Mô hình phát triển spin-off đang mở ra nhiều cơ hội cho start-up khởi nghiệp công nghiệp - Ảnh: M.K.
Từng có thời gian làm việc cho Công ty Chiyoda Việt Nam - một doanh nghiệp nước ngoài chuyên sản xuất khuôn dập liên tục để chế tạo phụ tùng ôtô, anh Nguyễn Xuân Huy - chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần công nghiệp thiết bị điện Đại An - quyết định thôi việc và chuyên tâm với dự án khởi nghiệp của mình.
Lý do mở công ty riêng được anh Huy chia sẻ là nhận thấy khi làm việc tại công ty cũ có rất nhiều dịch vụ cần thuê ngoài, đặc biệt là nhu cầu mua linh kiện từ nước ngoài, do trong nước không đáp ứng được.
Chấp nhận rủi ro "ra riêng"
"Chúng tôi thường xuyên phải đặt gia công rất nhiều linh kiện ở bên ngoài, nhưng ở thời điểm ấy có rất ít doanh nghiệp Việt Nam đảm bảo chất lượng, tiến độ mà mình đòi hỏi. Tôi tự đặt ra câu hỏi tại sao mình hiểu rõ cách thực hiện, cách làm lại không tự sản xuất, tham gia cung ứng. Do vậy chúng tôi đã đề nghị với một số lãnh đạo công ty chuyển một số dịch vụ để chúng tôi trực tiếp đầu tư máy móc phù hợp, tập huấn chuyển giao công nghệ, sau đó công ty trực tiếp thực hiện đến khi thấy rõ lợi ích và hiệu quả" - anh Huy chia sẻ.
Tuy vậy, quá trình khởi nghiệp theo mô hình spin-off có nhiều gian nan. Cũng bởi doanh nghiệp spin-off thường là "tự thân lập nghiệp", không có nền móng hay công ty mẹ hỗ trợ, nên khi đầu tư thiếu vốn, nhân lực, các vướng mắc về chính sách...
"Chúng tôi đều là những người trẻ tự thân khởi nghiệp, không trông cậy vào ai mà chỉ có một ít tiền tích lũy. Tuy nhiên, do khách hàng cũng chính là những lãnh đạo cũ nên rất hiểu, chấp nhận ứng trước tiền hàng, bán rẻ cho một số máy. Tôi cũng có thuận lợi là làm đúng nghề được đào tạo, cộng với kinh nghiệm quản lý tại công ty cũ nên đã vượt qua được những vướng mắc về kỹ thuật, nguồn nguyên liệu" - anh Huy chia sẻ hiện vẫn còn nhiều khó khăn, doanh nghiệp phải vừa làm vừa tháo gỡ.
Xưởng sản xuất của Công ty Đại An được xây dựng từ nền tảng chuyển giao công nghệ từ doanh nghiệp FDI - Ảnh: M.K.
Nền tảng công nghệ, độc lập kinh doanh
Theo bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, phó giám đốc Trung tâm hỗ trợ phát triển công nghiệp IDC (Cục Công nghiệp, Bộ Công thương), Việt Nam có sự hiện diện của nhiều tập đoàn đa quốc gia, đặc biệt ở lĩnh vực sản xuất công nghiệp, công nghệ.
Trong khi đó, doanh nghiệp spin-off thường được tạo nên từ nền tảng nghiên cứu, khai thác các kết quả R&D, công nghệ có sẵn, kết hợp trình độ kiến thức và năng lực chuyên môn cao. Do đó, Việt Nam có nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển các mô hình này, tạo nền tảng cho phát triển công nghiệp.
Theo bà Thúy, người sáng lập doanh nghiệp spin-off thường có đặc trưng là sở hữu bí quyết công nghệ cụ thể, áp dụng bí quyết đó để đổi mới sản phẩm, quá trình sản xuất. Khai thác tối đa bí quyết công nghệ để sản xuất sản phẩm, dịch vụ đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường.
"Spin-off đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra một mô hình hoàn hảo cho việc khai thác và triển khai các kết quả nghiên cứu công nghệ cao. Có thể nói, doanh nghiệp spin-off là phương thức ngắn nhất đưa kết quả nghiên cứu và triển khai vào sản xuất, đồng thời là phương tiện thực hiện hiệu quả chính sách của Nhà nước với sự phát triển ngành công nghiệp theo hướng phát huy tính tự cường, lan tỏa doanh nghiệp nội địa" - bà Thúy nhấn mạnh.
Thực tế với dự án khởi nghiệp của anh Huy, mặc dù nhận thức việc đầu tư vào ngành công nghiệp, chế biến đòi hỏi vốn lớn, nhưng anh cho rằng nếu làm một cách nghiêm túc thì ngành chế tạo có lợi nhuận thấp chứ rủi ro không cao.
Ngoài ra, doanh nghiệp chế tạo có sự phát triển khá bền vững nên anh Huy đặt ra kỳ vọng rằng với việc nắm chắc được các công nghệ của Nhật Bản, sẽ cùng các đồng sự gây dựng được một doanh nghiệp mạnh về kỹ thuật, giảm bớt lượng hàng hóa và dịch vụ phải nhập khẩu, đặc biệt từ Trung Quốc.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận