Giải Golf Tournament for Start-up 2022 khai mạc tại sân golf Long Thành (Đồng Nai) vào ngày 25-3 - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Bỏ việc làm ổn định để theo đuổi giấc mộng kinh doanh, hay oằn lưng vay mượn để có vốn bán hàng ngay từ thời đi học...
Chứng kiến khoảnh khắc 30 gương mặt khởi nghiệp tiêu biểu được vinh danh trong sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up, không ít những "start-up đời đầu" đã cảm thán hồi tưởng về những khó khăn mà mình từng trải qua khi bắt đầu khởi nghiệp.
40 năm trước, chúng tôi làm gì được tiếp cận với nhiều kiến thức kinh tế thị trường như các bạn bây giờ. Thời đó đất nước còn khó khăn nên chuyện vay vốn kinh doanh là rất khó khăn. Ngày nay những người có ý tưởng, có tham vọng dễ dàng hơn nhiều trong quá trình khởi nghiệp.
Ông Lê Văn Kiểm (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn KN, kiêm chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam)
Một thời gian khổ
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc, hiệu phó Trường đại học Kinh tế - tài chính TP.HCM, tham dự buổi giao lưu (networking) trong đêm gala trao giải Golf Tournament for start-up, đã thẳng thắn chia sẻ câu chuyện của mình với các bạn trẻ. Gần 20 năm trước, anh đã ấp ủ kế hoạch khởi nghiệp ngay khi vừa vào đại học.
"Ban đầu tôi ra trung tâm gia sư để tìm việc làm thêm. Sau đó, tôi nghĩ tại sao mình phải đi làm thuê cho người khác mà không tự đứng ra làm luôn. Vậy là tôi tự tìm cách mở một trung tâm. Sau này, tôi còn mở thêm một quán nước nữa trên mặt tiền một đường lớn ở Sài Gòn. Hồi đó, kế hoạch khởi nghiệp như vậy là rất táo bạo rồi. Không ít người nói ra nói vào bởi khi đó mình chỉ mới hơn 18 tuổi, lại còn học đại học sư phạm. Ai cũng nghĩ mình phải lo tập trung học rồi ra làm thầy giáo, bày đặt kinh doanh làm gì", anh Lộc chia sẻ.
Gần 20 năm đã qua kể từ ngày ôm ấp giấc mơ khởi nghiệp, tiến sĩ Nguyên Lộc ngày nay đã gặt hái nhiều thành công trên con đường hàn lâm và có vị thế xã hội, nhưng anh không ngần ngại gọi mình là "tấm gương tiêu biểu cho khởi nghiệp... thất bại". Những kế hoạch khởi nghiệp của anh phần lớn đều dang dở, nhưng không phải vì vậy mà vị hiệu phó này nuối tiếc về thời trẻ tuổi của mình.
"Thời đó, thần tượng của tôi là ông Đặng Lê Nguyên Vũ - một doanh nhân tài giỏi, có nhiều ý tưởng và sẵn sàng chia sẻ với các bạn trẻ. Đó cũng là giai đoạn mà khái niệm start-up chỉ mới bắt đầu tiếp cận với xã hội. Hầu hết mọi người đều xem đó là một điều gì đó rất xa vời. Bản thân chúng tôi khi theo đuổi kế hoạch kinh doanh cũng thường nghĩ rằng đó là một giấc mơ lãng mạn", anh Nguyên Lộc nói thêm.
Ông Lê Văn Kiểm (chủ tịch hội đồng quản trị Tập đoàn KN, kiêm chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam) cũng đồng quan điểm về những khó khăn mà thế hệ "start-up đời đầu" gặp phải.
"40 năm trước, chúng tôi làm gì được tiếp cận với nhiều kiến thức kinh tế thị trường như các bạn bây giờ. Thời đó đất nước còn khó khăn nên chuyện vay vốn kinh doanh là rất khó khăn. Ngày nay những người có ý tưởng, có tham vọng dễ dàng hơn nhiều trong quá trình khởi nghiệp", ông Kiểm nói.
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc - Ảnh: NVCC
Chuỗi sự kiện mang tính kế thừa
Nhiều thập niên trôi qua, start-up ngày nay đã trở thành xu hướng và cũng tạo ra không ít vấn đề. "Thời gian qua tôi vẫn thường tìm tòi, liên hệ với nhiều bạn trẻ đang là sinh viên ôm mộng khởi nghiệp để hỗ trợ. Start-up bây giờ xuất hiện mọi nơi, nhưng đa số là gọi cho sang vậy thôi. Nhiều bạn bán hàng online cũng gọi mình là start-up, trong khi một start-up đúng nghĩa là phải có ý tưởng mới", anh Nguyên Lộc nói.
Vì thế với cộng đồng khởi nghiệp, chuỗi sự kiện hỗ trợ cộng đồng khởi nghiệp thông qua Golf Tournament for Start-up, do báo Tuổi Trẻ tổ chức, là một "địa chỉ" uy tín để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư hay cả các trường đại học hướng về. Nhiều start-up đặc biệt bắt tay với nhau, thông qua kênh liên lạc mà Golf Tournament for Start-up tạo ra.
Anh Đoàn Văn Minh Nhựt (đồng sáng lập thương hiệu bánh mì Má Hải) cho biết, kể từ khi được vinh danh ở sự kiện năm 2019 (năm đầu tiên tổ chức), anh ngày càng kết nối được với nhiều start-up khác để cùng hỗ trợ lẫn nhau.
Những start-up được Golf Tournament for Start-up "chọn mặt gửi vàng" liệu có tiến xa trên hành trình khởi nghiệp? Câu trả lời còn nằm ở nhiều năm sau nữa. Nhưng để lấy một ví dụ cho tính kế thừa mà những chương trình giàu ý nghĩa do báo Tuổi Trẻ gầy dựng nên, start-up Phạm Thanh Toàn (CEO Công ty cổ phần Công nghệ thông minh MiSmart) là một ví dụ. Hơn 15 năm trước, anh Toàn từng nhận được học bổng "Tiếp sức đến trường" của báo Tuổi Trẻ (khi đó có giá trị 3 triệu đồng/suất). Chính từ khoản tiền đó, anh Toàn tự tin bước vào ngưỡng cửa đại học, để rồi giờ đây trở thành người đi tiên phong trong lĩnh vực áp dụng công nghệ hình ảnh để cải thiện sức khỏe cây trồng.
3 triệu đồng để vượt qua áp lực sinh sống tại TP.HCM thời sinh viên, hay 20 triệu đồng để có thể "kéo dài hơi thở" trong những năm đầu khởi nghiệp, sự giúp đỡ mà những chương trình ý nghĩa như Tiếp sức đến trường hay Golf Tournament for Start-up chìa ra cho các bạn trẻ giúp giấc mơ lãng mạn dần trở thành hiện thực.
Mơ về một vườn ươm start-up
Tiến sĩ Đỗ Hữu Nguyên Lộc cho biết anh từng đến Đại học UCL ở Đan Mạch. Tuy không nằm ở một thành phố lớn nhưng nơi đây vẫn có thể xây dựng cho sinh viên một khu trung tâm nhằm phục vụ, hỗ trợ cho các hoạt động khởi nghiệp.
"Đây là mô hình vườn ươm khởi nghiệp rất lý tưởng để các bạn sinh viên có thể định hướng con đường khởi nghiệp của mình. Ở Trường đại học Kinh tế - tài chính, chúng tôi cũng luôn tìm cách hỗ trợ các ý tưởng khởi nghiệp của sinh viên. Nhà trường còn thường xuyên xây dựng những sân chơi riêng cho sinh viên, như cuộc thi Business Ideas, hay Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo..." - tiến sĩ Lộc chia sẻ.
"Cảm hứng khởi nghiệp" truyền lửa đến giới trẻ
Chuỗi sự kiện Tuổi Trẻ Golf Tournament for Start-up 2022 đã khép lại bằng chương trình talkshow "Cảm hứng khởi nghiệp" để tổng kết, vinh danh và trao giải cho các start-up tiêu biểu mùa 3 tại Đại học Quốc gia TP.HCM vừa qua.
Nhằm tạo sân chơi ý nghĩa và khích lệ tinh thần khởi nghiệp cho start-up cả nước, báo Tuổi Trẻ phối hợp Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP.HCM đã triển khai các hoạt động liên quan, thu hút sự tham dự của hàng nghìn bạn trẻ và các chuyên gia uy tín trong lĩnh vực.
Trước đó, các nhà khởi nghiệp trẻ cũng đã được giao lưu, học hỏi kinh nghiệm và được truyền cảm hứng khởi nghiệp từ các gôn thủ vào đêm gala tại Long Thành (Đồng Nai).
Đây là hoạt động thường niên nhằm kỷ niệm 91 năm ngày thành lập Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, hướng đến mục tiêu trở thành quốc gia khởi nghiệp. Qua đó, khuyến khích tinh thần thể thao và vận động, tạo sự lan tỏa và kết nối các doanh nghiệp, thêm cơ hội giao lưu giữa cộng đồng doanh nhân.
Ngoài việc được vinh danh trên mặt báo, những câu chuyện khởi nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận với nhiều quỹ đầu tư cũng như quảng bá hình ảnh đến với công chúng. Ban tổ chức đã chọn 30 start-up tiêu biểu để hỗ trợ một khoản kinh phí với sự đồng hành của các đơn vị: Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông, Hưng Thịnh Land, FE Credit, Number 1, An Hòa, Tân Thuận CT&D, Esuhai..., trong đó có giải thưởng đặc biệt trị giá 100 triệu đồng do Công ty CP PFEC Hòn Ngọc Viễn Đông trao tặng.
MINH HUỲNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận