Phóng to |
Cô giáo mầm non Nguyễn Thị Diệu My dùng vỏ bao ximăng để che chắn gió cho các em nhỏ Trường mầm non Đại Mỹ (Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) vì ngôi trường xuống cấp sau lũ - Ảnh: Tấn Vũ |
Trường tiểu học Đức Hiệp (huyện Mộ Đức, Quảng Ngãi) nằm ven sông Vệ rơi vào rốn lũ của huyện Mộ Đức. Hơn tháng rưỡi sau cơn lũ lịch sử, ngấn nước còn hằn in rõ trên tường cao gần 2m. Nền lớp học, bàn ghế còn lớp bụi dày do bùn đất để lại. Dãy nhà ba phòng học phía sau trống huơ mái, cạnh đó tường rào dài gần 20m bị nước lũ cuốn đổ vẫn ngổn ngang. Hiệu trưởng Lê Vĩnh Thái thở dài kể: hiện học sinh phải học dồn. Phòng làm việc của giáo viên cũng tận dụng làm chỗ cho học sinh học, giáo viên dùng bàn ngoài hành lang để sinh hoạt chuyên môn.
Thiếu sách vở, phải học ké
Sau lũ gần một tuần, học sinh Trường tiểu học Đức Hiệp mới trở lại lớp. Khi các em ra lớp là lúc nhà trường đối mặt với những nỗi lo. Thiết bị dạy học hư hại, sách vở học sinh thiếu thốn do bị nước lũ ngâm. “Thầy trò đa số có hoàn cảnh khó khăn, sau lũ cuộc sống, việc dạy và học của giáo viên, học sinh càng khó hơn” - thầy Ngô Văn Hùng, giáo viên lớp 4, chủ tịch công đoàn nhà trường, cho biết. Em Trần Thị Mỹ Ái (lớp 4) đang ở trong căn nhà có vách làm bằng đất sét trộn rơm mà nước lũ dâng cao, chảy xiết đã cuốn sập mất nửa nhà. Trên nền nhà còn ngổn ngang rui, mè, xà gồ và những viên ngói không lành lặn. Anh Trần Quang Trung (ba của Ái) buồn rầu nói nhà có sáu người, bây giờ tá túc trong nửa căn nhà còn lại, chật chội và khó khăn. “Ở còn chịu được. Lo nhất là việc học của các con bị gián đoạn, nước lũ đã làm sách vở ướt nhoẹt, hư hỏng” - anh Trung nói.
Cùng hoàn cảnh như Ái, em Nguyễn Trần Đức Tú (lớp 2D) nhà cũng bị lũ cuốn sập mất nửa. Tú có anh trai đang học cùng trường, lớp 3. Sau lũ, sách vở của cả hai anh em đều bị nước lũ ngâm, số trôi, số chẳng nhìn thấy mặt chữ vì rách nát. Hai anh em đi học vẫn chưa có sách vở mới, phải mượn của bạn bè chép lại hoặc... học ké. Em Nguyễn Văn Qua (lớp 5C) cũng vậy, nhà nghèo lại bị lũ gây thiệt hại nên ra lớp hôm thì có vở, hôm thì học chung với bạn. Cô giáo Trần Thị Kim Ngọc kể em Nguyễn Ngọc Thụy (lớp 5C) nhà quá khó khăn nên ba mẹ đi làm ăn xa, ba chị em Thụy ở nhà với bà ngoại. “Năm năm đi học, tôi chưa thấy em Thụy mặc quần áo mới bao giờ chứ đừng nói tết” - giọng cô Ngọc chùng xuống.
Con đòi bỏ học
Ngôi Trường mẫu giáo thôn Đại Mỹ (xã Đại Hưng, Đại Lộc, Quảng Nam) bị hư hỏng nặng bởi nước lũ vừa qua. Cô giáo Nguyễn Thị Diệu My đang cắm cúi lấy những bao tải cũ, rửa sạch kẹp tre rồi che gió ở cửa kính vừa bị vỡ để các học sinh đỡ run vì rét. Bên trong những đứa trẻ hom hem, mũi quẹt dọc ngang, ho sù sụ vì lạnh. Trước trường từng hố hầm sâu hoắm vì nước xoáy lòi cả móng nhà. “Vừa rồi chính quyền hỗ trợ, phụ huynh cũng lấp nhưng lũ xoáy làm hố sâu quá chưa lấp hết. Các em vẫn phải run cầm cập khi học trong ngôi trường này” - cô My chia sẻ.
Thôn Đại Mỹ những ngày gần tết này vẫn còn in hằn hậu quả trận lũ dữ lên từng con đường, ngõ ngách thôn xóm, và trên khuôn mặt âu lo của mọi người. Cát theo lũ che lấp cả những rặng tre xanh, vùi từng gốc chuối, hàng cau, luống rau đến những khu vườn, mảnh ruộng. Tất cả trắng xóa, người dân rơi dần vào khánh kiệt...
Trong ngôi nhà đang khánh kiệt của ông Nguyễn Hữu Quang (46 tuổi), em Nguyễn Hữu Quỳnh, học lớp 5, con ông Quang, xới vội cho ba phần cơm ngon nhất ở giữa nồi. Phần khoai hấp bên cạnh, cô bé lùa vào chén của mình và cho mẹ. Một ít mít non luộc chấm mắm cái, cô bé nhai ngon lành trước giờ tới lớp. “Ba ăn đi cho mau lành bệnh. Con đi học về sẽ đi hái rau dớn giúp mẹ. Chiều nhà mình sẽ có rau ăn” - Quỳnh vừa nhai vừa nói. Ông Quang da vàng nghệ, cứ ngồi thừ. Cả gia đình ông như suy sụp khi ông phát hiện bị ung thư dạ dày cách đây bốn tháng. Càng suy sụp hơn khi sau lũ, vườn ruộng bị cát bồi mất trắng, giờ cũng không canh tác được. Bà Hoa, vợ ông, dù đang bị bệnh huyết áp thấp vẫn lên núi đi chặt cây keo thuê kiếm sống. Có hôm bà xỉu trên núi, những người hàng xóm khiêng bà vào bệnh xá, truyền dịch, uống thuốc hơn một ngày sau mới tỉnh. Vậy mà tỉnh lại là bà cầm rựa đi làm thuê, bởi không thể nhìn con nhỏ và người chồng sống nay chết mai bị đói. “Nợ tiền thuốc, nợ tiền ăn, nợ quanh từ bà con họ hàng, nợ đến chòm xóm. Bây chừ đi mượn ai cũng không cho. Lấy chi trả mà họ cho mượn. Bé Quỳnh đòi nghỉ học miết mà tôi không cho” - chị Hoa vừa nói vừa nuốt những giọt nước mắt.
Báo Tuổi Trẻ mời bạn đọc tiếp tục ủng hộ chương trình “Áo tết tặng bạn” 2014 tại phòng tiếp bạn đọc báo Tuổi Trẻ (60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM) và các văn phòng đại diện báo Tuổi Trẻ trên toàn quốc. Tài khoản báo Tuổi Trẻ, số 102010000118248 Ngân hàng Công thương chi nhánh 3 TP.HCM. Hoặc chị Tố Oanh - ban công tác xã hội, ĐT: 08.39973838/ 0913804883, email: [email protected]. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận