02/11/2013 08:15 GMT+7

Khoảng trống "dạy người"

VĨNH HÀ thực hiện
VĨNH HÀ thực hiện

TT - Chuyện “dạy người” vẫn mãi là khoảng trống trong giáo dục phổ thông! PGS Văn Như Cương khẳng định như vậy khi trao đổi với Tuổi Trẻ về sách Giáo dục công dân lớp 10 cũng như việc dạy môn này trong nhà trường phổ thông.

QmX1lfNy.jpgPhóng to
PGS Văn Như Cương - Ảnh: Việt Dũng

Là một trong những chuyên gia có tiếng nói mạnh mẽ về chương trình, sách giáo khoa (SGK) nhưng lần này PGS Văn Như Cương không nói về môn toán - môn ông dạy và tham gia viết SGK. Một đoạn trích trong SGK môn giáo dục (GD) công dân lớp 10 với sự ngỡ ngàng về độ trừu tượng được ông bày tỏ trên trang cá nhân của mình đã nhận được đồng cảm của hàng nghìn người.

Không nên đổ lỗi cho người viết sách

"Trong khi có quá nhiều vấn đề thiết thân hơn cần dạy cho học sinh thì chương trình - SGK lại bắt học sinh tiếp cận với những khái niệm như “phủ định siêu hình”, “phủ định biện chứng”... Những phạm trù triết lý như thế này đến sinh viên đại học còn khó hiểu, nó phù hợp với dạy trong các trường lý luận chính trị cao cấp hơn là dạy cho học sinh phổ thông"

* Sự trừu tượng, khó hiểu và thừa thãi trong nội dung SGK phải chăng là vấn đề phổ biến tồn tại ở SGK nhiều môn học chứ không riêng môn GD công dân, thưa ông?

- Nội dung SGK nặng về cung cấp kiến thức hàn lâm, nhiều nội dung quá khó, không cần thiết không chỉ có ở môn toán mà trong nhiều môn học, bậc học khác nhau. Người ta đều đã nói và nói nhiều thời gian qua rồi. Nhưng khi trực tiếp đọc kỹ những bài trong SGK GD công dân thì tôi vẫn ngỡ ngàng. Đoạn trích nguyên văn tôi đưa trên Facebook chỉ là một trong những nội dung vừa khó hiểu, xa lạ, vừa không cần thiết với học sinh.

* Cũng là một tác giả viết sách, ông có thể cho biết nguyên nhân dẫn tới việc SGK hiện hành xa rời nhận thức, sự hiểu biết của học sinh tới độ những người trưởng thành đọc cũng không hiểu như trường hợp trích dẫn SGK GD công dân ở trên?

- Người viết sách chỉ là người thi công. Thi công trên chương trình mà người ta đã thiết kế sẵn hết cả rồi. Dĩ nhiên người viết sách cũng để lại dấu ấn của mình, ví dụ như chọn chất liệu nào, cách tiếp cận ra sao. Những bất cập ở SGK cũng có phần nguyên do từ tác giả viết sách, nhưng tôi nghĩ chủ yếu là bất cập từ khâu thiết kế. Chương trình quy định cụ thể việc dạy cái gì. Đó là quy định cứng mà người viết sách phải tuân thủ.

* Nói như vậy có nghĩa tác giả SGK dù biết là bất hợp lý vẫn phải làm theo? Trường hợp tác giả không đồng tình với thiết kế chương trình, kiến nghị thay đổi thì có được không?

- Chuyện tác giả kiến nghị thì cũng có. Ví như ở môn toán của tôi, tôi thấy cần bỏ cả chương số phức vì không cần thiết dạy cho học sinh phổ thông, tôi đã kiến nghị đấy. Họ cũng xem xét nhưng rồi họ nói không thể bỏ cả chương như vậy được. Khi viết chúng tôi đã phải cố gắng để chắt lọc những cái cơ bản, làm nhẹ đi. Nhưng nói chung, tốt nhất vẫn là bỏ hẳn. Cái đó không phải thẩm quyền của chúng tôi - những người viết sách. Trở lại cuốn GD công dân, tôi nghĩ không nên đổ lỗi cho mỗi người viết sách mà vấn đề phải truy lại từ khâu thiết kế, từ quan điểm, mục tiêu GD ở môn học này.

Su6w4E7o.jpgPhóng to
Bài viết trên Facebook của thầy Văn Như Cương

Thất bại trong việc “dạy người”

* Môn GD công dân trong nhà trường hiện nay phải gánh một trọng trách rất nặng là GD đạo đức, lối sống, nhân cách, ý thức công dân... Không chỉ riêng nội dung chính thức mà nhiều nội dung GD khác nhau cũng bị ấn cho môn GD công dân để “tích hợp”, trong khi lại có quá nhiều bất cập như quan niệm coi nhẹ môn học của cả thầy và trò, sự ít đầu tư của nhà quản lý, đội ngũ giáo viên chuyên trách thiếu, thời lượng môn học quá ít. Ông có suy nghĩ gì về bất hợp lý này? Phải chăng vì đó là môn phụ nên chịu cảnh đó?

- Không có quy định chính thức nào nói môn này là môn chính, môn kia là môn phụ. GD công dân bị coi là môn phụ vì không thi tốt nghiệp, không thi đại học. Nhưng có một lý do khác để GD công dân chịu cảnh “môn phụ” vì chính nội dung dạy học khô cứng, không thiết thực. Cái không thiết thực, hấp dẫn thì tất khiến thầy, trò chán nản, chỉ dạy học qua quýt, đối phó.

Gần đây, người ta chê nhiều về GD khi chỉ lo “dạy chữ” thì các nhà trường lại đẩy nhiệm vụ “dạy người” cho GD công dân. Với vai trò quan trọng và cần thiết là “dạy người” nhưng nội dung, phương pháp, giáo viên không được đầu tư. Thế nên chuyện “dạy người” vẫn mãi là khoảng trống trong GD phổ thông bây giờ. Chúng ta cứ nói nhiều tới chuyện trẻ con hư. Học sinh từ 6-18 tuổi học trong các nhà trường. Nếu trẻ hư thì ngành GD không thể thoái thác trách nhiệm. Những tiêu cực xảy ra ở lớp trẻ những năm gần đây là minh chứng cho sự thất bại của nhà trường trong việc “dạy người”. Tôi nghĩ nếu nhìn ra điều này thì cần có những thay đổi thiết thực chứ không hô hào suông. Thay đổi là thay đổi ở phương pháp GD, nội dung GD.

* Nhiều người hiện nay đều tặc lưỡi cho rằng chương trình - SGK hiện hành sắp đi hết một chu kỳ của nó, chuẩn bị đón cái mới, vì thế không nên nói mãi cái cũ nữa. Ông nghĩ thế nào về điều này?

- Tôi không đồng tình với tư tưởng “thoái trào” cho rằng cái cũ sắp xong thì để qua đi, chờ cái mới đến. Vì như thế là thiếu trách nhiệm với thế hệ học sinh đang học chương trình - SGK cũ. Có rất nhiều vấn đề thấy bất cập, thấy không hợp lý có thể sửa chữa, điều chỉnh ngay, đâu cần chờ một chương trình đổi mới tổng thể. Cụ thể, môn GD công dân hãy bỏ những nội dung xa vời, khó hiểu kia đi. Cách dạy học sinh không phải là truyền lại, đọc lại những bài học lý thuyết mà chủ yếu thông qua hoạt động, thông qua việc tổ chức thảo luận, diễn đàn, những trải nghiệm trong khi dã ngoại, thực tế... Ví như để học sinh thấu hiểu và biết giá trị của việc sẻ chia với cộng đồng trong hoạn nạn, hãy để các em tham gia những hoạt động hữu ích, giúp đỡ người nghèo, người ở vùng xảy ra thiên tai, bão lũ. Muốn các em biết giá trị của lao động thì để các em đi thực tế trong cơ sở sản xuất, khuyến khích các em tự tạo nên sản phẩm.

Tôi biết hiện có nhiều nhà trường đã làm như trên. Nhưng việc này vẫn lệ thuộc vào từng nhà trường, từng thầy cô, không phải là sự thay đổi mạnh mẽ của toàn ngành. Các nhà quản lý GD không dám bỏ đi chương trình GD công dân khô cứng, giáo điều, sáo rỗng để thay thế hẳn bằng cách GD thiết thực hơn. Như thế thì môn GD công dân vẫn không thay đổi được. Nhà quản lý cứ việc hô hào đây là môn học quan trọng, ở dưới thầy, trò vẫn đối phó, dạy học cho xong. Những nội dung chán ngắt không hiểu được thì học vẹt hoặc đối phó bằng nhiều hình thức tiêu cực khác.

Dạy những gì cơ bản nhất, cần thiết nhất

Nếu đặt mục tiêu của môn học GD công dân là “dạy người”, trang bị cho học sinh những hiểu biết, kỹ năng để trở thành một công dân thì nên cụ thể hóa mục tiêu đó, chỉ dạy cho học sinh những tri thức, kỹ năng cơ bản nhất, cần thiết, gần gũi nhất thôi. Ví như dạy học sinh biết lao động, nhất là những lao động giản đơn, tự phục vụ bản thân; dạy cách ứng xử đối với người thân, thầy cô, bạn bè và trong cộng đồng nói chung; dạy ý thức chia sẻ trước những biến cố xảy ra trong cộng đồng sống xung quanh; dạy đối diện với những vấn đề lứa tuổi đang gặp phải như chọn nghề, chọn bạn, vấn đề giới tính, cách vượt qua những cú sốc về tinh thần...

VĨNH HÀ thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp