14/08/2013 08:15 GMT+7

Khởi động đặc khu Phú Quốc

NGUYỄN TRIỀU
NGUYỄN TRIỀU

TT - Ngày 13-8, đoàn công tác của Ban Kinh tế trung ương do phó trưởng ban Nguyễn Xuân Cường, ủy viên Trung ương Đảng, dẫn đầu cùng Ban chỉ đạo Tây Nam bộ đã có buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Kiên Giang về việc chuẩn bị đề án thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc.

LJ7Bbxbg.jpgPhóng to
jZ5j5xWW.jpgPhóng to
Một góc xóm chài trên huyện đảo Phú Quốc, Kiên Giang - Ảnh: N.Hà

Ông Văn Hà Phong - ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy, bí thư Huyện ủy Phú Quốc - cho biết theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, tỉnh Kiên Giang đang triển khai thực hiện song song đề án nâng cấp Phú Quốc lên đô thị loại 2 để thành lập TP Phú Quốc trực thuộc tỉnh Kiên Giang vào năm 2015 và đề án thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc trực thuộc trung ương năm 2020.

\Trong đó, đề án thành lập TP Phú Quốc dự kiến sẽ thông qua ban chấp hành Đảng bộ tỉnh vào cuối năm 2013. Riêng đề án thành lập đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc đến nay đã hoàn tất dự thảo, thông qua ban thường vụ, ban chấp hành Đảng bộ tỉnh cuối tháng 7 vừa qua.

Bí thư kiêm trưởng đặc khu

Tháng 9-2013: khởi công dự án xử lý rác thải 500 tấn/ngày

Ông Văn Hà Phong - bí thư Huyện ủy Phú Quốc - cho biết đến nay một số công trình trọng điểm đã và đang trong giai đoạn hoàn thành, đủ sức đáp ứng nhu cầu của một TP Phú Quốc và một đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc những năm tới.

Trong đó, sân bay quốc tế Phú Quốc được xây dựng hiện đại đủ sức tiếp nhận máy bay cỡ lớn như Boeing 767, Boeing 747-400 với công suất 2,5-3 triệu lượt khách/năm. Cảng biển quốc tế An Thới và các cảng nội địa Dương Đông, Bãi Thơm đã hoàn thành. Các tuyến đường trục bắc - nam, vòng quanh đảo nối các đô thị Dương Đông, An Thới, Bãi Thơm, Cửa Cạn cũng đang được hoàn thiện.

Các dự án cung cấp điện, nước, xử lý rác thải đang được gấp rút đầu tư. Ngoài ra, Phú Quốc đang tiến hành bồi thường giải tỏa, để trong tháng 9-2013 sẽ khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác thải công suất 500 tấn/ngày. Riêng dự án cáp điện ngầm xuyên biển Hà Tiên - Phú Quốc do trung ương đầu tư dự kiến đấu nối trong năm 2014.

Theo dự thảo, đặc khu hành chính - kinh tế Phú Quốc bao gồm toàn bộ hiện trạng huyện đảo Phú Quốc với tổng diện tích tự nhiên 59.305ha và toàn bộ thềm lục địa phía Tây Nam theo công ước quốc tế và hiệp định VN ký với các nước.

Đặc khu Phú Quốc trong tương lai sẽ là đơn vị hành chính tương đương tỉnh - TP trực thuộc trung ương và có 10 phường, xã trực thuộc (gồm tám xã, thị trấn và hai xã đảo hiện nay).

Mô hình chính quyền của đặc khu Phú Quốc được tổ chức thành hai cấp là cấp đặc khu và cấp phường, xã. Chính quyền đặc khu là cấp chính quyền hoàn chỉnh, có HĐND và UBND (cơ quan hành chính), có tư cách pháp nhân và ngân sách riêng.

HĐND đặc khu được thiết lập theo hướng thực quyền và có tính chuyên nghiệp cao. Đại biểu HĐND có thể làm việc trong các tổ chức chính trị, chính trị - xã hội, doanh nghiệp... đại diện cho các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng dân cư khác nhau trên địa bàn. Hạn chế tối đa số đại biểu trong các cơ quan hành chính.

Tổ chức HĐND đặc khu gồm văn phòng và hai ban hành chính tư pháp và kinh tế - xã hội.

Trong đó, văn phòng HĐND đặc khu là cơ quan hành chính đảm bảo hoạt động của đoàn đại biểu Quốc hội và HĐND đặc khu.

Bộ máy UBND đặc khu gồm bộ phận thường trực (có chín thành viên), chín cơ quan chuyên môn cấp sở cùng các đơn vị kinh tế, sự nghiệp.

Đứng đầu đặc khu là bí thư đảng bộ kiêm trưởng đặc khu, do HĐND đặc khu bầu (không nhất thiết là đại biểu HĐND) và Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn. Các phó trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm theo đề nghị của trưởng đặc khu.

Trong khi đó, chính quyền phường xã không có HĐND mà chỉ có ủy ban hành chính là cơ quan đại diện của chính quyền đặc khu và không có tư cách pháp nhân, không có ngân sách riêng. Chính quyền phường, xã thực hiện chức năng, quyền hạn theo cơ chế ủy quyền của chính quyền đặc khu và là “cánh tay nối dài” của các cơ quan chuyên môn cấp sở trong hoạt động quản lý nhà nước.

Ưu đãi cao nhất

Cũng theo dự thảo, đặc khu Phú Quốc sẽ được hưởng các cơ chế chính sách đặc thù về nguồn nhân lực, thu hút đầu tư, quản lý và sử dụng đất đai, thuế, quản lý xuất nhập cảnh và các cơ chế chính sách khác có tác dụng tạo điều kiện rộng mở để Phú Quốc phát triển tốt nhất.

Chẳng hạn, các dự án đầu tư trong nước và đầu tư trực tiếp từ nước ngoài vào Phú Quốc sẽ được xem xét, phê duyệt với thủ tục đơn giản nhất kèm theo chính sách thuế đặc biệt ưu đãi.

Dự thảo cũng đề xuất cho phép Phú Quốc được phát hành trái phiếu chính phủ, trái phiếu công trình và các phương thức huy động vốn với ưu đãi cao hơn trong các quy định hiện hành. Đặc biệt, trong 10 năm đầu thành lập, đặc khu Phú Quốc được giữ lại 100% nguồn thu ngân sách để đầu tư phát triển hạ tầng, bên cạnh các nguồn vốn ưu tiên từ ngân sách trung ương.

Ông Lê Văn Thi - chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang - cho biết những cơ chế chính sách đề xuất trong đề án đã được cân nhắc, đối chiếu các quy định pháp luật hiện hành với thực tiễn địa phương.

“Quyết định 178 của Thủ tướng về phát triển đảo Phú Quốc đã cho phép Phú Quốc được hưởng tất cả ưu đãi dành cho các khu kinh tế, nhưng thật ra không áp dụng được do vướng luật chung, nhất là trong vị thế Phú Quốc hiện nay chỉ là đơn vị trực thuộc tỉnh thì không thể được ưu ái hơn đơn vị trực thuộc trung ương” - ông Thi nói.

Theo ông Cường, thành lập các đặc khu hành chính - kinh tế đang là xu hướng chung của thế giới, ngay cả một nước phát triển hàng đầu như Nhật Bản cũng coi đặc khu kinh tế như một mũi tên thứ ba của nền kinh tế để giải tỏa các bế tắc của nền kinh tế truyền thống.

“Chúng ta xây dựng đề án thành lập đặc khu Phú Quốc trong điều kiện nền kinh tế chưa phục hồi hoàn toàn sau khủng hoảng và trong bối cảnh một số nước xung quanh cũng đang chạy đua thành lập đặc khu, do đó cơ chế chính sách đề xuất phải đảm bảo đủ tính cạnh tranh ở tầm khu vực” - ông Cường nói.

Song, ông Cường lưu ý các cơ chế chính sách đề xuất trong đề án mang tính đột phá nhưng phải đảm bảo tính khả thi, chứ không phải đột phá kiểu “một bước lên trời”.

Đánh giá cao công tác chuẩn bị đề án, tuy nhiên ông Nguyễn Xuân Cường đề nghị Ban chỉ đạo Tây Nam bộ và tỉnh Kiên Giang cần tập trung phân tích cụ thể hơn nữa những tiềm năng, lợi thế đặc thù của Phú Quốc mà những nơi khác không có, cũng như những cản ngại mang tính “cốt tử” trong cơ chế chính sách hiện tại để lý giải một cách thuyết phục những ý tưởng đột phá nêu trong đề án.

Theo ông Cường, dự kiến trong tháng 10-2013 Bộ Chính trị sẽ có cuộc họp nghe các đơn vị liên quan báo cáo về tiến độ xây dựng đề án này.

NGUYỄN TRIỀU
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp