10/03/2017 08:28 GMT+7

Khoán xe công để giảm chi ngân sách: làm sớm cho dân nhờ!

V.TR. - D.THANH ghi
V.TR. - D.THANH ghi

TTO - Dự thảo khoán xe công của Bộ Tài chính (bài “Khoán xe công, tiết kiệm 3.400 tỉ đồng/năm”, Tuổi Trẻ ngày 9-3) được nhiều người ủng hộ và mong muốn việc khoán này được thực hiện sớm.

Xe công của các sở, ban, ngành TP.HCM đi họp - Ảnh: Tự Trung
Xe công của các sở, ban, ngành TP.HCM đi họp - Ảnh: Tự Trung

* Ông DƯƠNG QUỐC XUÂN (nguyên chủ tịch UBND tỉnh Long An):

Ảnh: V.TR.
Ảnh: V.TR.


Đây là chủ trương hợp lòng dân

Chế độ xe công đưa rước cán bộ lãnh đạo là nhằm giúp họ chủ động về mặt thời gian đi lại để công tác tốt hơn. Tuy nhiên, có một số người sử dụng không đúng mục đích và có địa phương bố trí xe công đưa đón lãnh đạo không đúng quy định gây lãng phí.

Nước ta còn nghèo, ngân sách khó khăn nên việc gì lãng phí là người dân phản ứng liền. Theo tôi, khoán xe công để giảm chi ngân sách là chủ trương đúng, hợp lòng dân.

Vấn đề còn tranh luận nhiều hiện nay là các chức danh nào nên được bố trí xe công đưa đón? Chủ tịch UBND tỉnh mà không có xe công đưa đón thì liệu có được không? Hồi tôi làm phó chủ tịch UBND tỉnh thì đi làm bằng xe máy, ăn sáng quán cóc ven đường như một người dân bình thường.

Khi làm chủ tịch UBND tỉnh, tôi được bố trí xe công đưa đón vì công việc nhiều, họp hành liên miên. Nhưng thứ bảy, chủ nhật và ngày lễ nếu có việc phải đi mà lúc đó gia đình tài xế có việc thì tôi cho nghỉ và tự túc đi lại. Tài xế chỉ phục vụ đưa đón lãnh đạo ngày làm việc thôi, nhưng không ít nơi tài xế phải lái xe đưa đón lãnh đạo cả việc riêng vào ngày nghỉ.

Còn tới văn phòng ủy ban rồi, tôi đi bộ đến các cơ quan gần để họp là chuyện bình thường. Nói như vậy để thấy rằng nếu không có xe công đưa đón thì lãnh đạo vẫn có thể đi làm bằng xe máy, nếu có ôtô thì tự lái đi, không thì đi taxi cũng được. Một số thứ trưởng Bộ Tài chính hàm ngang với chủ tịch UBND tỉnh đã đi làm bằng taxi rồi, cũng bình thường chứ có sao đâu!

Ông TRẦN ĐỖ LIÊM (người dân P.5, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang):

Ảnh: V.TR.
Ảnh: V.TR.


Cần thực hiện sớm

Tôi cho rằng việc Chính phủ khoán xe công cho lãnh đạo là quyết định rất đúng đắn và cần thực hiện sớm. Khoán xe công cho lãnh đạo, không còn chế độ xe công đón từ nhà đến cơ quan, rồi đưa từ cơ quan về nhà hay đi việc riêng... sẽ giúp lãnh đạo “có điều kiện” gần dân hơn; hình ảnh của họ trở nên thân thiện hơn.

Theo tôi biết thì nhà của nhiều chủ tịch, phó bí thư, phó chủ tịch cấp tỉnh ở gần cơ quan lắm. Đi xe máy hay taxi 5-10 phút là tới. Thực tế đã có nhiều chủ tịch, bí thư tỉnh đi xe máy, đi xe riêng hay taxi đến cơ quan mỗi ngày. Tôi chưa nghe ai nói họ bị mất an toàn hay uy tín bị giảm sút khi đi taxi hay xe máy đi làm cả.

Người dân cần ở cán bộ lãnh đạo là tư cách, trình độ, sự cống hiến, tận tâm lo cho dân có cuộc sống tốt hơn. Họ không quan tâm chuyện lãnh đạo đi xe hiệu gì, trị giá bao nhiêu tiền, màu gì, biển số có đẹp không? Tôi nghĩ rằng không phải một mình tôi mà rất nhiều, rất nhiều người dân khác sẽ hài lòng hơn khi chủ trương này sớm được thực thi.

Ông Phạm Bá Bàng (phó chủ tịch thường trực Hội Luật gia tỉnh Bình Định):

Ảnh: D.THANH
Ảnh: D.THANH


Nên khoán xe công bằng giá taxi

Tôi rất hoan nghênh việc Bộ Tài chính thực hiện dự thảo về việc khoán xe công đưa đón từ nhà đến cơ quan đối với một số chức danh lãnh đạo cấp thứ trưởng, phó bí thư tỉnh ủy, chủ tịch UBND tỉnh, chủ tịch HĐND tỉnh... Điều này cho thấy quyết tâm của Chính phủ trong việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần xây dựng một Chính phủ liêm chính. Dự thảo này tăng thêm lòng tin của dân, chống lại việc lạm dụng xe công đưa đón, đi việc riêng, đi lễ hội... xảy ra nhiều nơi thời gian qua.

Điều tôi vẫn băn khoăn là mức giá khoán. Phương án khoán trọn gói 6,5 triệu đồng/người/tháng là chưa công bằng, vì nếu nhà vị lãnh đạo được khoán ở quá xa cơ quan thì mức khoán này vô hình trung làm cho người này bị thiệt hại về thu nhập, còn những vị ở gần trụ sở thì lại được lợi một cách vô lý. Phương án khoán 16.000 đồng/km cũng không ổn, vì so với mặt bằng chung của xã hội thì mức khoán này quá cao.

Tôi đề xuất là nên chi trả bằng thực tế đi lại bằng xe taxi, từ nhà vị lãnh đạo được khoán xe công đến cơ quan bao nhiêu một lượt thì có phiếu taxi tính tiền. Tôi nghĩ khoán theo giá taxi là hợp lý nhất, tạo công bằng và đồng thuận xã hội. Chắc cũng có ý kiến nói rằng lãnh đạo cấp cao của bộ, của tỉnh mà đi bằng với giá taxi thì... khó coi vì như hiện nay họ đi bằng xe trên dưới 1 tỉ đồng, nhưng tôi nghĩ những vị lãnh đạo liêm chính, vì dân, vì nước thì việc đi taxi từ nhà đến cơ quan làm việc và ngược lại là chẳng có vấn đề gì cả.

Một vấn đề tôi đề nghị cũng cần quan tâm là công tác quản lý, giám sát việc khoán xe công sao cho hiệu quả, đừng để khi mới phát động, mới thực hiện thì làm rất tốt, nhưng sau đó thì đâu lại vào đấy. Có như vậy chính sách mới thực sự đi vào cuộc sống, lòng tin của dân đối với Chính phủ mới bền vững.

Ông Tạ Quang Tòng (luật sư tại Đắk Lắk):

Phải có cơ chế giám sát

Rất ít nước trên thế giới đang quản lý xe công theo cách như nước ta bây giờ. Với lượng xe công như hiện nay thì mỗi năm số tiền duy trì hoạt động rất lớn. Khi việc khoán xe công đi vào hiện thực thì chắc chắn sẽ tiết kiệm ngân sách không nhỏ. Bên cạnh đó, số xe công trong mỗi sở ngành, cơ quan nhà nước sẽ hạn chế, muốn lấy xe đi vào việc riêng cũng phải nhìn trước nhìn sau. Theo tôi đây là giải pháp tốt, khắp nơi trên thế giới người ta đều làm vậy hết.

Tôi nghĩ khoán xe công là chủ trương chắc chắn được dân ủng hộ, nhưng phải đi liền với cơ chế giám sát hiệu quả, tránh trường hợp người được khoán đã được nhận tiền rồi còn lấy xe công đi phục vụ việc riêng nữa thì xem như “ăn cả đôi đường”.

T.B.DŨNG ghi

V.TR. - D.THANH ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp