Trở lại câu hỏi từ diễn đàn này, tôi cho rằng đương nhiên phải chọn đường dài. Khởi nghiệp xét ở góc độ nào đó là làm ăn, là tạo dựng doanh nghiệp, tạo dựng sự nghiệp. Vậy nếu không phải là đường dài sẽ là gì?
Làm gì có khởi nghiệp thành công nếu làm bề nổi?
Chẳng có đam mê nào chỉ cần ngắn hạn mà thành, nếu thật sự không sống chết, không "đổ mồ hôi sôi nước mắt" với nó. Không phải ngẫu nhiên mà người ta nói đến nguyên tắc 10.000 giờ để nhắc rằng phải chuyên chăm luyện rèn để đạt đến độ thành thạo với một công việc, một nghề hay một lĩnh vực nào đó mình đam mê và đeo đuổi.
Khởi nghiệp lại càng không chỉ cần 10.000 mà có khi vài chục ngàn, thậm chí cả trăm ngàn giờ mới mong hái quả ngọt. Làm gì có khởi nghiệp thành công khi chúng ta làm bề nổi, làm theo trào lưu, chạy theo phong trào. Càng không thể hái quả ngọt khởi nghiệp nếu chỉ muốn "đánh nhanh rút gọn" mà thiếu độ kiên trì và sự quyết tâm.
Quan sát và có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ, dường như không ít bạn đang nhìn về khởi nghiệp khá đơn giản. Có bạn khoe đang khởi nghiệp với một xe máy bán cà phê mang đi chúng ta vẫn thấy nhan nhản trên lề đường. Có bạn nói mở một xe bán bánh mì là khởi nghiệp chứ còn gì!
Nếu nhìn khởi nghiệp chỉ là thế, e rằng chúng ta sẽ không có tỉ lệ thất bại trên 90% như một số thống kê về khởi nghiệp trên thế giới. Thậm chí có nghiên cứu còn cho rằng con số này phải đến 95% dự án khởi nghiệp thất bại trong hai năm đầu tiên. Thực ra, sẽ không có con số nào phản ánh chính xác mà chỉ là ước lượng.
Chưa kể, khởi nghiệp cần bám sát nhu cầu thực tiễn, cái xã hội đang cần mới mong có đất sống. Bạn có thể làm cái cũ, điều người khác đã làm, song phải là làm mới, góc tiếp cận khác lạ trên nền tảng cái cũ mới là thứ khởi nghiệp cần.
Khởi nghiệp vì đam mê nhưng cũng cần vì điều xã hội cần
Không thể khởi nghiệp theo sự yêu thích chủ quan của cá nhân ai đó. Đương nhiên, làm theo đam mê không có gì sai, chỉ là nếu đam mê ấy không phải điều xã hội thật sự đang cần, không tiệm cận với vấn đề cuộc sống đặt ra thì chuyện thất bại chỉ là sớm muộn thôi.
Do vậy, tôi vẫn cho rằng khởi nghiệp phải thật sự là chuyện làm ăn nghiêm túc, cần tính toán thấu đáo, có sự đầu tư bài bản trên nhiều góc độ. Và phải tìm thầy dẫn đường, bạn đồng hành khi muốn khởi nghiệp vì không ai đủ giỏi để biết tất cả hay một mình quán xuyến được mọi thứ.
Chỉ như thế mới góp phần kéo giảm tỉ lệ thất bại trong khởi nghiệp xuống. Vì dẫu thừa nhận yếu tố mạo hiểm nhưng "của đau con xót" nếu chẳng may thất bại, phải không?
NGUYÊN GIANG (Củ Chi, TP.HCM)
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận