Dễ thích nhưng cũng dễ chán
Có một thực tế là nhiều bạn không phân biệt được đam mê thật sự và sở thích nhất thời. Hầu hết các bạn thích khởi nghiệp vì thích thú, tin ý tưởng của mình là hay nhưng cái gì dễ thích sẽ thường dễ chán, bỏ cuộc, nhất là khi gặp nhiều khó khăn trong quá trình khởi nghiệp.
Các bạn cũng nên nhớ một điều rằng cực kỳ khó có ý tưởng nào là thật sự mới, đột phá trong xã hội công nghệ hiện nay. Chắc chắn đâu đó trên thế giới (hoặc ngay trong nước) có những người đã có ý tưởng, “vẽ” ra những dự án khởi nghiệp giống như bạn hoặc thậm chí hoàn hảo hơn... Vì vậy phải cân nhắc liệu chúng ta có thể cạnh tranh lại với họ? Hoặc nếu tìm hiểu và thấy ý tưởng của mình vẫn “mới” thì có phải đó là mới thật sự hay những ý tưởng tương tự đã “chết yểu” trước đó?
Ngoài ra, các bạn nên bình tĩnh tìm hiểu xem liệu thị trường có cần, chấp nhận sản phẩm của mình hay không? Dân IT chúng tôi thường đùa với nhau rằng các sản phẩm mình làm ra rất tốt, tính năng tuyệt vời nhưng bán lại chẳng ai mua, không có người sử dụng. Việc nghiên cứu thị trường và nhận thức rõ “nên bán cái xã hội cần chứ không phải là cái mình thích/có” là điều vô cùng quan trọng. Tiếc là điều này thường ít có ở những bạn trẻ khởi nghiệp tại VN, do họ vẫn chưa được trang bị đầy đủ những kỹ năng, kiến thức chuyên môn và vốn sống...
Hối hận vì “định giá” sai bản thân
Tôi quyết định bỏ học từ năm 3 để kinh doanh quần áo online, sau đó thậm chí mở shop cùng hai người bạn vì thấy nhiều bạn bè đi theo mô hình khởi nghiệp này và hầu hết có vẻ thành công. Tôi thậm chí coi Steve Jobs là thần tượng vì tôi cũng là dân công nghệ thông tin. “Thần tượng bỏ học và thành công thì mình cũng bỏ học và thành công được” - tôi nghĩ đầy lạc quan.
Chúng tôi mượn gia đình gần 300 triệu đồng và đi Thái, Trung Quốc... gom hàng về bán. Giai đoạn đầu kinh doanh cũng ổn vì bạn bè, người thân mua ủng hộ. Tuy nhiên ngay từ tháng thứ hai trở đi chúng tôi mới hoảng hốt nhận ra bản thân không thể xoay xở với hàng trăm đầu việc đến cùng lúc. Nào là tiếp thị ra sao, tính lời lỗ như thế nào, đổi trả quần áo ra sao khi sản phẩm có lỗi... Nhất là xử lý mớ quần áo tồn như thế nào? (giới trẻ thay đổi xu hướng quần áo rất nhanh).
Lúc đó chúng tôi phải đi “cầu cứu” từ một đàn anh và chấp nhận trả thêm khoản “tư vấn”. Tiền đầu vào ngày càng teo tóp trong khi tiền chảy ra ào ào, quá sốt ruột nên chúng tôi cãi nhau mỗi ngày. Sau đó chúng tôi phát hiện anh bạn “tư vấn” trên lợi dụng sự thiếu hiểu biết của nhóm để “ăn” thêm một khoản không nhỏ. Quá chán chường và đuối sức, cuối cùng chúng tôi chấp nhận lỗ tiền, từ bỏ dự án trên.
Đến giờ tôi không quá tiếc việc bản thân bỏ ĐH nhưng tiếc vì đã ảo tưởng đánh giá quá cao bản thân, suy nghĩ quá đơn giản và nóng ruột khi khởi nghiệp.
Bỏ học chắc chắn sẽ khổ hơn về lâu dài
“Bỏ học để khởi nghiệp” không chỉ xuất hiện tại VN. Một khảo sát được đăng trên tờ tạp chí của Mỹ The Atlantic năm 2013 từng chỉ ra rằng hầu hết 30 triệu người bỏ học ĐH tại Mỹ có tỉ lệ thất nghiệp, sống trong nghèo đói và nợ nần cao hơn hẳn những ai tốt nghiệp ĐH.
Chi tiết hơn, trong 34 triệu người Mỹ trên 25 tuổi và từng học ĐH nhưng không có bằng thì 71% trong số này có khả năng thất nghiệp cao gấp bốn lần, thu nhập trung bình thấp hơn 32% so với những cử nhân ĐH. Vấn đề là rất nhiều cá nhân trên quá tin tưởng vào năng lực bản thân ngày bỏ trường, một số khác tin mình hoàn toàn có khả năng trở thành Mark Zuckerberg, Bill Gates... kế tiếp.
Trước quyết định có nên bỏ học để khởi nghiệp, các bạn trẻ cần phải tự trả lời các câu hỏi: Bản thân có thật sự quyết tâm? Có đủ nghị lực chấp nhận và vượt qua thất bại, mạo hiểm? Có hiểu rõ thị trường mà mô hình khởi nghiệp của mình đang nhắm tới?
Môi trường ĐH dù có thể còn hơi khô khan nhưng nếu các bạn học tập nghiêm túc sẽ có nền tảng tri thức, lý luận nhất định. Hiện các trường ĐH cũng tạo điều kiện để sinh viên tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa nâng cao kỹ năng mềm. Nếu thật sự quyết tâm, kiên trì thì chúng ta chỉ có thêm chứ không bao giờ bị mất đi cơ hội.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận