G20 ở Buenos Aires đưa ra được tuyên bố chung dù còn quá nhiều khác biệt về thương mại tự do, cải tổ WTO, biến đổi khí hậu, và những mâu thuẫn địa chính trị phức tạp như câu chuyện Saudi Arabia hay sự kiện Nga - Ukraine mới đây.
Hai phái đoàn Mỹ - Trung ăn tối làm việc bên lề G20 tại Argentina ngày 1-12 giờ địa phương - Ảnh: Reuters
Song mối quan tâm lớn nhất của dư luận quốc tế không phải G20, mà là cuộc gặp thượng đỉnh bên lề giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Có ý kiến từng cho rằng đây sẽ là cuộc gặp "làm nên lịch sử" hoặc sẽ "phá vỡ lịch sử".
Cuộc gặp ăn tối ngày 1-12 giờ địa phương giữa ông Trump và ông Tập xem ra đều có nhiều ẩn ý. Lần gặp trước tại Mỹ, ông Trump đã mời ông Tập ăn bánh kem và thông báo Mỹ đang oanh tạc tên lửa vào Trung Đông. Lần này, Mỹ đã bố trí ông Peter Navarro, một quan chức diều hâu đại diện cho quan điểm chống Trung Quốc, tham gia bữa ăn vào phút chót.
Đồng thời ở bên kia bờ Thái Bình Dương, hải quân Mỹ thực hiện cuộc tuần tra tự do hàng hải mới tại Biển Đông vào ngày 30-11. Mục đích của ông Trump không nằm ngoài việc "dằn mặt" người đồng cấp.
Hai bên đã nhất trí được một số định hướng chung, quan trọng nhất là sẽ "đình chiến" trong vòng 90 ngày. Phía Mỹ sẽ không nâng mức thuế lên 25% như tuyên bố, còn Trung Quốc sẽ chấp nhận mua một số hàng của Mỹ. Điều này sẽ mở rộng hơn một chút cánh cửa đang khép, cho phép đoàn đàm phán hai bên tiếp tục quá trình đàm phán đầy căng thẳng và liên tục bị gián đoạn thời gian qua.
Có những bàn tán sau đó về việc Mỹ hay Trung Quốc ai là người được lợi hơn. Kết quả này có thể coi là hợp lý và hợp ý cả hai. Một thỏa thuận chi tiết sẽ là điều chưa thể làm được trong thời điểm hiện nay.
Mỹ và Trung Quốc có những quan điểm quá khác biệt, đều còn dư địa "chịu đau" để kéo dài cuộc chiến hơn một chút nữa, và thể diện cường quốc còn quá lớn để chưa xuống nước quá mức. Nhưng ở chiều ngược lại, cả ông Trump và ông Tập không thể nào ra về với tay không, vì như vậy sẽ phải hứng chịu chỉ trích nội bộ, cả ngầm ý lẫn công khai, cũng như sự suy giảm uy tín về khả năng lãnh đạo.
Với kết quả này, Mỹ thì vừa bán được hàng vừa ăn nói dễ dàng hơn trong nội bộ. Vì lẽ đó mà sau khi cuộc gặp kết thúc, ông Trump và một số quan chức đưa ra những phát ngôn "có cánh" về chiến thắng của Mỹ và cũng ghi nhận sự hợp tác của Trung Quốc.
Việc phía Trung Quốc không nói gì cho đến nay không có nghĩa là họ chịu thiệt. Họ nhập khẩu thêm một số hàng hóa từ Mỹ không có nghĩa là vứt tiền ra cửa sổ, mà đằng nào họ cũng cần phải mua; trong khi lại giảm thiểu được sức ép và có thêm cơ hội đàm phán.
Như vậy là hai bên chẳng ai có thể "ăn cả" và cũng không ai "ngã về không". Đây vốn là một đặc điểm thường thấy trong cái thế vừa cọ xát đấu tranh vừa hợp tác của các nước lớn với nhau.
Cuộc gặp Trump - Tập này có thể khiến cho thế giới thở phào một chút, nhưng sẽ không thể yên tâm. Vấn đề đặt ra là liệu sau 90 ngày nữa thì hai bên có đạt được thỏa thuận cụ thể hay không?
Nếu thất bại, với tính cách của mình, ông Trump sẽ không ngại áp thuế 25% vào lượng hàng hóa trị giá 200 tỉ USD như đã dọa và thậm chí sẽ đánh thuế nốt khoảng 270 tỉ USD các hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Còn Trung Quốc không thể cứ nhún nhường mãi. Và khi gương vỡ thì khó có thể lành, cơ hội để "đình chiến" lần thứ hai sẽ mong manh.
Một điều cần lưu ý rằng cuộc gặp lần này mới chỉ tạm giải quyết một khúc mắc kỹ thuật rất nhỏ về thuế quan, trong khi đằng sau đó mối bất đồng lớn nhất của Mỹ và Trung Quốc là về các hành xử thương mại, mở cửa thị trường và bản quyền công nghệ.
Quan trọng hơn nữa, đằng sau của những cái đằng sau đó là câu chuyện đại chiến lược và cài đặt lại mối quan hệ cạnh tranh giữa hai cường quốc lớn nhất thế giới hiện nay.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận