Phóng to |
Bài vè tập thở
Phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” cũng bắt nguồn từ yoga, khí công. Tuy nhiên, quan niệm của cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là chỉ nắm chắc những nguyên tắc cơ bản và dựa trên sinh lý học hiện đại để xây dựng phương pháp tập luyện mà mọi người đều có thể áp dụng nhằm nâng cao sức khỏe, chứ không nhằm đạt những kỷ lục và “phép lạ” (như cho ôtô đè lên, hoặc chịu chôn sống nhiều giờ vẫn không chết...).
Trong 10 năm điều trị bệnh lao ở Pháp (1942-1952), Nguyễn Khắc Viện phải lên bàn mổ bảy lần, cắt bỏ tám xương sườn và hơn một lá phổi. Là một bác sĩ, “vật lộn” với đủ loại thuốc men và máy móc kỹ thuật của một nền y học hiện đại, ông nhận rõ nếu chỉ dựa vào Tây y, ông không thể trở về hoạt động với cộng đồng. Từ đó, trên cơ sở nghiên cứu yoga, khí công của Ấn Độ, Trung Quốc, ông đã hình thành phương pháp tập luyện, trước hết để tự cứu mình. Nguyễn Khắc Viện về nước năm 1963, trong suốt hơn 30 năm sau đó (ông mất năm 1997), ông đã hoàn thành một khối lượng lớn công việc được đánh giá là “những di sản đồ sộ”. Hiện nhiều nơi đã áp dụng bài tập dưỡng sinh của Nguyễn Khắc Viện, trong đó có Câu lạc bộ “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” tại Nhà xuất bản Thế Giới (Hà Nội) và Câu lạc bộ Dưỡng sinh tại Cung văn hóa Lao động TP.HCM. |
Trong đó tập thở bụng cho đúng cách là quan trọng nhất, vì cách thở bụng tác động trực tiếp đến những bộ phận nội tạng rất quan trọng là tim, phổi, dạ dày, ruột, dạ con (có thể hình dung các bộ phận này luôn được “thể dục”, được “xoa bóp” lúc thở); thở tốt giúp lưu thông khí huyết, tác động tích cực đến hoạt động cơ bắp và thần kinh.
Bài tập thở đã được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đúc kết thành một bài vè cho dễ nhớ: “Thót bụng thở ra/ Phình bụng thở vào/ Hai vai bất động/ Chân tay thả lỏng/ Êm, chậm, sâu, đều/ Tập trung theo dõi/ Luồng ra luồng vào/ Bình thường qua mũi/ Khi gấp qua mồm/ Đứng, ngồi hay nằm/ Ở đâu cũng được/ Lúc nào cũng được”.
Với phần tập vận động, thư giãn (luyện ý), từ lý thuyết đến các động tác cụ thể, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đã giới thiệu trong cuốn Từ sinh lý đến dưỡng sinh (NXB Y Học - 1979; NXB Đồng Nai - 1988) và cuốn Dưỡng sinh dành cho mọi lứa tuổi (NXB Trẻ - 1993) với hình thức hỏi - đáp đơn giản, dễ hiểu. Nếu thiếu thời gian để tập đủ các động tác, bạn có thể tự chọn cách tập thích hợp, trên cơ sở nắm vững những nguyên lý, quan niệm của phương pháp dưỡng sinh.
Tập từ lúc còn trẻ
Thời đại ngày nay việc khiêng vác nặng đã có máy móc làm thay, con người cần thực hiện được những động tác nhanh, chính xác và luôn giữ được bình tĩnh. Cách tập vận động phải theo nguyên lý cứng tối thiểu, mềm tối đa. Tay có mềm dẻo mới nhanh được. Người thợ rèn quai búa, chị chèo đò cũng nhờ hoạt động theo nguyên lý này nên vừa có hiệu quả cao, vừa đỡ mệt mỏi. Giữ cho cơ thể mềm mại, thả lỏng những cơ bắp lúc không sử dụng cũng là cách thư giãn dễ thực hiện, có hiệu quả và tiết kiệm được sức lực.
Ví như ngồi nghe giảng, chân và tay chẳng việc gì phải căng cứng; hãy thả lỏng và kết hợp thở bụng, bạn sẽ thấy đỡ mỏi mệt. Bản thân bác sĩ Nguyễn Khắc Viện trong những năm cuối đời, khi tuổi đã cao, chủ yếu cũng chỉ thực hiện thở bụng, buông chùng da mặt, thả lỏng tay chân để thư giãn, giữ cho cơ thể luôn được mềm dẻo.
Cái khó nhất của phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện” là sự kiên trì, ngày nào cũng phải tập, riêng thở bụng thì giờ nào cũng tập để trở thành thói quen. Điều quan trọng là đừng đợi đến lúc già yếu, hãy tập từ lúc còn trẻ trung, khỏe mạnh. Đừng để tình trạng nhiều nơi chỉ thấy các ông bà già tập luyện từ lúc còn mờ đất, còn tuổi trẻ thì dậy trưa.
Sẽ có bạn bảo rằng tuổi trẻ quá nhiều mục tiêu phấn đấu, không còn thời gian để tập luyện. Nếu quả vậy, chỉ cần tập thở đúng cách - thở ngay trong lúc học, làm việc, không mất chút thời gian nào mà có thể đã đạt được quá 50% hiệu quả của phương pháp “dưỡng sinh Nguyễn Khắc Viện”.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận