy cách nào để mọi người chung tay hành động ngăn chặn việc săn bắt thú rừng hiệu quả nhất?

- Tỉnh Nghệ An từng thực hiện chuỗi hoạt động nói không với động vật hoang dã trái phép. Sau khi thực hiện, chúng tôi đã tiến hành hoạt động khảo sát cho thấy chính từ thông điệp ngăn chặn được chính quyền, cộng động phát đi đã lan tỏa, có tín hiệu tích cực. Số người không sử dụng động vật hoang dã tăng lên rất lớn.

Vì vậy, chúng tôi hy vọng chiến dịch ở Đồng Nai thông qua các hoạt động mọi người sẽ có thông tin, kiến thức, hiểu về động vật hoang dã, hiểu rõ giá trị của nó, thực trạng của nó. Từ đó, mọi người chung tay để hành động bảo vệ động vật hoang dã.

Hành động ở đây là bản thân mình từ chối sử dụng động vật hoang dã. Hành động ở đây, chúng tôi mong muốn rằng khi ai nhắc đến việc ăn, sử dụng động vật hoang dã thì lập tức có người phản đối, cất lên tiếng nói của mình. Người ta nói rằng thế giới xấu đi không phải do những người xấu mà do những người tốt không hành động. Chúng tôi mong rằng cả những người không sử dụng cũng phải lên tiếng để làm sao những người đang sử dụng động vật hoang dã không coi là sự tự hào trong việc sử dụng động vật hoang dã. Và từ đó người ta thay đổi quan điểm của mình và động vật hoang dã cũng được an toàn.

* Ngoài con người tham gia bảo vệ rừng, các thiết bị công nghệ được đầu tư ra sao để ngăn chặn người lạ xâm nhập vào rừng săn bắt động vật?

- Hiện nay có nhiều công nghệ trong việc tuần tra, bảo vệ rừng đã được nhiều nơi áp dụng để giám sát. Camera thông minh được gắn trong rừng. Nhân viên được giao nhiệm vụ tuần tra dùng app để thu thập dữ liệu trên điện thoại thông minh. Với chiếc điện thoại, họ giám sát đa dạng sinh học và bảo vệ động vật hoang dã. Nếu có người xuất hiện ra vào trong rừng thì thông tin chuyển về cho người theo dõi, bảo vệ rừng để họ có biện pháp xử lý.

Đồng Nai là tỉnh có diện tích rừng tự nhiên được đánh giá là có đa dạng sinh học bậc nhất trong khu vực với nhiều loài động thực vật hoang dã đang được bảo vệ tại Vườn quốc gia Cát Tiên, Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, Ban quản lý rừng phòng hộ Long Thành, núi Chứa Chan, và Ban quản lý rừng phòng hộ Tân Phú.

Vườn quốc gia Cát Tiên hiện có hơn 1.500 loài động vật, có 113 loài nguy cấp quý hiếm, gần 43 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng như voi, bò tót, gấu ngựa, chà vá chân đen, tê tê... Có 38 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam năm 2007.

Khu bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai hiện có 1.818 loài động vật, có 141 loài nguy cấp quý hiếm, 22 loài đang bị đe dọa tuyệt chủng, có nhiều loài động vật được ghi vào Sách đỏ Việt Nam như voi, báo gấm, gấu chó, bò tót, chà vá chân đen, gà so cổ hung, gà tiền mặt đỏ, chích chạch má xám...

* Ông Lê Văn Gọi (phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thông tỉnh Đồng Nai):

Không thể xử lý dứt điểm trong một thời gian ngắn

Không ăn thịt rừng cũng phải lên tiếng - Ảnh 3.

Với chiến dịch "Nói không với sử dụng động vật hoang dã trái phép", tỉnh Đồng Nai đưa ra các mục tiêu như tăng cường thực thi pháp luật trong phòng chống tội phạm mua bán, săn bắt động vật hoang dã trái phép; truyền thông nâng cao ý thức cộng đồng, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, người dân không săn bắt, mua bán... động vật hoang dã trái phép; thúc đẩy phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng dân cư ven rừng giảm thiểu tác động vào rừng trái phép. Chúng tôi biết hiện trạng săn bắt, mua bán thú rừng không thể xử lý dứt điểm trong một thời gian ngắn nhưng Đồng Nai quyết tâm đi đến xu hướng cả tỉnh "Nói không với động vật hoang dã trái phép".

Với chiến dịch này, tôi tin mục tiêu sẽ đến sớm hơn. Phải đi sâu vào bản chất vấn đề, xử lý quán ăn... thì kết quả tốt hơn rất nhiều. Bên cạnh đó nâng cao nhận thức cho người dân sống ven rừng, giao cho thế hệ trẻ biết trân quý bảo vệ, bảo tồn thiên nhiên...

Không ăn thịt rừng cũng phải lên tiếng - Ảnh 4.Ăn thịt chim hoang dã và thú rừng: Rồi có trả đủ nghiệp quả cho một bữa ăn?

Những chú chim hoang dã bị dốc ngược lên, cột chân trước khi bị mang đi chế biến. Chủ nhà hàng livestream cách hấp dúi rừng Tây Bắc, ăn thịt chim nhồm nhoàm và cười nói vô tư.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp