Theo WWF, kế hoạch gồm một chuỗi các khóa tập huấn cho cán bộ kiểm lâm VQG Yok Đôn về kỹ năng tác nghiệp hiện trường và thực thi pháp luật theo tiêu chuẩn chung của kiểm lâm châu Á, đồng thời thực hiện theo dõi đa dạng sinh học bằng bẫy ảnh do WWF VN hỗ trợ.
Đặc biệt, công cụ theo dõi và báo cáo hiện trường SMART (Spatial Monitoring and Reporting Tool) sẽ được triển khai rộng khắp tại VQG để thu thập dữ liệu, giám sát các loài động vật và hỗ trợ, quản lý công tác tuần tra của lực lượng kiểm lâm.
Công cụ này đang được áp dụng hiệu quả ở các khu bảo tồn thiên nhiên trên thế giới, trong đó có hai khu bảo tồn sao la ở Quảng Nam và Thừa Thiên-Huế.
Số liệu quan sát cho thấy Tây nguyên hiện có đàn voi rừng lớn nhất với khoảng 70 con, trong tổng số khoảng 100 con trên cả nước.
Từ năm 2009 đến nay có ít nhất 23 cá thể, chủ yếu là voi con dưới một tuổi, ở Đắk Lắk bị chết. Trong khi đó tình trạng săn bắn voi để lấy ngà, phá rừng làm rẫy đe dọa trực tiếp đến không gian sinh sống, dẫn tới nguy cơ tuyệt chủng của đàn voi rừng tại đây.
Theo tiến sĩ Văn Ngọc Thịnh - giám đốc WWF Việt Nam, đây là lúc cần có hành động khẩn cấp để cứu lấy đàn voi rừng, là cơ hội cuối cùng, nếu không số phận của chúng có thể sẽ giống như tê giác Java một sừng, tuyệt chủng tại VN năm 2010 hoặc loài hổ, hiện không tìm được dấu vết sinh sản nào ngoài tự nhiên trong những năm gần đây.
“Song song với việc đẩy mạnh thực thi pháp luật, chúng tôi sẽ hỗ trợ việc theo dõi đa dạng sinh học và tập tính di chuyển theo mùa của quần thể voi hoang dã, cảnh báo sớm sự xuất hiện của voi cho người dân và các biện pháp can thiệp thân thiện voi - người”, ông Thịnh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận