Ông Vũ Ngọc Hoàng - Ảnh: Quang Định |
Tôi nghĩ đây là việc cũng nên bàn cho thấu đáo.
Không ai phản đối cán bộ trẻ, thậm chí còn ủng hộ. Việc chuyển giao quyền lực cho cán bộ trẻ là một tất yếu, là quy luật tự nhiên của sự phát triển xã hội.
“Có chức tước cao chắc gì được nhân dân quý trọng. Giá trị lâu dài và thực chất thuộc về nhân cách, trí tuệ và sự đóng góp với đất nước, chứ không phải là cái ghế to hay nhỏ. Có người đã làm chức to mà nhân dân vẫn coi thường đấy thôi. Và ngày xưa có những người từ quan về ở ẩn nhưng lại được nhân dân kính trọng" |
Ông Vũ Ngọc Hoàng |
Cần chuẩn bị cho cán bộ trẻ
Ở nhiều quốc gia, nguyên thủ của họ ở độ tuổi trên dưới 40 không có gì là lạ. Và tôi nghĩ cũng không nên phản đối việc con lãnh đạo lại lên làm lãnh đạo.
Ở các nước phát triển, có những gia đình nhiều thế hệ, nhiều thành viên cùng làm chính trị. Việc làm chính trị ở những gia đình như vậy được coi là “truyền thống gia đình”.
Họ truyền cho nhau những kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình đề ra chủ trương và xử lý vấn đề, làm người của công chúng và đóng góp cho đất nước... và họ đã chứng minh được khả năng của mình qua các vị trí họ nắm giữ.
Thời chiến tranh, rất nhiều vị lãnh đạo đã cho con cháu đi bộ đội, ra mặt trận chiến đấu, trong số đó không ít người có con là liệt sĩ, thương binh.
Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng có một người con trai duy nhất cũng cho đi bộ đội. Việc ấy đã nêu gương sáng cho nhân dân noi theo. Đó cũng là cách sử dụng cán bộ (con cháu lãnh đạo) đã góp phần làm nên sự nghiệp vẻ vang của dân tộc. Nhân dân xúc động và kính trọng trước những nghĩa cử ấy.
Nhìn chung, không thấy con cháu các vị lãnh đạo được đề bạt lên chức tước gì cao sang. “Phò mã” của cố Tổng bí thư Lê Duẩn có bằng tiến sĩ khoa học loại xuất sắc ở đại học danh tiếng Lomonosov, về nước cũng chỉ nhận làm giáo viên cấp I mà không chịu nhận làm “quan to”.
Chắc chắn không phải các vị lãnh đạo thời ấy không quan tâm đến con cháu, mà là do quan điểm đúng đắn về các giá trị thực của con người và có phương pháp đúng trong rèn luyện con cháu.
Các nền giáo dục tiên tiến hiện đại đều cho rằng phải chuẩn bị cho con người lòng tự trọng, biết tự chủ, không thụ động, không dựa dẫm ỷ lại là yêu cầu quan trọng hàng đầu.
Không nên chủ trì đề bạt con cháu mình
Chẳng ai vơ đũa cả nắm, phê phán việc đề bạt con cháu lãnh đạo nên không cần phải lý lẽ rằng “chẳng lẽ con cháu lãnh đạo không được đề bạt”.
Dư luận chỉ phê phán những trường hợp đề bạt xét thấy không bình thường như: chính các vị lãnh đạo là cha mẹ lại trực tiếp chủ trì hoặc chỉ đạo cấp dưới thuộc quyền đề bạt con mình, đề bạt quá nhanh, đốt cháy giai đoạn, bỏ qua nhiều bước mà cán bộ khác không ai được bỏ qua như vậy.
Mọi người chưa thấy cán bộ ấy có tài đức gì nổi trội, ngược lại thậm chí còn nhiều mặt non yếu nữa. Trong khi xung quanh đó có những cán bộ đã qua thực tế công tác nhiều năm, có kinh nghiệm và năng lực hơn nhưng không được đề bạt như thế.
Nói chung, người lãnh đạo không nên chủ trì việc đề bạt con cháu mình, dù có đúng người ta cũng không tin.
Không sợ con cháu mình có tài đức mà mọi người không nhìn thấy, chỉ sợ mình nhìn thấy con cháu mình mà không nhìn thấy những người khác. Nhân tài có thể đang ở trong hàng quan nhỏ, ở bìa rừng và đồng nội, họ không đem ngọc bán rao (như cách nói của Nguyễn Trãi), chứ không phải chạy lăng xăng nịnh hót lãnh đạo.
Dư luận cho rằng làm như vậy chẳng những không khách quan mà còn thể hiện ý đồ “chiếm ghế”, chiếm giữ quyền lực, một kiểu tha hóa quyền lực, tham nhũng “ghế”, tham nhũng chính trị.
Đó là loại tham nhũng gây hậu quả nghiêm trọng nhất, lại nhân danh chiến lược cán bộ, làm mất lòng tin của người dân vào đường lối cán bộ và các tổ chức Đảng. Trong tập thể thì nhiều người nể nang, xuôi chiều, không đấu tranh, hoặc có người cùng thỏa hiệp để đôi bên cùng có lợi, hoặc tê liệt tinh thần chiến đấu, bị quyền lực khuất phục, thấy sai mà không dám can gián.
Có những trường hợp đặt tập thể vào thế đã rồi, phải hợp thức hóa, làm cho tập thể ấy mất uy tín. Cái sai có hợp thức hóa kiểu gì cũng không thể thay đổi được bản chất, không thể biến sai thành đúng, mà chỉ là một sự ẩn nấp thôi.
Tôi đã nghe ý kiến của nhiều cán bộ nói rằng phấn đấu làm gì cho phí công, để rồi đùng một cái mấy ông lãnh đạo đưa con cháu nhảy tót lên đầu mình. Vậy đó, phân tâm lắm, gây tiêu cực và bất mãn, làm mất đoàn kết nội bộ.
Có ý kiến cho rằng không để các lãnh đạo bổ nhiệm con cháu mình sẽ thiệt thòi cho gia đình và địa phương nếu như các con cháu ấy có tài năng, đức độ.
Tôi nghĩ không đến mức phải đáng lo như vậy. Nếu con cháu lãnh đạo có tài năng đức độ thật sự thì mọi người sẽ thấy và người lãnh đạo khác sẽ bổ nhiệm hoặc giới thiệu để cơ quan có trách nhiệm nghiên cứu sử dụng ở nơi khác.
Lựa chọn cán bộ bằng tranh cử thực chất
Xét các mặt lợi hại thì Đảng không nên để cán bộ lãnh đạo chủ trì hoặc trực tiếp chỉ đạo cấp dưới đề bạt con cháu mình, nhất là ở địa phương, cơ quan mà mình phụ trách; đồng thời nên thực hiện tốt việc bố trí cán bộ chủ chốt không phải là người địa phương.
Còn đối với các trường hợp đã bổ nhiệm thì tổ chức Đảng phải giúp cho cán bộ ấy thật sự khiêm tốn, ra sức học hỏi để nâng cao ý thức và năng lực, tận tụy phục vụ nhân dân, không ham hố quyền lực, không ỷ lại người thân có quyền chức, đặc biệt là ý thức sâu sắc về những giá trị thực của cuộc đời, của nhân cách chính mình, kể cả khi cảm thấy không đảm nhận nổi nhiệm vụ thì biết chủ động rút lui, để qua đó trưởng thành về nhân cách, được mọi người tin yêu hơn.
Điều quan trọng và cơ bản hơn là phải chuyển mạnh sang cơ chế lựa chọn cán bộ bằng tranh cử tự do, bình đẳng, thực chất (chứ không phải hình thức), thay cho cách làm theo kiểu tổ chức và lãnh đạo nhắm người rồi “bố trí”, “sắp đặt” như lâu nay thường thấy.
Khi nào làm được như vậy thì dư luận xã hội chắc sẽ không còn quan tâm nhiều đến việc đề bạt con lãnh đạo như hiện nay. Khi ấy, ai thật sự có tài đức thì làm!
Khi nói đến tranh cử tự do không có nghĩa là không cần thiết có sự lãnh đạo đúng đắn đối với công tác cán bộ.
Việc đó vẫn rất cần, nhất là trong quá trình đổi mới căn bản, nhằm bảo đảm cho môi trường tranh cử tự do ấy được lành mạnh, thông tin minh bạch, chân thật và khách quan, không bị vu cáo và xuyên tạc, tranh luận và ứng xử (giữa các ứng cử viên) một cách có văn hóa, không để cho đồng tiền khuynh đảo, đồng thời công tác lãnh đạo còn có trách nhiệm phát hiện và giới thiệu những nhân tài ra ứng cử.
Không thể để “một người làm quan cả họ được nhờ” Hơn 60 năm trước, năm 1947, trong thư gửi các đồng chí ở Bắc bộ, Bác Hồ đã thẳng thắn phê bình và lưu ý phải kiểm thảo những người “còn giữ thói một người làm quan cả họ được nhờ, đem bà con... đặt vào chức này việc kia, làm được hay không mặc kệ. Hỏng việc, đoàn thể chịu, cốt cho bà con... có địa vị”. Xa hơn nữa, cách đây hơn 500 năm, vào năm 1486, vua Lê Thánh Tông đã xuống chiếu ban lệnh về Luật hồi tỵ (hồi tỵ là tránh đi). Ông là người đầu tiên trong các vị vua của Việt Nam đã ban hành chính sách hồi tỵ. Sau đó, vào năm 1488 và 1495, nhà Lê còn bổ sung các quy định về việc ấy. Sang triều Nguyễn, vua Minh Mạng và vua Thiệu Trị tiếp tục bổ sung. Theo quan điểm của vua Lê Thánh Tông, việc quy định như thế xuất phát từ “Trăm quan là nguồn gốc của trị, loạn. Quan có đức, có tài thì nước trị. Quan vô đức, kém tài là thềm, bậc dẫn đến họa, loạn”. Mục đích của Luật hồi tỵ là giảm thiểu tính cá nhân và gia đình chủ nghĩa, cục bộ địa phương, kéo bè kéo cánh trong lựa chọn và sử dụng quan lại, hạn chế tham nhũng, tiêu cực, lợi ích phe nhóm. Theo tinh thần của Luật hồi tỵ, không được bổ nhiệm quan lại là người địa phương, nơi có nhiều bà con ở đó và càng không được bổ nhiệm con cháu lên làm quan ở cùng địa hạt do mình phụ trách. Ở cái thời xa xưa ấy mà vị vua anh minh cũng đã có quy định tiến bộ trong bổ nhiệm quan lại thì thời văn minh này, sau hơn nửa ngàn năm, đáng phải suy nghĩ lắm! |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận