Nhiều người vừa vừa lái xe - Ảnh: HOÀNG ĐÔNG
Chẳng ai vì bỏ thuốc mà chết. Nhưng những người không hút có thể chết sớm hơn hoặc ít nhiều tổn hại sức khỏe trong môi trường khói thuốc. Muốn hạn chế điều này, cần quyết sách từ cơ quan quản lý nhà nước, vì sức khỏe toàn dân.
Sáng, tôi chở con đi học, đường đông xe. Anh trung niên đi xe máy sát bên cạnh bất chợt quay mặt sang trái, phà hết đám khói anh vừa hít về phía mẹ con tôi.
Tối tăm mặt mũi vì mớ khói và kiểu nhả khói "chỉ vì mình" của anh kia. Giận quá, muốn cự một câu nhưng vì vội vã, không còn muốn nói gì thêm. Tôi chỉ kịp nghĩ "vẫn còn may, sáng nay mình có đeo khẩu trang cho trẻ".
Vô phương né tránh!
Vừa nguôi buồn phiền, lại "nghe" cái mùi ấy từ phía sau trờ tới. Hai công nhân 18-20 tuổi, mỗi người một điếu, vô tư nhả khói như chỗ không người.
Họ lạng xe ào ào, ngang qua những ai, người ấy cùng phận "ngửi khói" như tôi. Không biết bao nhiêu lần đã phải hứng khói thuốc kiểu này, thật sự là vô phương tránh né!
Cơ quan tôi có quy định cấm nhưng nhiều anh vẫn cứ "phì phèo". Các anh thường ra hành lang hoặc lối thoát hiểm hút thuốc. Phía ngoài hành lang cũng lắp kính, khói quẩn quanh không thoát đi đâu được.
Lối thoát hiểm nhỏ hẹp, nhiều anh thích mở cửa, thoáng cho các anh và mùi khói thuốc len lỏi nồng nặc cả tầng lầu.
Có lần, bực quá tôi ra đóng cửa lại để khói thuốc khỏi ảnh hưởng chung, người hút cười cười, gằn giọng hỏi: "Làm gì ghê vậy?". Nhiều đồng nghiệp cùng tâm trạng như tôi, góp ý rồi đâu cũng vào đó.
Bạn có cảm giác thế nào khi ở ngã tư đường, ở quán xá, trên ôtô... có ai đó vô tư nhả khói thuốc? Bạn cảm thấy thế nào sau những lần liên hoan, họp mặt, khói thuốc bám vào tóc, vào áo quần, theo bạn về nhà?
Tôi và rất nhiều người khác thường bực bội và khó chịu ra mặt khi phải chịu đựng những tình huống như vậy. Rồi chúng ta làm gì? Bịt mũi lại hay đeo khẩu trang là điều không thể! Nhắc nhở cũng quá khó!
Nhiều nơi có biển hiệu không hút thuốc vẫn đầy khói thuốc. Quán xá ít nơi nào nghiêm ngặt trong chuyện này, mà cũng khó nghiêm khi thượng đế của họ thèm thuốc và quên hết mọi người xung quanh, quên luôn những ứng xử lịch sự cần có.
Luật chưa đủ mạnh
Mới đây, một người bạn tôi lên mạng kể chuyện mình đang cai . Thấy cũng ổn dù có hơi nhớ, thấy thiếu thiếu. Đa số ủng hộ bạn tôi. Nhưng cũng có người bảo: Cứ cố đi vì... sẽ còn cố gắng nhiều lần! Rằng: Đừng làm khổ mình, rằng: Cuộc đời có bao lâu mà hững hờ, mình thích thì mình hút thôi...
Tôi nghĩ: bỏ hay không bỏ thuốc lá, hút thuốc cách nào để không ảnh hưởng đến mọi người không phải là chuyện cá nhân. Đây là hành vi ứng xử xã hội và cả chuyện chấp hành pháp luật.
Luật phòng chống tác hại thuốc lá có hiệu lực từ ngày 1-5-2013, trong đó có quy định rõ những nơi cấm thuốc lá, trách nhiệm của người hút thuốc lá...
Nhưng thực tế bao nhiêu công sở, trường học, bệnh viện... thực hiện nghiêm, bao nhiêu người chấp hành nghiêm chỉnh luật này?
Nghị định 176/2013/NĐ-CP có quy định mức xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000-300.000 đồng đối với các hành vi: hút thuốc lá tại địa điểm có quy định cấm, bỏ mẩu, tàn thuốc không đúng nơi quy định.
Nhưng thực tế cho thấy chuyện xử phạt chỉ "năm khi mười họa", không đủ tác dụng răn đe.
Cấm thuốc lá nơi công cộng hiện nay, ở nhiều nơi, vẫn là cấm cho có hoặc chỉ thực hiện nửa vời. Chờ sự tự giác của người nghiện thuốc lá có lẽ quá khó! Theo tôi, công sở và các cơ quan hành chính cần có những quy định kèm chế tài về vấn đề này.
Kèm theo đó, cần những nhắc nhở thường xuyên từ cộng đồng để những người hút thuốc điều chỉnh hành vi vô tư thải độc hại cho người khác. Mỗi người cần kiên quyết hơn để bảo vệ một bầu không khí nơi chúng ta sống và làm việc.
Cũng cần bổ sung quy định xử phạt đối với người quản lý hàng quán, nơi tập trung đông người để cùng nhau tìm giải pháp giữ không gian chung trong lành. Điều này nếu quyết tâm sẽ làm được, như cách các nước đang làm.
Chẳng ai vì bỏ thuốc mà chết, nhưng chúng ta - những người không hút - có lẽ sẽ chết sớm hoặc ít nhiều tổn hại sức khỏe trong môi trường khói thuốc nơi nơi như lâu nay. Muốn hạn chế điều này, cần cả những quyết sách từ cơ quan quản lý nhà nước, vì sức khỏe toàn dân.
Các nước cấm hút thuốc nơi công cộng như thế nào?
Cộng hòa Ireland trở thành nước đầu tiên ban hành luật cấm hoàn toàn hút thuốc tại công sở để bảo vệ người lao động khỏi tình trạng phải hút thuốc thụ động từ tháng 3-2004.
Tại Philippines, luật cấm hút thuốc dựa trên các điều khoản của luật không khí sạch năm 1999 và luật quản lý thuốc lá năm 2003.
Luật không khí sạch cấm hút thuốc bên trong tòa nhà hoặc một khu vực công cộng khép kín, trên các phương tiện vận tải.
Luật quản lý thuốc lá cũng cấm hút thuốc tại những nơi công cộng như trường học, bến bãi giao thông công cộng, siêu thị, trạm xăng.
Tại Ba Lan, tháng 11-2010 cũng cấm hút thuốc ở nhà hàng, quán rượu, công sở, bệnh viện, trường đại học, trạm xe. Người vi phạm có thể bị phạt 500 zloty Ba Lan (136 USD).
Chủ doanh nghiệp không treo biển cấm hút thuốc có thể bị phạt tới 2.000 zloty (545 USD).
Tại Nga, từ 15-11-2013, nếu hút thuốc gần các cơ sở giáo dục, văn hóa, thể thao và y tế, ga tàu, sân bay có thể bị phạt từ 500-1.500 rúp (15-45,5 USD).
Từ tháng 6-2014, luật nước này cấm hút thuốc ở nhà hàng, quán bar, ký túc xá, khách sạn và các chuyến tàu đường dài.
D.KIM THOA (tổng hợp)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận