20/12/2011 06:04 GMT+7

Khối ngành Pháp ngữ: Rộng cửa học tập, hẹp cửa việc làm

CÔNG NHẬT - HỮU CÔNG
CÔNG NHẬT - HỮU CÔNG

TT - “Có thể sẽ bi đát”, đó là nhận định của thầy Nguyễn Hoàng Trung (trưởng khoa ngữ văn Pháp, ĐH KHXH&NV TP.HCM) về tình trạng khối ngành Pháp ngữ ở TP.HCM ít người theo học và viễn cảnh trong những năm tới.

Read this on Tuoitrenews.vn

BFY0X9y3.jpgPhóng to
Sinh viên khoa tiếng Pháp (Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) trong một tiết học - Ảnh: Công Nhật

Từng là ngành học thu hút nhiều người song khối ngành Pháp ngữ ở TP.HCM hiện đang đối mặt với không ít khó khăn. Thực tế này cũng diễn ra ở nhiều trường đại học có đào tạo tiếng Pháp.

Ít người theo học

Có một thực tế là số lượng bạn trẻ theo đuổi tiếng Pháp ngày một giảm dù cơ hội học bổng khối ngành này khá nhiều.

Theo một thống kê gần đây của phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM), số lượng hồ sơ đăng ký vào khoa ngữ văn Pháp của trường giảm từ 230 (năm 2007) xuống 152 (năm 2011) dẫu trường tạo điều kiện tuyển sinh cả hai khối D1 lẫn D3. Một cán bộ khoa cho biết hội thảo du học Pháp vừa được tổ chức vào tháng 11 tại trường cũng có rất ít người tham dự.

Tương tự, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM những năm gần đây cũng liên tục phải gọi thêm nguyện vọng 2 để tuyển đủ chỉ tiêu. Một số trường khác trong TP như ĐH Nông lâm, ĐH Hùng Vương, ĐH Ngoại ngữ tin học... hoặc phải đóng cửa ngành hoặc đào tạo theo kiểu còn người học còn dạy.

Long Nguyên, một cựu HS Trường Minh Khai, cho biết: “Cá nhân tôi cho rằng tiếng Pháp rất khó học trong khi nhu cầu xã hội về khối ngành này ngày một ít, nên nếu không chọn hướng đi du học thì đa số người học đều quyết định dừng càng sớm càng tốt”.

Việc giảng dạy ở khối ngành này cũng được nhiều người trong nghề đánh giá là chưa tốt, đầu tư chưa đúng mức. Thầy Trần Chánh Nguyên (phó trưởng khoa Pháp, Trường ĐH Sư phạm TP.HCM) chia sẻ: “Có một thực tế là sinh viên tốt nghiệp cử nhân sư phạm tiếng Pháp ra trường rất ít người theo nghề, dù khoa chúng tôi luôn nhận được nhiều ưu đãi từ phía Pháp”. Ông cho rằng đây là hệ quả của việc cơ chế không cho tuyển cán bộ giảng dạy trong một thời gian dài. “Giáo viên không đủ trong khi sinh viên lại không muốn theo nghề, nên giải pháp của các trường chỉ còn là tuyển giáo viên ở các tỉnh về. Điều này dẫn tới tình trạng thiếu trước hụt sau”, một giáo viên cấp III khi đề cập đến đội ngũ cho biết.

Tương tự, khoa ngữ văn Pháp Trường ĐH KHXH&NV TP.HCM hiện chỉ có khoảng 15 giảng viên biên chế, trong đó năm người đang theo học tại Pháp nên số giảng viên còn lại phải gồng gánh từ 250-360 tiết/ học kỳ (gấp đôi số tiết/năm theo quy định của ĐHQG TP.HCM).

Trang bị nhiều kỹ năng cho sinh viên

Trong một hội thảo về giảng dạy tiếng Pháp ở các nước thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương được tổ chức ở Huế vào năm 2010, các nhà giáo dục đã khảo sát và chỉ ra rằng hiện chỉ có khoảng 20% lượng sinh viên tốt nghiệp hệ Pháp ngữ còn sử dụng ngôn ngữ này khi đi làm. Tuy nhiên, theo một thăm dò cá nhân của thầy Nguyễn Hoàng Trung thì con số này thực chất chỉ khoảng 10%.

Hầu hết doanh nghiệp trong nước hoặc nước ngoài ở Việt Nam đều ưu ái ứng viên giỏi tiếng Anh. “Ngay cả công ty Pháp cũng vậy. Cá nhân tôi từng nhiều lần đích thân đến gặp các công ty Pháp để tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng thì được biết họ chỉ tuyển nhân viên biết tiếng Anh”, thầy Trung nói.

Minh Ngọc, tốt nghiệp khoa Pháp ĐH Ngoại ngữ - tin học TP.HCM, chia sẻ: “Nếu như sinh viên các ngành ngoại ngữ Anh, Nhật, Hàn... tốt nghiệp có việc làm ngay, thì tôi và nhiều bạn cùng khóa vẫn phải trải qua vài tháng thất nghiệp trước khi được nhận vào công ty có mức lương chỉ vừa đủ sống và hoàn toàn không sử dụng tiếng Pháp”.

Nắm bắt được thực tế đó, hầu hết các trường đều cho biết sẽ sớm thay đổi chương trình học theo hướng thực tế hơn. Thầy Trung cho biết thời gian tới khoa dự kiến bổ sung và thay đổi linh động một số học phần để ngoài tiếng Pháp, sinh viên sẽ biết thêm nhiều kỹ năng hơn nữa trước khi tốt nghiệp. Bên cạnh đó, trường cũng đề cao việc cần mở rộng hơn nữa mối quan hệ với nhà tuyển dụng để có thể thường xuyên cập nhật nhu cầu từ xã hội.

Tuy vậy, thầy Trung cho rằng điều quan trọng nhất vẫn nằm ở ý thức người học. “Sinh viên chỉ nên coi tiếng Pháp nói riêng, ngoại ngữ nói chung như một công cụ hỗ trợ công việc. Nếu họ không tự bổ sung những kỹ năng khác thì chuyện kiếm việc chắc chắn sẽ rất khó khăn”, thầy đúc kết.

Thầy Nguyên lại cho rằng nhu cầu dạy và học tiếng Pháp còn tồn tại ở Việt Nam được bao lâu phần lớn phụ thuộc chính sách của Nhà nước, bởi: “Chỉ khi Nhà nước xác định chúng ta có chính sách đa ngôn ngữ phù hợp với định hướng phát triển chính trị, ngoại giao và kinh tế thì từ đó mới có những hỗ trợ cần thiết, hướng dẫn rõ ràng cho đường đi của khối ngành này”.

Cơ hội học bổng du học Pháp rất nhiều

Đó là khẳng định từ ông Alexis Lý, cán bộ chuyên trách CampusFrance (nguồn thông tin du học chính thức của Đại sứ quán Pháp tại Việt Nam).

Theo ông Alexis Lý, hiện có rất nhiều chương trình học bổng Pháp như: chương trình học bổng chất lượng cao của Đại sứ quán Pháp tại VN, học bổng của Chính phủ Pháp Eiffel, học bổng của AUF (Trung tâm ĐH khối Pháp ngữ) bên cạnh các học bổng của Chính phủ VN, học bổng của các trường...

Thông tin về các chương trình học bổng trên có thể tìm thấy ở link: www.vietnam.campusfrance.org. Đối với học bổng Đại sứ quán Pháp dành cho các sinh viên mong muốn học thạc sĩ hoặc tiến sĩ, các cá nhân quan tâm có thể xem thêm thông tin trên trang web: www.ambafrance-vn.org.

CÔNG NHẬT - HỮU CÔNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp