16/06/2017 13:55 GMT+7

Khởi nghiệp trong lòng nước Mỹ - Kỳ 4: 'Đồi Silicon'

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Năm 2016, Austin, thủ phủ của bang Texas, đã soán ngôi của Silicon Valley ở California để trở thành thành phố khởi nghiệp số 1 của nước Mỹ.

Đại diện Waterlens, một startup cung cấp giải pháp kiểm tra chất lượng nước ở Austin, giới thiệu cách thức thực hiện - Ảnh: NHƯ BÌNH
Đại diện Waterlens, một startup cung cấp giải pháp kiểm tra chất lượng nước ở Austin, giới thiệu cách thức thực hiện - Ảnh: NHƯ BÌNH

“Nhiều doanh nghiệp chuyển đại bản doanh của mình về đây vì không phải lo lắng về thuế bang mà còn một môi trường hỗ trợ doanh nghiệp hết mình

Jonathan Packer

Giới khởi nghiệp đặt biệt danh cho Austin là “Đồi Silicon” (Silicon Hills) nhằm nói đến đặc trưng địa hình đồi núi ở đây cũng như ngầm so sánh sự năng động như đã từng có ở thung lũng Silicon.

Nơi bạn có thể thay đổi thế giới

Con số hằng ngày có ít nhất 157 người chuyển đến sinh sống ở thành phố này như để nhấn mạnh rằng Austin đang “nóng bỏng” như thế nào.

Jordan Sterling, sáng lập Silicon Jungle Labs ở Austin, nói ở đây không có ai là người địa phương, tất cả đều đến từ một nơi nào đó.

Nhưng Austin cũng nổi tiếng là vùng đất giữ chân người bền chặt nhất, với trên 3/4 dân cư sinh ra tại đây vẫn gắn bó với nó đến khi lớn lên.

Austin “đặt cược” số phận mình vào công nghệ Internet. Hơn 50% các giao dịch thu hút giới đầu tư mạo hiểm trong startup đang diễn ra ở lĩnh vực này.

Theo Fred Schmidt - giám đốc đối ngoại của không gian làm việc chung Capitol Factory, có thể dùng yếu tố lịch sử, khí hậu, văn hóa để lý giải vì sao Austin xây dựng được một nền kinh tế công nghệ cao cực kỳ năng động như hiện nay.

“Bản tính miền Tây hoang dã cho phép Austin tự xé rào, đi ngược với các nguyên tắc thông thường và trở thành một điểm hẹn mới của giới khởi nghiệp” - ông Schmidt nói.

Tại Austin hiện có khoảng 3.300 công ty về “tech” với 100.000 lao động lành nghề, nhiều công ty lọt vào Fortune 500.

Không chỉ là những con người thông minh, sáng tạo, yêu âm nhạc, 40% dân số ở đây tốt nghiệp đại học, trong đó 50% nằm trong độ tuổi 18-44.

Đây là độ tuổi lao động “vàng” không dễ gì thành phố khác có được, đặc biệt trong bối cảnh thung lũng Sillicon ngày càng đối mặt với tình trạng khó khăn của những startup mới trong việc thu hút các nhân tài có kinh nghiệm. 

Cuộc chiến giành giật nhân tài ở giới khởi nghiệp thường rất khốc liệt. Do đó, nguồn nhân lực dồi dào giúp doanh nghiệp khởi nghiệp có thể thu hút được nhân tài một cách dễ dàng hơn.

Toàn thành phố Austin có 23 trường cao đẳng, đại học với 138.000 sinh viên theo học, đây là lực lượng tiềm năng hỗ trợ sự phát triển kinh tế thành phố, nguồn cơn của mọi sáng tạo, năng động đang chảy không ngừng.

Ở Austin có tất cả những thiết bị, hạ tầng để các nhà khởi nghiệp toàn cầu có thể chọn cách mở doanh nghiệp tại đây.

“Austin có thể là một trong những hình mẫu lý tưởng về sự phát triển kinh tế, chính sách cho cả nước Mỹ hiện nay và tương lai” - Schmidt nói.

Không gian làm việc chung dành cho startup trong vùng tại trung tâm Galvaniz, thành phố Austin, Texas
Không gian làm việc chung dành cho startup trong vùng tại trung tâm Galvaniz, thành phố Austin, Texas

Không đánh thuế thu nhập

Ông Luke Sheffield, giám đốc đối ngoại Phòng thương mại Austin, cho biết Texas nói chung và Austin nói riêng là nơi hiếm hoi mà chính sách thuế được đánh giá khá thân thiện với doanh nghiệp. Là nơi duy nhất không đánh thuế doanh nghiệp và thuế thu nhập cá nhân.

Theo ông Luke, năm 2016 mỗi người dân ở đây đóng tổng cộng khoảng 4.045 USD (bao gồm tất cả thuế của tiểu bang và địa phương), thấp hơn 13,5% mức trung bình của toàn quốc.

Ngoài việc không đánh thuế thu nhập cá nhân, các chính sách thuế khóa của Texas cũng khá nhẹ nhàng và ít luật lệ ràng buộc vào bậc nhất nước Mỹ.

Ngay cả tòa án của bang này cũng khá nhanh nhạy, hiếm có vụ kiện tụng kéo dài nhiều năm, điều này tạo sự an tâm cho cộng đồng doanh nghiệp.

Ông Jonathan Rosenberg, sáng lập Jackrabbit, một công ty chuyên sản xuất các ứng dụng điện thoại di động, nói ở đây bạn có thể tự tin với môi trường pháp lý và không chịu những gánh nặng về thuế.

Đó là điều cần thiết cho bất kỳ một doanh nghiệp khởi nghiệp nào. Việc không phải đóng thuế cá nhân làm chi phí lao động của doanh nghiệp giảm đi rất nhiều.

“Một thành phố lý tưởng cho thành công của các doanh nghiệp nhỏ phải đảm bảo chi phí kinh doanh, chất lượng cuộc sống, lực lượng lao động, sự đa dạng và chúng tôi tìm thấy được điều đó ở Austin” - Jonathan Rosenberg nói.

Theo bà Laura A Lorek - sáng lập tạp chí Silicon Hills, chuyên về đời sống doanh nghiệp, khởi nghiêp, tuổi thọ của các nhà phát triển phần mềm và công nghệ ở đây cũng cao hơn so với thung lũng Silicon.

Rất nhiều startup hay doanh nghiệp đã chuyển văn phòng đến đây vì bị hấp dẫn bởi môi trường hỗ trợ doanh nghiệp.

Bà Laura A Lorek, sáng lập tạp chí Silicon Hills, giới thiệu về những startup thành công ở Austin - Ảnh: NHƯ BÌNH
Bà Laura A Lorek, sáng lập tạp chí Silicon Hills, giới thiệu về những startup thành công ở Austin - Ảnh: NHƯ BÌNH

Dành ngân sách mời gọi doanh nghiệp

Austin đứng số 1 về các địa điểm tốt nhất của Mỹ để bắt đầu một doanh nghiệp. Theo Chỉ số doanh nhân tăng trưởng Kauffman năm 2016, đây là thành phố có tỉ lệ tạo doanh nhân mới cao nhất nước Mỹ.

Ông Jonathan Packer, giám đốc phụ trách đổi mới sáng tạo và công nghệ toàn cầu của Phòng thương mại Austin, cho biết trải qua những cơn khủng hoảng kinh tế, chính quyền bang hiểu rõ thách thức phát triển kinh tế bền vững.

Nếu càng nhiều công ty chọn mở văn phòng tại Texas, càng thêm nhiều công ăn việc làm, thêm thu nhập cho các gia đình, thêm thuế cho các địa phương và cả tiểu bang. Thị trường địa ốc cũng nhộn nhịp hơn vì có thêm người săn lùng mua nhà...

Do đó, Austin có hẳn nhiều loại quỹ khác nhau nhằm hỗ trợ doanh nghiệp muốn mở rộng hay xây dựng căn cứ địa của mình ở Texas. Chẳng hạn Quỹ Texas Enterprise Fund (TEF) với tôn chỉ thu hút các công ty dọn về Texas. Từ năm 2004 đến nay những công ty tạo ra nhiều việc làm “di cư” về đây đã nhận khoản tài trợ hơn 130 triệu USD từ quỹ này.

Austin hiện là nơi đặt bản doanh lớn thứ hai của Apple với nhân sự lên đến gần 9.000 người.

Google cũng chọn nơi này để phát triển dự án xe không người lái và các dự án phát triển đám mây. Đại gia công nghệ khác là Oracle cũng xây dựng một khuôn viên rộng lớn ở đây.

Bộ phận bán hàng chính của Facebook đã hiện diện và trên hết đây là quê hương của thương hiệu Dell. 5.500 công ty công nghệ ở đây đã tạo ra 120.000 việc làm, chiếm đến 14% tổng số việc làm của toàn thành phố.

Năm 2016, các startup ở Austin đã thu hút được 2,3 tỉ USD vốn mạo hiểm, tăng mạnh so với năm trước.

Chi phí để giữ chân một nhân tài ở đây thấp hơn Silicon Valley, lương trung bình của một nhân sự trong ngành IT ở Austin khoảng 26,32 USD/giờ, trong khi nếu ở thung lũng Silicon thì công ty phải trả hơn 40 USD/giờ.

Lý do cũng bởi chi phí sinh hoạt ở Austin thấp hơn nhiều so với các thánh địa công nghệ khác trên nước Mỹ.

______________

Kỳ tới: Startup Mỹ đến VN

>> Kỳ 1: ​
>> Kỳ 2
>> Kỳ 3: 

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp