Gặp ngưỡng kháng cự mạnh, TTCK quay đầu trong phiên chiều - Ảnh: CTCK HSC cung cấp
Cụ thể, khối ngoại đã mua ròng 1,4 triệu mã VIC của Vingroup và 2,2 triệu mã VRE của Công ty cổ phần Vincom Retail, một công ty con cũng thuộc tập đoàn thuộc tỉ phú Phạm Nhật Vượng.
Như vậy, trong phiên giao dịch ngày hôm nay, 12-3, tổng cộng con số nhà đầu tư nước ngoài mua ròng ở hai mã "cổ phiếu tỉ phú" này là 3,5 triệu cổ phiếu.
Đối với mã VRE, sau thông tin được thêm vào danh mục của quỹ ETF đã có diễn biến rất tích cực, kết thúc phiên giao dịch hôm nay, mã VRE đã tăng lên 55.800 đồng một cổ phiếu.
Tuy nhiên, đối với mã VIC, kịch bản giá đã diễn ra ngược lại. Giá mỗi cổ phiếu đã giảm đến 3.500 đồng, khiến cho giá đóng cửa chỉ còn đạt ở mức 100.000 đồng một cổ phiếu.
Cùng với VIC, nhiều mã blue chip thuộc ngành bán buôn và bất động sản khác cũng đã chịu sắc đỏ sau khi thị trường đóng cửa.
Mã VNM của Công ty Sữa Việt Nam đã giảm 2.000 đồng một cổ phiếu xuống còn 206.000 đồng.
Mã NVL của Novaland đã giảm 900 đồng xuống còn 80.600 đồng một cổ phiếu trong khi mã CTD của Coteccons giảm mạnh đến 3.300 đồng xuống còn 175.800 đồng một cổ phiếu.
Lý giải cho sự sụt giảm này, giới đầu tư cho rằng dòng tiền đã được chuyển từ nhóm bất động sản sang khối ngành ngân hàng. Đây cũng là bằng chứng cho thấy sự dịch chuyển khó lường của dòng tiền trong tuần qua cho đến nay.
Các mã thuộc nhóm ngân hàng hôm nay có một phiên giao dịch khá hứng khởi khi nhiều mã có sắc xanh.
Mã BID của ngân hàng Đầu tư và Phát triển đã tăng 1.350 đồng lên 38.600 đồng một cổ phiếu trong khi mã MBB của ngân hàng Quân đội đăng tăng nhẹ 300 đồng lên 33.800 đồng một cổ phiếu.
Mã CTG của Ngân hàng Công thương cùng tăng 1.050 đồng lên 33.450 đồng một cổ phiếu.
Trên sàn Hà Nội, mã ACB của ngân hàng Á Châu đã tăng 1.800 đồng lên 48.600 đồng một cổ phiếu còn mã SHB của ngân hàng Sài Gòn Hà Nội tăng 300 đồng lên 12.700 đồng một cổ phiếu.
Trong khối ngân hàng, mã STB của Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn Thương Tín đã có một phiêu giao dịch cực kỳ sôi nổi khi khối lượng giao dịch lên đến 17 triệu cổ phiếu. Khối ngoại cũng đã mua ròng đến hơn 1,6 triệu cổ phiếu STB.
Sự trỗi dậy của nhóm ngân hàng đã giúp thị trường trụ vững trong phiên chiều sau cơn rung lắc mạnh. Chỉ số VN Index đã rớt 10 điểm chỉ trong hơn một tiếng cuối phiên giao dịch.
Một số chuyên gia cho rằng diễn biến chung của thị trường vẫn giống như những gì diễn ra trong tuần trước khi chịu ảnh hưởng từ thông tin thế giới từ đầu phiên.
Các chỉ số chủ chốt trên thị trường thế giới đều tăng. Chỉ số Dow Jones tăng 440 điểm trong khi Nikkei của Nhật Bản tăng 354 điểm còn HSI của thị trường Hồng Kong tăng 598 điểm.
Những diễn biến tích cực từ thế giới giúp các chỉ số được kéo lên mạnh mẽ trong đầu phiên. Chỉ số VN Index đã có lúc đạt 1.135 điểm.
Thế nhưng thêm một lần nữa, áp lực chốt lời đã khiến thị trường đi xuống trong phiên chiều. Giới đầu tư cho rằng thị trường vẫn đang trong thời gian tích lũy để vững bước hơn khi vượt đỉnh.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12-3, chỉ số VN Index tăng 2,88 điểm (0,26%) lên 1.126,29 điểm.
Trên sàn Hà Nội, chỉ số HNX Index tăng 1,48 điểm (1,16%) lên 129,06 điểm. Chỉ số Upcom Index giảm nhẹ 0,06 điểm (0.1%) xuống còn 61,31 điểm.
Trên ba sàn, tổng cộng có 287 mã tăng điểm và 340 mã giảm điểm. Giá trị giao dịch hơn 9.000 tỉ đồng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận