19/06/2018 17:40 GMT+7

Khóm, mãng cầu không lo “ế”

LÊ DÂN - CHÍ CÔNG
LÊ DÂN - CHÍ CÔNG

TTO - Nông dân trồng khóm và mãng cầu tại tỉnh Hậu Giang không còn lo cảnh “dội hàng dội chợ” khi vào chính vụ thu hoạch, bởi hợp tác xã họ tham gia đã liên kết với doanh nghiệp chế biến xuất khẩu.

Khóm, mãng cầu không lo “ế” - Ảnh 1.

Người trồng mãng cầu tại Hậu Giang phấn khởi vì được doanh nghiệp ký hợp đồng thu mua với giá cao hơn thị trườngẢnh: CHÍ CÔNG

Có dịp quay trở lại vùng đất phèn mặn, bạc màu xã Hỏa Tiến, TP Vị Thanh (tỉnh Hậu Giang), chúng tôi ngỡ ngàng với những cánh đồng khóm bạt ngàn, nhất là mô hình sản xuất hợp tác bao tiêu sản phẩm của hợp tác xã (HTX) Thạnh Thắng. HTX Thạnh Thắng có tổng diện tích trên 160ha, với 70 thành viên đã trở thành điểm sáng sản xuất nông nghiệp địa phương.

Theo ông Vu Sủi - Giám đốc HTX Thạnh Thắng (ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến) đời sống người dân đã thật sự thay đổi nhờ cây khóm, thậm chí vươn lên làm giàu. Trong đó, gia đình ông Sủi thu lợi nhuận từ 50 - 100 triệu đồng/năm từ cây khóm. Hiện đang bước vào thời điểm thu hoạch khóm, giá bán khoảng 3.500 đồng/trái (khóm loại I), giá có giảm so với cùng kỳ năm trước, nhưng ông Sủi và nhiều người trồng khóm trong hợp tác xã cũng không quá lo lắng. Vì khóm của HTX Thạnh Thắng trồng theo tiêu chuẩn VietGAP, được cơ sở chế biến khóm thu mua theo giá thị trường, tạo đầu ra ổn định nên nông dân yên tâm.

Còn người trồng mãng cầu tại huyện Phụng Hiệp vui như "mở cờ" khi được Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh hợp đồng thu mua sản phẩm với giá 15.000 đồng/kg (loại I) và 9.000 đồng/kg (loại II). Bình quân cao hơn giá thị trường bên ngoài từ 2.000- 3.000 đồng/kg.

Ông Võ Văn Phải - Giám đốc HTX mãng cầu Hòa Mỹ (ấp Mỹ Phú A, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp), cho biết trước đây phần lớn các thành viên trong HTX bán mãng cầu cho tiểu thương, giá cả lệ thuộc vào thị trường. Từ lúc Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh liên kết, thu mua sản phẩm theo hợp đồng nên không lo chuyện "dội hàng dội chợ" nữa.

Ông Nguyễn Thế Tự - Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Phụng Hiệp, cho biết Công ty TNHH MTV chế biến nông sản Tiến Thịnh ký hợp đồng thu mua 250 tấn trái trong vòng 5 tháng với giá cả ổn định. Ngoài ra, các doanh nghiệp đến từ các tỉnh, thành như: Sóc Trăng, TP. HCM cũng đến tận vườn mua mãng cầu địa phương về chế biến thành nước ép, mứt phục vụ thị trường trong và ngoài nước. Để có hướng đi an toàn, ngành nông nghiệp khuyến khích người dân giữ vững diện tích sản xuất, tránh tình trạng chạy theo phong trào.

Nhân rộng mô hình hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Đồng - Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết sẽ xây dựng và nhân rộng các tổ hợp tác, hợp tác xã làm ăn có hiệu quả. Đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường, quảng bá sản phẩm nhằm tạo chuỗi liên kết với các doanh nghiệp thu mua, đồng thời giúp nông dân áp dụng khoa học kỹ thuật, sản xuất sản phẩm nông nghiệp chủ lực đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP.

LÊ DÂN - CHÍ CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp