24/12/2022 08:13 GMT+7

Khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Kỳ vọng sớm phục vụ 50 triệu khách/năm

TUẤN PHÙNG - CÔNG TRUNG
TUẤN PHÙNG - CÔNG TRUNG

Sau 2 năm rưỡi kể từ khi Thủ tướng phê duyệt chủ trương đầu tư dự án xây dựng nhà ga hành khách T3 cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, chiều 24-12 dự án này sẽ được khởi công, kỳ vọng nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm.

Khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Kỳ vọng sớm phục vụ 50 triệu khách/năm - Ảnh 1.

Phối cảnh nhà ga T3 Tân Sơn Nhất với kiến trúc mái nhà ga lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống (nguồn: ACV)

Hệ thống giao thông kết nối nhà ga T3 nói riêng và sân bay Tân Sơn Nhất nói chung cũng đang được quyết liệt cải tạo để có được sự đồng bộ.

Nâng gấp đôi công suất sân bay Tân Sơn Nhất

Hiện tại, sân bay Tân Sơn Nhất đang khai thác với một nhà ga hành khách quốc tế và một nhà ga hành khách quốc nội với công suất thiết kế 28 triệu khách/năm. Trong đó, nhà ga quốc nội sau nhiều lần cải tạo, mở rộng có công suất thiết kế là 15 triệu hành khách/năm. 

Tuy nhiên, sản lượng hành khách quốc nội hiện nay đang khai thác hơn 26 triệu hành khách/năm, quá tải hơn 1,7 lần so với công suất thiết kế. 

Với tốc độ phát triển bình quân 14,5%/năm trong những năm qua, dự kiến nhà ga quốc nội sẽ quá tải gấp hơn hai lần vào năm 2024.

Do đó, với dự kiến nhà ga T3 có công suất phục vụ 20 triệu khách/năm và chạy thử vào cuối năm 2024 theo yêu cầu của Chính phủ, đây là công trình then chốt để giải quyết căn bản tình trạng tắc nghẽn tại Tân Sơn Nhất. 

Nhà ga này dự kiến đáp ứng 7.000 hành khách/giờ cao điểm, khai thác được tất cả các loại máy bay code C như Airbus A320, A321 và code E như Airbus A350, Boeing.

Về thiết kế tổng quan, nhà ga T3 có ba hạng mục chính là nhà ga hành khách, nhà xe cao tầng kết hợp dịch vụ phi hàng không và hệ thống cầu cạn trước nhà ga với tổng mức đầu tư 10.990 tỉ đồng. 

Lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống, kiến trúc mái nhà ga được thiết kế vừa mềm mại vừa tương đồng với nhà ga hiện hữu, vừa trẻ trung như sức sống của một thành phố năng động đang vươn mình phát triển.

Khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Kỳ vọng sớm phục vụ 50 triệu khách/năm - Ảnh 2.

Đồ họa: N.KH.

Ngoài nhà ga, cần đồng bộ những gì?

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Bách Tùng - phó cục trưởng Cục quản lý đầu tư xây dựng của Bộ Giao thông Vận tải - cho biết: để nâng công suất sân bay Tân Sơn Nhất lên 50 triệu khách/năm, cần đầu tư đồng bộ các công trình cùng với nhà ga T3 như khu bay (đường băng, đường lăn, sân đỗ), hệ thống giao thông kết nối sân bay với hệ thống giao thông của TP.HCM và một số công trình phụ trợ khác theo quy hoạch đã được phê duyệt.

Bộ Giao thông Vận tải đã thực hiện dự án nâng cấp đường băng, đường lăn sân bay Tân Sơn Nhất để nâng cao năng lực khai thác sân bay này, đảm bảo năng lực khai thác 50 triệu khách/năm theo quy hoạch. 

Đến nay đường băng 25R/27L và hệ thống đường lăn song song đã được nâng cấp đồng bộ. Đặc biệt là việc mở được đường lăn song song thứ hai mang tên đường lăn S (trước đây mang tên W11A) trước cửa nhà ga T3 và xây thêm hai đường lăn thoát nhanh P2 và P4.

Với đường lăn S đã xây dựng xong, ông Tùng cho biết đơn vị thi công cũng đã hoàn thành đập bỏ 12 ụ bê tông được xây dựng từ những năm 1960 (dùng làm nơi trú ẩn cho máy bay chiến đấu tránh pháo kích) nằm trong vị trí xây dựng mương thoát nước và dải lăn của đường lăn S. 

Dịp Tết dương lịch 2023 sẽ khai thác đường lăn S, góp phần giúp sân bay Tân Sơn Nhất thuận lợi hơn.

Về sân đỗ, cần rà soát mở rộng sân đỗ để có đủ 106 vị trí đỗ máy bay theo quy hoạch đã được phê duyệt nhằm khai thác đồng bộ với nhà ga và đường băng, đường lăn (hiện tại sân bay Tân Sơn Nhất có 80 vị trí đỗ máy bay khai thác thương mại và 26 vị trí đỗ tạm trên đường lăn - PV).

Với tiến độ xây dựng nhà ga T3 trong 24 tháng, khi so sánh với nhà ga sân bay Đà Nẵng (10 triệu khách/năm), Cam Ranh (6,65 triệu khách/năm) trong 24 tháng, ông Tùng nhận định có thể đạt được tiến độ này vì quãng thời gian này đủ để xây dựng nhà ga có hơn 100.000m2 sàn (tổng diện tích sàn xây dựng nhà ga T3 là 112.500m2).

Ngoài ra, khu vực phục vụ mặt đất cũng phải cải tạo nhà ga hành khách T1, T2 hiện tại để đạt tổng công suất khoảng 30 triệu hành khách/năm. Đồng thời xây dựng nhà ga hành khách T3 ở phía Nam với công suất đáp ứng đến 20 triệu hành khách/năm để nâng tổng công suất của toàn bộ Tân Sơn Nhất lên 50 triệu hành khách/năm.

Khởi công nhà ga T3 sân bay Tân Sơn Nhất: Kỳ vọng sớm phục vụ 50 triệu khách/năm - Ảnh 3.

Hành khách làm thủ tục bay trong sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH

"Nhà ga T3 không khó như Long Thành"

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Đỗ Tất Bình - phó tổng giám đốc Tổng công ty Cảng hàng không VN - ACV (chủ đầu tư) - cho hay tất cả các phương án đã chuẩn bị sẵn sàng, chỉ chờ bấm nút khởi công là máy móc thiết bị sẽ thi công rầm rộ. Nhà ga T3 là nhà ga ở sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không có quá nhiều khó khăn khi triển khai như sân bay Long Thành" - ông Bình nói.

Về cơ bản, hiện các thủ tục về phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng, diện tích đất cơ bản đã hoàn tất. Dự kiến đến tháng 3-2023, công tác thi công cọc móng, nền móng, đáy hầm công trình sẽ hoàn thành.

Mong hết kẹt khách, chậm chuyến bay sau 2 năm nữa

Nhiều năm qua, hành khách trải nghiệm bất đắc dĩ tình trạng kẹt tứ phía, chậm chuyến, thiếu chỗ ngồi, chen chúc ở khâu soi chiếu an ninh...

Tổng giám đốc một doanh nghiệp hàng không cho rằng sân bay Tân Sơn Nhất từ khi khởi công đến hoàn thành nhà ga đưa vào hoạt động, hãng bay, khách hàng ít nhất phải trải nghiệm thêm 2 năm nữa cảnh kẹt trên trời dưới đất vào dịp cao điểm.

"Doanh nghiệp hoạt động ở sân bay cũng gặp rất nhiều khó khăn từ các thủ tục lẫn hạ tầng quá tải ảnh hưởng đến việc đi lại của khách hàng. Tuy nhiên, việc thay đổi về dịch vụ cũng như quản lý vẫn chưa được mạnh tay. Chẳng hạn khu soi chiếu an ninh vẫn không ngừng là nỗi ám ảnh của khách đi lại lúc cao điểm, đến nay vẫn chưa giải quyết được" - vị này nói.

Đại diện một hãng hàng không cho rằng nhà ga T3 nếu không đầu tư đồng bộ khu bay, xây xong nhà ga T3 cũng không giải quyết được ách tắc ở Tân Sơn Nhất. Khu bay khi đó sẽ trở thành điểm tắc nghẽn.

Hàng không có đặc thù là cả dây chuyền phải đồng bộ từ nhà ga, đường băng, đường lăn, sân đỗ đến quản lý không lưu. Nói cách khác, nếu khắc phục được tình trạng ùn tắc của nhà ga mà đường cất hạ cánh không được nâng cấp thì cũng không thể giảm quá tải...

Đường kết nối cũng khởi công làm ngay hôm nay

QD_DuongCongHoa_KetXe

Đường nối Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa, quận Tân Bình, TP.HCM sẽ giúp giảm ùn tắc khu vực sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: QUANG ĐỊNH

Ông Lương Minh Phúc - giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM - cho biết đúng 14h hôm nay 24-12, dự án đường nối đường Trần Quốc Hoàn đến đường Cộng Hòa chính thức khởi công. Dự án này được điều chỉnh có quy mô tuyến đường sáu làn xe, rộng 29,5 - 48m, tổng vốn đầu tư tăng lên hơn 4.800 tỉ đồng được kỳ vọng là cửa ngõ thứ hai của sân bay.

Ông Phúc cho hay khu vực quanh sân bay có năm dự án giao thông trọng điểm. Khi toàn bộ năm dự án này hoàn thành và kết nối vào bên trong sân bay Tân Sơn Nhất, hy vọng sẽ góp phần kéo giảm tình trạng ùn tắc giao thông tại đây.

Trước hết, đơn vị khởi công trước hạng mục hầm chui đầu tuyến tại nút giao đường Trần Quốc Hoàn - Phan Thúc Duyện. Trục này dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2024 đáp ứng được tiến độ của nhà ga T3 (cuối năm 2024). Bên cạnh đó, đây cũng là trục giao thông giúp giảm tải áp lực giao thông cho đường Cộng Hòa hiện hữu.

Ông Phúc cũng cho hay Ban giao thông được TP.HCM giao nhanh chóng hoàn tất thủ tục đồng bộ một loạt dự án ở nút giao Trường Chinh - Tân Kỳ - Tân Quý (đoạn thuộc quận Bình Tân), mở rộng đường Hoàng Hoa Thám, mở rộng một đoạn đường Cộng Hòa... Trong đó, đoạn qua khu vực Tân Kỳ - Tân Quý cố gắng kịp động thổ trong cuối năm nay.

Còn tuyến đường Hoàng Hoa Thám, các đơn vị hiện đang khẩn trương rà soát để kịp triển khai khoảng tháng 6-2023.

Ban giao thông khẳng định nếu nhận mặt bằng sạch sẽ hoàn thành thi công trong sáu tháng. Như vậy, khi toàn bộ các dự án này hoàn thiện sẽ tạo thành một trục xương cá quanh sân bay kết nối vào nhà ga của sân bay Tân Sơn Nhất.

Cùng với đó chính là việc kết nối vào tuyến metro số 2 (Bến Thành - Tham Lương). Hiện nay TP.HCM đang đẩy nhanh quá trình giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sớm xây dựng tuyến metro số 2 này. Ngay cuối tuyến đường Trần Quốc Hoàn, theo thiết kế có hầm băng ngang đường đấu nối trực tiếp vào điểm ngầm của tuyến metro số 2.

"Về lâu dài, TP.HCM tính đến đường trên cao nối sân bay Tân Sơn Nhất với nhà ga quốc gia Thủ Thiêm và đường sắt nhẹ Long Thành hình thành đường nối sân bay Tân Sơn Nhất đi sân bay Long Thành (tỉnh Đồng Nai). Đến lúc đó, toàn bộ hệ thống giao thông khu vực này được đồng bộ đáp ứng nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao của người dân, giải tỏa toàn bộ vấn nạn ùn tắc tại đây", ông Phúc nói.

Việc thi công hàng loạt công trình khiến nhiều người lo ngại giao thông đi lại qua khu vực này sẽ kẹt xe trầm trọng hơn. Tuy nhiên theo Sở GTVT TP.HCM, hiện các đơn vị phối hợp cùng nhau lên phương án đảm bảo an toàn giao thông, cố gắng điều tiết hướng dẫn hạn chế tối đa tình trạng kẹt xe.

Các đơn vị sẽ hướng dẫn, phân luồng từ xa, giãn bớt lượng xe vào các tuyến đường hiện hữu để tạo những lối thoát, tránh tập trung vào nút giao, gây ùn ứ khu vực này. Ban giao thông phải đảm bảo vừa thi công vừa tổ chức giao thông đi xuyên qua nút giao này.

THU DUNG - CHÂU TUẤN

ACV đề xuất ba ngày nữa khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất ACV đề xuất ba ngày nữa khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất

Sau khi chuyển toàn bộ kinh phí bồi thường, giải phóng mặt bằng cho đơn vị quân đội, Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đề xuất các cơ quan có thẩm quyền cho khởi công nhà ga T3 Tân Sơn Nhất vào ngày 24-12.

TUẤN PHÙNG - CÔNG TRUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp