17/11/2021 16:33 GMT+7

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước từ phát triển văn hóa

TTXVN
TTXVN

TTO - Ngày 24-11-2021, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc tại thủ đô Hà Nội.

Khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước từ phát triển văn hóa - Ảnh 1.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng

Như vậy là 75 năm sau Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (24-11-1946), Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm khơi dậy khát vọng của toàn dân tộc để bước sang một thời kỳ mới, tập trung phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Hội nghị sẽ đánh giá thực trạng kết quả xây dựng văn hóa, con người Việt Nam sau 35 năm đổi mới; từ đó đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm công tác văn hóa, văn nghệ trong giai đoạn 2021-2026, tầm nhìn đến năm 2045.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch Nguyễn Văn Hùng trả lời phỏng vấn TTXVN vể sự kiện nói trên.

* Xin bộ trưởng cho biết ý nghĩa của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021 sau 75 năm kể từ Hội nghị lần thứ nhất năm 1946?

- Như chúng ta đã biết, năm 2021 là năm đất nước ta có nhiều sự kiện chính trị hết sức quan trọng. Đây cũng là năm đầu tiên triển khai thực hiện nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, cụ thể hóa chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước 10 năm mà nghị quyết đã đề cập.

Tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã hoạch định đường lối phát triển đất nước Việt Nam đến năm 2030 nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Đảng (3-2-1930 - 3-2-2030) và năm 2045 kỷ niệm 100 thành lập nước (2-9-1945 - 2-9-2045), đặt ra mục tiêu đất nước ta đến thời điểm đó là đất nước công nghiệp phát triển.

Bên cạnh đó, chúng ta cũng nhìn thấy tình hình trong nước, thế giới có những thuận lợi và thách thức đan xen. Đất nước ta phải đối mặt với đại dịch COVID-19, đặc biệt là đợt dịch thứ 4 từ tháng 4-2021 đã gây ra những thiệt hại rất lớn, trong đó có ngành văn hóa, thể thao và du lịch.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, có thể nói từ lời hiệu triệu của Tổng bí thư đến nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, chương trình cụ thể của Chính phủ, sự đồng lòng, đồng sức của nhân dân, đến thời điểm này, chúng ta đã từng bước kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, đưa đất nước vào tình trạng bình thường mới theo hướng linh hoạt, kiểm soát an toàn, hiệu quả. Vì vậy mà chúng ta đang chăm lo, làm tốt hơn vai trò phục hồi kinh tế xã hội của đất nước.

Đặc điểm thứ 3 của năm 2021 là trong quá trình triển khai thực hiện nghị quyết phải gắn với các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, quê hương, trong đó có kỷ niệm 75 năm ngày Bác Hồ tổ chức Hội nghị Văn hóa lần thứ nhất ngày 24-11-1946, chính vì vậy đặt ra yêu cầu là Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch chủ động tham mưu cho các cấp có thẩm quyền, sau đó Thường trực Ban Bí thư giao nhiệm vụ cho các ban Đảng, các tổ chức có liên quan nhằm tổ chức triển khai sớm các hoạt động về lĩnh vực văn hóa.

Chúng ta tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 mà mục tiêu xuyên suốt là triển khai nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII về văn hóa. Đây cũng là nhiệm vụ quan trọng của tất cả các tổ chức Đảng dưới sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Thêm vào đó, trải qua 75 năm, những bài học của việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất vẫn còn nguyên giá trị. Vì vậy, việc tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 là một cách làm phù hợp, kế thừa và phát huy được tinh thần và ý nghĩa của Hội nghị Văn hóa toàn quốc lần thứ nhất do Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trì.

Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 diễn ra vào thời điểm quan trọng, trong nhận thức của chúng tôi thì hội nghị này cũng có tính chất lịch sử. Nhưng cũng phải nhấn mạnh rằng hội nghị này cũng không chỉ dành riêng cho văn hóa mà là ngành văn hóa từng bước thực hiện các nhiệm vụ Đảng giao phó.

* Bộ trưởng có thể chia sẻ cụ thể những nội dung đáng chú ý của Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021 sắp diễn ra?

- Từ bối cảnh tình hình, cách thức triển khai Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm nay không có gì đột biến mà đã đi theo một tuần tự và nằm trong tổng thể của quá trình triển khai nghị quyết. Tiêu đề là Hội nghị Văn hóa toàn quốc để triển khai thực hiện nghị quyết XIII của Đảng về lĩnh vực văn hóa.

Hội nghị cũng cho thấy sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, nhất là sự quan tâm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về văn hóa. Sự quan tâm đó là có cơ sở lý luận và thực tiễn, bởi các văn kiện của Đảng đều khẳng định phải đặt văn hóa ngang tầm với chính trị và kinh tế, coi văn hóa là động lực tinh thần của sự phát triển, là một trong 4 trụ cột mà nghị quyết Đại hội XIII đã nói rất rõ.

Do đó, quy mô của hội nghị khá lớn, tính chất toàn quốc, nên bên cạnh việc tổ chức tại hội trường Diên Hồng với sự tham dự của gần 600 đại biểu là lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, văn nghệ sĩ, tổ chức chính trị xã hội thì hội nghị còn được kết nối trực tuyến đến tất cả các điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trong cả nước (gồm điểm cầu của các tỉnh, thành ủy, quy mô tập thể Ban chấp hành Đảng bộ cấp tỉnh, các cơ quan ban ngành đoàn thể cấp tỉnh).

Ban Chỉ đạo hội nghị còn mong muốn phát huy sức mạnh công nghệ thông tin có thể kết nối trực tuyến đến tận các xã phường, thị trấn trong toàn quốc.

Đó là về quy mô. Còn nội dung trọng tâm xuyên suốt của hội nghị chính là dẫn luận, hệ thống lại các quan điểm của Đảng, tư tưởng của Bác Hồ về văn hóa.

Dựa trên đường lối của Đảng ta, đặc biệt là tinh thần của chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh về vấn đề văn hóa được Đảng ta xác định là kim chỉ nam cho hành động, thì chúng ta nhìn lại một cách sâu sắc hơn 35 năm dưới sự đổi mới của Đảng về văn hóa đã đạt được thành tựu, khó khăn, yếu kém gì?

Từ đó rút ra được những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm, để có nhận thức đúng đắn. Khi có nhận thức đúng thì sẽ có hành động đẹp.

Tiếp theo là, từ nhận thức có tính chất hệ thống về các quan điểm của Đảng, thực tiễn qua 35 năm đổi mới của Đảng ta, dưới góc độ văn hóa thì yêu cầu đặt ra là phải xác định phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới trên trục xuyên suốt là phát triển văn hóa, con người Việt Nam, trọng tâm là khơi dậy khát vọng xây dựng đất nước hùng cường.

* Vậy bộ trưởng có kỳ vọng gì về kết quả hội nghị lần này?

- Đây là vấn đề không chỉ báo chí quan tâm mà còn có các nhà làm văn hóa, đội ngũ thực hành văn hóa, văn nghệ sĩ - những chiến sĩ tiền phong trên mặt trận văn hóa tư tưởng, các thế hệ lãnh đạo, nói rộng ra là toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta mong muốn sau hội nghị chúng ta phải nhận thức đúng hơn, sâu sắc hơn, toàn diện hơn về quan điểm, đường lối của Đảng ta về văn hóa.

Khi và chỉ khi nhận thức đầy đủ, có hệ thống và nâng tầm nhận thức của mỗi cán bộ, đảng viên thì chúng ta mới có điều kiện thực hành văn hóa đúng đường lối, quan điểm của Đảng, không đi chệch hướng, phát huy được đầy đủ các nội hàm xây dựng nền văn hóa mà chúng ta đang hướng đến là tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc.

Đó là nền văn hóa biết tiếp thu các tinh hoa văn hóa của nhân loại trong quá trình tiếp biến, chủ động khắc phục những tác động của văn hóa ngoại lai, ảnh hưởng tiêu cực trong quá trình hội nhập.

Sau hội nghị, chúng ta phải xác định hệ sinh thái văn hóa mà bao trùm xuyên suốt là xây dựng cho được môi trường văn hóa, tiếp cận theo hướng chọn việc, chọn điểm, chọn lĩnh vực và ưu tiên vấn đề văn hóa doanh nghiệp và dân sinh.

Khi chúng ta đang xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thì doanh nghiệp được coi là trái tim của nền kinh tế. Do đó phải xây dựng môi trường này đảm bảo hàm lượng văn hóa trong kinh tế và kinh tế trong văn hóa.

Như chúng ta đã biết, văn hóa dân tộc ta bắt đầu từ cơ sở, hình thành từ ngàn năm nay, chúng ta phải biết phát huy giá trị, do đó phải trở lại để làm thực chất hơn việc xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở, từ khu dân cư, cơ quan đơn vị, để thực sự là môi trường văn hóa, con người hoạt động trong môi trường văn hóa.

Đặc biệt, sau hội nghị, chúng ta phải tập trung thực hành để triển khai hệ giá trị con người Việt Nam mà nghị quyết đã đề ra. Đó là con người Việt Nam yêu nước, trọng lẽ phải, giàu tình thương, có khát vọng xây dựng đất nước.

Nhưng cũng không thể xây dựng theo hướng chỉ có một số giải pháp cụ thể mà phải đặt con người trong tổng thể, vừa là nhân vật trung tâm, chủ thể xây dựng văn hóa, ngược lại văn hóa hình thành nên phẩm chất cao quý của con người Việt Nam. Đó là con người của thời đại hội nhập, giữ được bản sắc văn hóa dân tộc. Đấy chính là những điều chúng ta kỳ vọng sau hội nghị này...

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người ung thư bị xúc phạm nên trình báo, kiện ra tòa Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Người ung thư bị xúc phạm nên trình báo, kiện ra tòa

TTO - Đại biểu nêu câu chuyện rất thời sự: Người dùng mạng xã hội nhân danh "thực dưỡng" xúc phạm bệnh nhân ung thư nặng nề. Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng có thể kiện, nhưng nhấn mạnh vai trò lên án của chính cộng đồng mạng.

TTXVN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp