Lời ví von trên được ông Đặng Hà Việt - cục trưởng Cục Thể dục thể thao - chia sẻ tại lễ trao giải Cống hiến lần thứ 18, diễn ra tại Nhà hát lớn Hà Nội tối 27-3.
Giải thưởng âm nhạc Cống hiến do báo Thể Thao và Văn Hóa (Thông tấn xã Việt Nam) khởi xướng từ năm 2005. Từ năm 2023, giải thưởng đổi tên thành giải thưởng Cống hiến, đồng thời mở rộng thành hai hệ thống giải là Giải Thể thao Cống hiến và Giải Âm nhạc Cống hiến. Ngày 27-3 cũng là Ngày Thể thao Việt Nam.
Tại lễ trao giải năm nay, các VĐV "chiếm sóng" hơn cả những nghệ sĩ đang hoạt động trong lĩnh vực giải trí và không thiếu những khoảnh khắc xúc động.
Thậm chí, các nghệ sĩ trong hệ thống Giải Âm nhạc Cống hiến phải tự nhận cống hiến của họ còn "chưa là gì" so với các VĐV thể thao.
Cống hiến 2024: Các VĐV "chiếm sóng"
Dẫn trường hợp VĐV Nguyễn Thị Thật, ông Đặng Hà Việt nhắc đến những khổ cực của VĐV nữ khi tập luyện, đặc biệt là bộ môn xe đạp đường trường, vất vả và nhiều nguy hiểm.
"Nếu chu vi của Trái đất là hơn 40.000km thì khối lượng luyện tập của các vận động viên đua xe đạp trong một năm cũng trên 30.000km", ông nói.
Ông ví dụ thêm với VĐV Nguyễn Huy Hoàng (HCĐ Asiad với thành tích 7 phút 51 giây 44, ẵm chiếc vé dự Olympic Paris 2024), "khối lượng tập luyện của Huy Hoàng có thể ví với chiều dài của đất nước Việt Nam".
"Nếu ví thế thì trong một năm, Huy Hoàng đã bơi 3 - 4 lần từ Móng Cái tới Cà Mau và ngược lại", ông nói.
Câu chuyện ông Đặng Hà Việt kể khiến cả khán phòng lễ trao giải Cống hiến xúc động, "không tin nổi" và bất ngờ.
Sau đó là những tràng pháo tay không ngớt cảm ơn những tuyển thủ Việt Nam đã trải qua bao khổ cực, hy sinh và cống hiến để mang về vinh quang cho đất nước.
Ở hệ thống Giải Thể thao Cống hiến năm nay, kình ngư Nguyễn Huy Hoàng nhận giải Gương mặt thể thao của năm; tuyển thủ Trần Thị Ngọc Yến là Gương mặt trẻ thể thao của năm.
Giải Khát vọng Cống hiến được trao cho VietGoal - trung tâm bóng đá trẻ em lớn nhất cả nước với 15.000 học viên tại hơn 150 địa điểm ở 6 tỉnh, thành.
Đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam với thành tích lịch sử lần đầu tiên lọt vào Top 4 châu Á đã giành chiến thắng ở hạng mục Chiến tích thể thao của năm.
Lời hứa của kình ngư
Nguyễn Huy Hoàng là khách mời đến muộn nhất của lễ trao giải.
Lý do: Sáng cùng ngày, anh còn đang ở Huế, thi giải vô địch quốc gia hồ ngắn và giành huy chương vàng ở cự ly bơi 1.500m.
Ở Huế buổi chiều không có chuyến bay ra Hà Nội. Nguyễn Huy Hoàng phải bắt xe ô tô từ Huế vô Đà Nẵng, sau đó bắt chuyến bay sớm nhất đáp sân bay Nội Bài và đến thẳng lễ trao giải Cống hiến 2024.
Là một trong những kình ngư xuất sắc nhất của Việt Nam và khu vực Đông Nam Á, lên nhận giải Gương mặt Thể thao của năm, Huy Hoàng chia sẻ niềm hạnh phúc lẫn vinh dự của bản thân khi "đánh bại được những người khác để đứng ở đây".
"Những năm qua, tôi không biết đã cố gắng bao nhiêu. Suốt ngày bơi, bơi và bơi… Kết quả cũng đạt được một số thành tích nhỏ nhỏ gồm 3 huy chương vàng ở SEA Games 32 tại Campuchia, 2 huy chương vàng ở Asiad tại Thường Châu (Trung Quốc)… và nhiều giải trong nước và quốc tế", Hoàng nói.
Năm tháng tới, Hoàng sẽ tham dự Olympic Paris 2024. Đây là lần thứ hai tuyển thủ này tham dự thế vận hội.
Kình ngư người Quảng Bình nói: "Năm nay tôi cố gắng đạt mục tiêu và quyết tâm cao để vươn xa hơn, bứt phá giới hạn bản thân. Bơi là bộ môn rất khó để vươn xa, nhưng tôi sẽ quyết tâm để có thành tích tốt nhất và cố gắng nằm trong top 8 xuất sắc nhất thế giới".
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận