14/01/2008 06:12 GMT+7

Khốn đốn làng mai

QUANG KHẢI
QUANG KHẢI

TT - Bị ảnh hưởng các đợt triều cường cộng thêm đợt lạnh kéo dài và những cơn mưa cuối mùa đã khiến nhiều vùng trồng mai tại TP.HCM như Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Đông (quận Thủ Đức), An Phú Đông (quận 12) nở hoa sớm.

dhb0wOFp.jpgPhóng to
Ông Cao Văn Ym bên những cây mai đã nở trước tết
TT - Bị ảnh hưởng các đợt triều cường cộng thêm đợt lạnh kéo dài và những cơn mưa cuối mùa đã khiến nhiều vùng trồng mai tại TP.HCM như Hiệp Bình Phước, Tam Phú, Linh Đông (quận Thủ Đức), An Phú Đông (quận 12) nở hoa sớm.

Ông Cao Văn Ym, một nhà vườn ở khu phố 5, phường Hiệp Bình Phước, quận Thủ Đức, nghẹn ngào: "Thông thường đến thời điểm này chúng tôi lặt lá, vô phân để chuẩn bị bán nhưng giờ lớp thì chết, lớp thì nở hoa hết".

Để đầu tư vườn mai hơn 2.000 gốc, năm nào ông Ym cũng vay mượn hàng chục triệu đồng từ ngân hàng, người quen. Ông nói do vườn mai nằm sát khu vực bờ bao rạch Đỉa nên người trồng mai ở đây lúc nào cũng hồi hộp mỗi khi nước triều lên cao. Nhiều người nhà ở xa đã dựng lều trại tại các vườn mai để canh bờ bao nhưng cũng không ít lần chịu cảnh ngập nước vì triều cường quá lớn.

"Vớt vát chút đỉnh"

Tuy vậy, ông Ym vẫn bỏ công vô phân, làm cỏ chăm bón những cây mai còn lại với hi vọng "vớt vát chút đỉnh" vào dịp tết. Nhưng khi thời tiết xuất hiện những đợt không khí lạnh kéo dài, rồi một cơn mưa trái mùa vào giữa tháng mười hai đã làm vườn mai của ông Ym tiếp tục… trổ nụ, đơm bông.

Hàng loạt vườn mai gần đó hay ở phường Hiệp Bình Chánh, phường Tam Phú cùng quận và phường An Phú Đông, quận 12 cũng chịu chung số phận: mai đồng loạt trổ bông...

Theo những nghệ nhân trồng mai khu vực Thủ Đức, quận 12, ước số lượng mai vàng bị thiệt hại do triều cường và thời tiết vừa qua chiếm đến 70%. Tuy nhiên số lượng mai còn lại có chất lượng không thua những năm rồi.

Ở khu vực phường Hiệp Bình Phước, Hiệp Bình Chánh, An Phú Đông từ trước năm 1990, đa số người dân ở đây chủ yếu làm lúa. Nhưng do mùa màng thất bát, giá lúa bấp bênh nên đa số nông dân cải tạo ruộng thành những vườn mai. Những năm đầu thời tiết thuận lợi, đê điều chắc chắn hơn, nhiều chủ vườn mai ăn nên làm ra. Vì thế nhiều người chuyển mô hình ruộng sang vườn mai.

Tuy nhiên từ năm 2000 đến nay, tình trạng bể bờ bao đã khiến nhiều người trồng mai khu vực này khốn đốn, càng về sau nước ngập càng nặng, càng rộng. Nhiều người phải bỏ đất hoang hóa. Số còn lại vẫn tiếp tục bám trụ nghề vì đã "phóng lao phải theo lao".

Mong "ăn tết khô ráo"

Ông Ym cho biết đã theo nghề mai hơn bảy năm nhưng chưa có năm nào vườn mai của ông được "ăn tết khô ráo" trọn vẹn. Tuy nhiên, những năm trước tiền bán mai đủ lì xì cho con cháu ăn tết. "Nhưng đã ba năm nay, mai bán được chỉ đủ trả tiền vay. Năm rồi không bán được mai, không đủ tiền trả nợ, con tôi phải cho hơn 10 triệu đồng để trả tiền vay ngân hàng " - ông nói.

Anh Nguyễn Văn Mười, hội nông dân phường Tam Phú, cho biết vườn mai nào đầu tư từ chục triệu đến hàng trăm triệu đồng là chuyện bình thường. Nhưng nhiều năm nay người dân trồng mai luôn nơm nớp nỗi lo ngập nước.

Nghệ nhân Ba Luyến than thở: "Gia đình tôi phải thế chấp giấy tờ nhà để vay ngân hàng và người quen hơn 300 triệu đồng đầu tư vào vườn mai (gần 30.000 gốc). Nhưng giờ tuyển lại chưa đến 500 gốc mai đủ tiêu chuẩn để bán tết. Tôi đang lo có bán hết lượng mai trong tết này hay không, số tiền bán được có đủ trả 1/2 số nợ vay không?".

Ông Luyến cho biết: "Dù có ra sao thì vẫn tiếp tục theo nghề mai. Tôi chỉ mong được Nhà nước quan tâm gia cố bờ bao để yên tâm chăm chút vườn mai". Đó cũng là niềm mong mỏi của đa số chủ vườn mai trong "vùng triều cường" quận 12, Thủ Đức.

Bình Định: trúng mai, thất cúc

Trong những ngày qua, hàng chục đoàn khách mua mai trong và ngoài tỉnh đã đổ về Háo Đức, xã Nhơn An (An Nhơn, Bình Định) để chọn mua những chậu mai đẹp, chuẩn bị đón tết. Hộ bán được nhiều thì trên 100 triệu đồng, hộ bán ít cũng được 10-20 triệu đồng.

Ông Bùi Văn Cư, phó chủ tịch UBND xã Nhơn An, cho biết: "Hiện giờ, người dân ở Nhơn An như đang trong không khí đón một cái tết sớm, vì nhiều hộ bán được mai". Toàn xã có 2.500 hộ dân thì có đến 1.400 hộ chuyên trồng mai kiểng, trong đó riêng thôn Háo Đức có hơn 400 hộ tất cả đều trồng mai. Mỗi dịp tết, mỗi hộ trồng mai ở đây thu 40-50 triệu đồng, nhiều hộ thu 200-300 triệu đồng.

Trong khi đó, đợt mưa lũ kéo dài trong tháng mười và mười một khiến người trồng cúc ở Vĩnh Liêm, thị trấn Bình Định đành phải đứng nhìn những chậu cúc cao lớn, chỉ chờ ra hoa chết dần, số còn sống thì trơ trụi lá, còn những chậu cúc Đà Lạt, Hà Nội lại nở sớm. Năm nay, số lượng người trồng hoa ở Vĩnh Liêm giảm hơn một nửa so với năm trước, chỉ còn khoảng 15 hộ trồng cúc. Mỗi hộ trồng từ 200-300 chậu, một vài hộ trồng với số lượng 1.000 chậu.

Hà Tây: đào La Cả đã bán hết

YkYdhB4u.jpgPhóng to
Chăm sóc đào ở La Cả
Một tháng trước tết, hàng trăm thương lái từ Hà Nội, Hải Phòng, Vinh… đổ về cánh đồng đào La Cả, Dương Nội, Hoài Đức, Hà Tây để đặt mua đào cho Tết Mậu Tý.

Theo nhiều chủ vườn đào ở La Cả, lượng đào thế, đào đẹp trên đồng đã được bán hết lâu rồi, giờ chỉ còn đào cành và những gốc đào dưới 3 tuổi.

Giá trị cây đào được tính theo tuổi, theo thế và chủng loại. Một gốc đào nhung ba năm tuổi sau khi tạo dáng, chăm sóc cẩn thận được chủ đào La Cả ra giá 600.000 đồng/gốc. Nhưng mới đây, một "đại gia" làng đào La Cả, ông Dương Văn Chức, vừa bán đứt tại vườn bảy gốc đào thế tám năm tuổi cho thương lái ở Vinh với giá 56 triệu đồng.

Nhiều thương lái dự báo: "Năm nay giá đào sẽ cao hơn năm trước bởi giá đặt mua tại vườn cao, chi phí vận chuyển đào đến nơi tiêu thụ năm nay chắc chắn cũng cao hơn năm trước". Một cành đào có giá tại vườn những năm trước bình quân 15.000-20.000 đồng thì năm nay bán với giá 25.000-30.000 đồng.

Tổng diện tích cánh đồng trồng đào xã Dương Nội rộng hơn 100ha tập trung ở ba thôn La Nội, La Dương và Ỷ Lan.

QUANG KHẢI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp