Từ tháng 2-2016, có một người kết bạn Facebook với anh Lê Duy (ngụ Q.Gò Vấp, TP.HCM), sau đó lập một tài khoản mạo danh anh.
Người này lấy hình của anh chụp chung với vợ sắp cưới đăng trên Facebook của họ rồi tung những thông tin sai sự thật.
Bỗng dưng... “đi khách, chơi ma túy”
Kể lại sự việc, anh Duy bức xúc: “Không biết người này là ai mà lại hành động như vậy. Người này đăng hình tôi và vợ sắp cưới, xuyên tạc chúng tôi đang làm nghề “đi khách”, hút chích ma túy”.
Không những thế, người này còn kết bạn với ba mẹ, bạn bè và người thân ở nước ngoài của anh, nhắn tin mạo danh và dùng những lời lẽ vô văn hóa để xúc phạm người thân của anh.
Ban đầu người thân của anh Duy lầm tưởng đó là tài khoản Facebook của anh nên rất giận dữ, bạn bè của anh cũng hủy kết bạn. Anh phải giải thích khá nhiều.
Anh nói: “Không biết có cách nào để xử lý trường hợp này không. Hai vợ chồng lại sắp cưới nên chuyện này ảnh hưởng khá nghiêm trọng, nhất là phía bên nhà gái rất bức xúc vì cho rằng tôi có vấn đề”.
Người nổi tiếng cũng khổ
Không chỉ trường hợp anh Duy, thời gian qua một số trang (fanpage) của người nổi tiếng cũng bị giả mạo với mục đích chia sẻ thông tin quảng cáo, nói xấu nghệ sĩ khác.
Như trường hợp ca sĩ A.T. bị giả mạo trang của mình cả năm nay, nhiều hình ảnh của anh bị đăng tải với mục đích thu hút lượt thích, chia sẻ.
Đối tượng giả mạo còn chia sẻ những thông tin nhảm nhí, làm mất hình tượng ca sĩ trong lòng công chúng. Cũng không hiếm trường hợp một số trang loan tin nghệ sĩ bị ung thư, vừa qua đời... để kêu gọi ủng hộ tiền bạc nhưng khi liên lạc với “chính chủ” thì không phải.
Tương tự, một số trang cũng giả mạo các công ty, trung tâm thương mại...
Ông Võ Đỗ Thắng - giám đốc Trung tâm an ninh mạng Athena cho biết mỗi tháng trung tâm tiếp nhận khoảng 10 vụ việc nhờ hỗ trợ xử lý do bị mạo danh trên Facebook.
“Đa số họ mạo danh những tổ chức uy tín với mục đích trục lợi, đưa thông tin sai lệch. Có vụ đối tượng tạo rất nhiều trang giả mạo, tạo khủng hoảng truyền thông, gây thiệt hại lớn về kinh tế” - ông Thắng nói.
Nghiêm trọng hơn, một số đối tượng lập những tài khoản mang tên, hình ảnh các vị lãnh đạo, quan chức... Nhiều người lầm tưởng những bài viết trên mạng là phát ngôn, chính kiến của các vị lãnh đạo, quan chức, dẫn đến có những bình luận, bàn tán sai lệch...
Pháp luật nghiêm cấm
Trong trường hợp anh Duy, luật sư Huỳnh Văn Nông cho rằng người sử dụng hình ảnh và có những lời lẽ xúc phạm danh dự, nhân phẩm đối với anh Duy là vi phạm pháp luật.
Điều 31 Bộ luật dân sự quy định “cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình”. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Điều 37 Bộ luật dân sự cũng quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ.
Còn luật sư Nguyễn Thạch Thảo cho biết điều 12 Luật công nghệ thông tin 2006 cũng nghiêm cấm hành vi xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín công dân. Tùy theo tính chất và mức độ vi phạm, hành vi này sẽ bị xử phạt hành chính từ 20-30 triệu đồng theo điều 64 nghị định 174/2013.
“Hành vi mạo danh trên Facebook để xúc phạm người khác cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm nhục người khác theo quy định tại điều 121 Bộ luật hình sự, có thể bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm hoặc hơn tùy mức độ” - luật sư Thảo nói.
Theo các luật sư, trong trường hợp này, anh Duy cần yêu cầu đối tượng trên phải có biện pháp tháo gỡ các hình ảnh đó xuống và đính chính những phát ngôn không đúng của họ trước đó.
Nếu đối tượng không có thiện chí hợp tác và tiếp tục thực hiện hành vi thì anh Duy cần trình báo cơ quan công an.
“Trong trường hợp hành vi đó gây thiệt hại đến uy tín, danh dự, anh Duy có quyền khởi kiện ra tòa để yêu cầu bồi thường thiệt hại (tổn thất về tài sản, chi phí hợp lý để ngăn chặn và khắc phục thiệt hại...) và xin lỗi công khai” - luật sư Thảo cho biết.
Phạt nặng
Các luật sư cho biết hành vi giả mạo Facebook hoặc trang thông tin điện tử của các tổ chức, doanh nghiệp có thể bị phạt hành chính.
Theo đó, nếu là hành vi cung cấp, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, vu khống, xúc phạm uy tín tổ chức, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 10-20 triệu đồng.
Đối với hành vi giả mạo trang thông tin điện tử của người nổi tiếng (như trường hợp của ca sĩ A.T. nêu trên) sẽ bị phạt tiền từ 20-30 triệu đồng.
Theo luật sư Trương Xuân Tám, điều 226 Bộ luật hình sự quy định nếu người nào dùng Facebook mạo danh người khác, rồi kêu gọi ủng hộ để chiếm đoạt tiền của người khác trái phép sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng.
Hình phạt cho tội này có thể lên đến 7 năm tù. Ngoài ra, điều 226 Bộ luật hình sự cũng quy định về tội sử dụng mạng máy tính, viễn thông, Internet hoặc thiết bị số để chiếm đoạt tài sản với giá trị từ 500 triệu đồng trở lên và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, có thể chịu hình phạt tối đa là chung thân.
Thông báo ngay cho Facebook Theo các chuyên gia, khi phát hiện giả mạo, người dùng nên gửi thông báo và đầy đủ các thông tin liên quan để chứng minh trang của mình bị giả mạo cho Facebook và đề nghị khóa trang giả mạo lại. Đồng thời, người bị giả mạo khi phát hiện cần báo ngay cho cơ quan chức năng và lên tiếng trên trang chính thức của mình về việc bị giả mạo để ngăn chặn kịp thời những thiệt hại. |
Khó phân biệt thật, giả Theo ông Võ Đỗ Thắng, rất khó để phân biệt một trang fanpage thật với trang giả mạo, ngoài việc “chính chủ” phải thường xuyên công bố thông tin về đường dẫn trên trang của mình. Các cá nhân nổi tiếng, nhiều người biết đến... chỉ nên lập một fanpage duy nhất và công bố cho mọi người được biết để tránh giả mạo. Để tránh bị giả mạo trên Facebook, người dùng không nên đưa những hình ảnh nhạy cảm, thông tin liên quan đến cuộc sống gia đình lên mạng xã hội, có thể dẫn đến hậu quả đáng tiếc. “Nếu đưa lên mạng thì nên tùy chỉnh chế độ riêng tư, không nên công khai cho tất cả mọi người đều biết” - ông Thắng nói. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận