Ảnh: T.T.D.
Chạp. Ngày cùng tháng tận. Chạp. Công việc lút quá đầu, làm như hàng trăm mối dây lo toan, lo nghĩ, lo lắng cứ quấn nùi, dồn đống hết lại cho những ngày cuối năm, giáp tết. Vì công việc mà tôi phải băng xe qua con đường xuyên khu rừng bảo tồn từ sáng sớm. Bỗng sựng lại, tôi giảm ga xe và sựng người, hàng trăm cánh bông chò theo cơn gió vừa thốc lên rơi phả vào người vào xe.
Tôi tấp vào lề đường, tắt máy xe, đưa tay nhặt một cánh chò vừa rơi trên áo. Từ cánh chò toát lên một mùi vị thơm nồng. Rất gợi. Chạm. Trong khoảnh khắc đó, tôi bần thần nhớ ra cái mùi ký ức, là mùi bữa ăn của gia đình đầm ấm trong những ngày tết nhứt xa xưa, mùi khói măng.
Khói măng. Đúng là mùi vị khói măng. Hồi nhỏ, mỗi khi quảy đôi chàng và vác cây rựa nhỏ trên vai chuẩn bị vào rừng hái củi dạo trước tết thế này, má bao giờ cũng nhắc đi nhắc lại "kiếm càng nhiều cành chò khô càng tốt, cho má hong măng".
Chỉ có khói cây chò thì mới tạo cho mớ măng treo trên giàn bếp có một thứ mà người miền quê gọi là "khói măng" chính hiệu. Khói từ các loại củi khác cũng được nhưng không tạo ra thứ khói măng thơm thơm đặc biệt. Khói măng không hẳn là mùi, cũng không chỉ là vị, nó là tất cả, phảng phất, nhẹ thôi, phải tinh, phải quen mới nhận ra, mới sinh ghiền.
Ngày trước, tết tới thiếu gì thì thiếu chớ không nhà nào ở quê tôi thiếu nồi măng kho. Măng rừng xắn về lột vỏ đun xả cho hết hăng, xẻ hình rẻ quạt đem phơi năm ba nắng, xong xỏ lạt treo giàn bếp hong khói cho khỏi hư mốc. Những sợi măng được xé tước nhỏ cỡ nào, có ngâm rửa qua bao nhiêu nước đi nữa, có nấu có hâm mấy lửa thì khi ăn, người quê thiệt sẽ nhận ra cái mùi cái vị ám khói của măng.
Thiếu khói măng thì nồi măng kho chưa thể hoàn hảo, chưa thể gọi là món không thể thiếu của ba ngày tết bảy ngày xuân. Được khói củi chò thì không gì bằng! Sáng mùng một tết, cả nhà quây quần bên bàn ăn có tô măng kho phảng phất mùi vị khói củi chò thì chỉ có thể tấm tắc khen lấy khen để, loại măng kho ấy cuốn bánh tráng hoặc ăn kèm bánh tét thì cứ gọi là ăn quê, ăn nhớ, ăn đồng, ăn rừng thương thuộc.
Củi chò, cây chò là gọi chung, còn chúng có nhiều loại: chò chỉ, chò đen, chò nâu... Khói măng thuộc loại nhất hạng là khói chò nâu, cây chò nào khi cháy cũng có mùi dầu nhưng khói chò nâu thì thơm đặc biệt.
Khi cháy, ngọn lửa từ củi chò sáng theo từng tia, từng luồng, lửa chò nâu náo nhiệt như pháo bông là do tinh dầu chứa rất nhiều trong thân chò nâu, khói chò nâu ít nhưng thơm, đã bám vào đâu thì thấm đến tận gan ruột đến đó, do vậy mà dù rửa ngâm nhiều lần khói măng vẫn còn dư vị.
Bọn trẻ chúng tôi đi hái củi chò còn có niềm vui nữa là lượm những trái chò khô, loại trái có hai cánh như tai thỏ, thi nhau tung lên trời cho chúng xoay xoay rơi xuống. "Con thỏ" của đứa nào lâu đáp xuống đất nhất sẽ thắng cuộc. Trò chơi miệt quê rừng chỉ có vậy mà tiếng cười nắc nẻ vang vang mãi trong ký ức cho đến tận bây giờ.
Tôi nổ máy xe trở lại rồi vội lên đường, không phải vì nóng ruột với công việc mà vì chợt chạnh lòng buồn cho con cháu mình không được và cũng không có nhu cầu thưởng thức những món ăn mang đậm hồn quê như vậy.
Bây giờ, măng là măng, măng trồng to như bắp chân, thái xắt vuông vức, lõng bõng trong nồi thịt chẳng mùi chẳng vị gì cả và ăn chỉ là... ăn. Đâu chỉ là chuyện ăn lấy có, kể cả thức ăn tinh thần cũng hôi thiu và vô vị trong thời đại tự diệt bởi chất độc và ô nhiễm này.
Có những thứ chỉ còn trong ký ức. Ngày nay, ba ngày tiệc nhỏ, bảy ngày tiệc lớn, các bữa ăn thịnh soạn, thừa mứa nhưng quả thật người ta ăn mà ít ngửi. Cũng từ bản thân tôi đây mà xét, thấy nhiều lúc mình cũng trở nên "dễ tính" trong ăn uống một cách ngạc nhiên. Tôi ghiền cái mùi khói măng mà rồi nhiều lúc cứ quên mất, măng nào cũng là măng, miễn còn có măng là tốt rồi...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận