15/11/2020 10:09 GMT+7

Khởi đầu mới cho du lịch liên kết

NHƯ BÌNH
NHƯ BÌNH

TTO - Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi hạ tầng du lịch của vùng phát triển, sản phẩm du lịch liên kết vùng chắc chắn được nâng chất, hấp dẫn với du khách.

Khởi đầu mới cho du lịch liên kết - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam tham quan gian hàng trưng bày các sản phẩm du lịch tiêu biểu bên lề hội nghị - Ảnh: P.T.

Liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh vùng Tây Bắc mở rộng được kỳ vọng sẽ mở ra nhiều cơ hội nhằm khai thác tiềm năng du lịch của các địa phương, tạo nên chuỗi sản phẩm liên kết vùng để thu hút lượng du khách trong và ngoài nước.

Chỉ đạo tại Hội nghị liên kết vùng TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng được tổ chức ở TP Việt Trì (Phú Thọ) ngày 14-11, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng khi hạ tầng du lịch của vùng phát triển, sản phẩm du lịch liên kết vùng chắc chắn được nâng chất, hấp dẫn với du khách.

Giải quyết bài toán chất lượng du lịch

Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết trong nhiều cái lo của ngành du lịch VN, cái lo dễ thấy nhất chính là sự thiếu liên kết, phối hợp giữa các địa phương. 

Trong các chuyến đi quảng bá, xúc tiến đầu tư du lịch ở nước ngoài, địa phương nào cũng muốn tự quảng bá cho địa phương mình mà thiếu cái chung. Không những vậy, các sản phẩm du lịch đem đi giới thiệu cũng mang tính đua tranh nhau mà không có sự bổ trợ cho nhau.

Do vậy, theo ông Đam, trong nỗ lực chung phát triển ngành du lịch, Chính phủ rất mong muốn hai TP lớn, hai đầu kéo Hà Nội và TP.HCM giúp các địa phương khác có kết nối. 

Liên kết vùng cũng phải giải quyết bài toán nâng cao hiệu quả kinh tế ngành du lịch đối với người dân. Ngành du lịch VN chia làm 5 vùng, trong đó vùng Tây Bắc chiếm 12% tổng số khách du lịch, 7% khách quốc tế của cả nước nhưng doanh thu chỉ có 5%. Như vậy, doanh thu tính trên lượng khách của vùng Tây Bắc thấp so với cả nước.

"Dù tùy thuộc vào mô hình sản phẩm du lịch nhưng cũng đặt ra cho chúng ta không gian đổi mới sản phẩm còn nhiều hơn. Liên kết giữa TP.HCM với các vùng, trong đó có vùng Tây Bắc mở rộng hôm nay là rất cần thiết. 

Chính phủ hoan nghênh TP.HCM có sáng kiến liên kết vùng, cùng nhau hiện thực hóa, góp phần thúc đẩy du lịch và khắc phục những điểm chưa làm được" - Phó thủ tướng nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Thành Phong, chủ tịch UBND TP.HCM, cũng khẳng định hội nghị là minh chứng cho những nỗ lực của các địa phương trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm kích cầu thị trường du lịch nội địa - một thị trường khá quan trọng để vực dậy ngành du lịch trong điều kiện hiện nay. 

Tuy nhiên để tập trung phục hồi ngành du lịch, các địa phương cần có những giải pháp sáng tạo, mạnh dạn nhằm giúp doanh nghiệp duy trì và phục hồi sớm, đó là liên kết hợp tác để tăng cường lượng khách hai chiều từ các địa phương, hình thành xu hướng người VN đi du lịch VN.

Ngoài ra, tăng cường hợp tác các chương trình kích cầu du lịch trên cơ sở đẩy mạnh hình thành những sản phẩm du lịch liên kết đặc trưng, mới mẻ, khai thác tối đa những lợi thế của du lịch TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc, phù hợp với bối cảnh thị trường. 

"Bên cạnh các tuyến du lịch hiện hữu, cần đầu tư nâng cấp, hình thành mới các điểm du lịch ở từng địa phương. Các điểm du lịch cần hướng đến mục tiêu tạo nên sự đa dạng và lý thú ở các điểm liên kết trong hành trình của du khách khi đến các địa phương" - ông Phong gợi ý.

Khởi đầu mới cho du lịch liên kết - Ảnh 2.

Hà Giang - một trong những điểm đến hấp dẫn tại vùng Đông Bắc - Ảnh: NAM TRẦN

Thêm sản phẩm cao cấp cho vùng Tây Bắc

Ông Võ Anh Tài, phó tổng giám đốc Saigontourist Group, cho biết từ góc độ doanh nghiệp, du lịch Tây Bắc luôn hấp dẫn và còn nhiều tiềm năng, triển vọng phát triển cả chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở liên kết với TP.HCM.

Sau chuyến khảo sát các điểm đến, Lữ hành Saigontourist đã xây dựng 3 tuyến du lịch mẫu liên kết với các địa phương gồm tuyến Tây Bắc - Bản anh hùng ca kéo dài 6 ngày 5 đêm, đi qua các điểm tham quan nổi bật của các tỉnh: Phú Thọ, Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Lào Cai.

Tuyến Hương sắc vùng cao (5 ngày 4 đêm) đi qua các điểm tham quan nổi bật của các tỉnh: Phú Thọ, Hà Giang, Lai Châu, Lào Cai và tuyến Về miền đất Tổ (6 ngày 5 đêm) đi qua các điểm tham quan nổi bật của các tỉnh: Phú Thọ, Yên Bái, Lai Châu, Lào Cai.

"Chúng tôi có rất nhiều tour liên quan tuyến điểm Tây Bắc và sắp tới đặt chỉ tiêu một năm phát triển ít nhất 3 tour mới liên quan Tây Bắc với các dòng tour về nguồn, văn hóa lịch sử, khám phá nghỉ dưỡng, ẩm thực, du lịch MICE và đặt chỉ tiêu bình quân hằng năm đưa khách đến Tây Bắc tăng trên 10-20%" - ông Tài cho biết.

Bà Huỳnh Đông Phương Hoàng, phó tổng giám đốc Vietravel, cho biết với sự đa dạng các sản phẩm, trong năm 2018 Vietravel đã phục vụ gần 42.000 khách đến Tây Bắc. Số lượng khách đến vùng này trong năm 2019 đạt gần 52.000 khách. Tỉ lệ tăng trưởng bình quân mỗi năm hơn 20%.

Năm 2020, do tác động của dịch COVID-19 kéo dài từ cuối tháng 3 đến nay nhưng tính đến ngày 15-11, doanh nghiệp vẫn phục vụ được 23.000 khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các tỉnh Tây Bắc và kỳ vọng đưa con số này lên khoảng 40.000 khách trong năm tới, thông qua hãng bay mới cũng như sản phẩm du lịch mới được xây dựng sau liên kết vùng.

Tuy nhiên, theo bà Phương Hoàng, cần cải thiện hệ thống mua sắm, dịch vụ cho du khách bằng cách đầu tư, xây dựng các trung tâm mua sắm đạt tiêu chuẩn kinh doanh sản vật địa phương, kinh doanh mặt hàng truyền thống của các dân tộc vùng cao Tây Bắc... 

Bởi dịch vụ của vùng Tây Bắc còn thiếu các sản phẩm cao cấp nên cần kêu gọi đầu tư thêm các dịch vụ này để làm phong phú loại hình du lịch cho vùng.

Đồng thời nâng cấp tuyến điểm và giao thông kết nối giữa các điểm đến để rút ngắn thời gian và đảm bảo an toàn cho du khách. Đại diện Vietravel cũng đề xuất để sản phẩm liên kết có lợi thế cạnh tranh, các đối tác trong vùng cùng nhau cam kết giữ nguyên chất lượng dịch vụ và giảm giá thành xuống từ 30-50% đến giữa năm 2021.

Phó thủ tướng Vũ Đức Đam: Phát triển du lịch phải là của để dành cho con cháu

VN có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, mà khó nhất trong phát triển du lịch VN là hoàn thiện hạ tầng như giao thông từ hàng không, đường bộ đến cả y tế, sửa đổi chính sách để huy động nguồn lực bên cạnh nguồn vốn nhà nước.

Thứ hai, du lịch VN có nhiều thời điểm phát triển nóng dẫn đến nguồn lực không được khai thác hiệu quả, thậm chí một số nơi sau nhiều năm phải dành nguồn lực để khắc phục hậu quả do phát triển nóng ban đầu để lại, dẫn đến "có những điều bây giờ chúng ta tưởng chừng làm đúng nhưng về lâu dài không đúng".

Trong liên kết du lịch, làm sao có thể mời gọi các nhà đầu tư trong và ngoài nước có trách nhiệm, trình độ tham gia, để không chỉ tăng số lượng du khách hay doanh thu mà chi tiêu tính trên đầu người cũng tăng. Do đó, một trong những mũi nhọn mà chúng ta tập trung liên kết là tạo điều kiện thuận lợi nhất để có những nhà đầu tư lớn đầu tư vào hạ tầng du lịch, sản phẩm du lịch.

Riêng khu vực Tây Bắc mở rộng, việc thu hút đầu tư đòi hỏi sự công phu hơn. Làm sao có được những nhà đầu tư cùng cộng đồng dân cư phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng du lịch cộng đồng bền vững hơn.

Mô hình này đòi hỏi chính quyền, doanh nghiệp tốn công hơn nhiều lần. Nhưng đây là điều đặc biệt quan trọng. Bởi dù doanh thu của ngành du lịch trên đầu người không cao bằng sản xuất linh kiện điện thoại, điện tử... nhưng tác động lan tỏa của ngành du lịch với cuộc sống người dân rất lớn.

Mô hình này giúp xóa đói giảm nghèo, giúp bà con tiếp cận những giá trị văn hóa bên ngoài, mang giá trị văn hóa bản địa giới thiệu... Nếu chú trọng ngay từ đầu, du lịch cộng đồng gắn kết với các sản phẩm du lịch trọng điểm của doanh nghiệp thì mới phát triển bền vững. Về lâu dài, đó như là của để dành cho con cháu về sau.

"Làn gió mới" cho du lịch VN

Tại hội nghị, thỏa thuận liên kết và hợp tác phát triển du lịch giữa TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng (gồm Điện Biên, Hà Giang, Hòa Bình, Lai Châu, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái và Phú Thọ) giai đoạn 2021-2025 đã được ký kết.

UBND 9 địa phương đã cùng ban hành kế hoạch hành động triển khai cụ thể của năm 2021.

Tổ công tác gồm "9 tư lệnh ngành du lịch của các tỉnh thành" phối hợp chặt chẽ triển khai đồng bộ, có kiểm tra, đánh giá để thỏa thuận và kế hoạch ký kết được đi vào thực tiễn, hiệu quả, tạo ra làn gió mới cho du lịch của TP.HCM và 8 tỉnh Tây Bắc.

Ngoài ra, còn có thỏa thuận hợp tác giữa hiệp hội du lịch các địa phương và các hãng hàng không, thỏa thuận hợp tác giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch 9 tỉnh thành với các nội dung cụ thể, thiết thực.

Khởi đầu mới cho du lịch liên kết - Ảnh 5.
Có nên thu phí để phát triển du lịch cao nguyên đá Đồng Văn? Có nên thu phí để phát triển du lịch cao nguyên đá Đồng Văn?

TTO - Nhiều lý do - trong đó có thiếu kinh phí - khiến cao nguyên đá Đồng Văn chưa được mạnh dạn đầu tư những tour du lịch độc đáo có giá trị quốc tế.

NHƯ BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp