24/01/2019 08:56 GMT+7

Khoán xe công: Chỉ bắt buộc ở cấp sở, cục

LÊ THANH
LÊ THANH

TTO - Chính phủ vừa ban hành nghị định về tiêu chuẩn định mức và sử dụng xe công. Cơ chế khoán chỉ dừng lại tự nguyện đối với một số chức danh như thứ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, phó trưởng ban của Đảng ở trung ương…

Khoán xe công: Chỉ bắt buộc ở cấp sở, cục - Ảnh 1.

ở Bộ Tài chính - Ảnh: NAM TRẦN

Chính phủ vừa ban hành nghị định về tiêu chuẩn định mức và sử dụng xe công. Theo nghị định này, cơ chế khoán chỉ dừng lại tự nguyện đối với một số chức danh như thứ trưởng, chủ tịch UBND tỉnh, phó trưởng ban của Đảng ở trung ương… thay vì áp dụng bắt buộc như Bộ Tài chính đề xuất.

Theo các chuyên gia, vấn đề lớn nhất của xe công là làm sao quản lý và sử dụng đúng mục đích, đối tượng và nên hướng dẫn để các địa phương có phương tiện giao thông phát triển như Hà Nội, TP.HCM... thực hiện khoán xe để sử dụng hiệu quả và tiết kiệm cho ngân sách.

Vẫn chưa khoán bắt buộc mà chỉ khuyến khích

Trao đổi với Tuổi Trẻ, lãnh đạo Cục Quản lý công sản (Bộ Tài chính) cho biết ban đầu dự thảo nghị định quy định khoán bắt buộc với một số chức danh sử dụng xe công.

Nhưng trong quá trình xây dựng nghị định, lấy ý kiến rộng rãi và ban soạn thảo có đánh giá lại thì thấy rằng nên khuyến khích chứ chưa bắt buộc việc khoán xe.

Mục đích là để những lãnh đạo tự nguyện lựa chọn khoán xe hay không và đặt công việc, nhiệm vụ được giao thuận lợi và hiệu quả nhất.

Theo bà Nguyễn Thị Thoa - phó cục trưởng Cục Quản lý công sản, nếu khoán xe bắt buộc, một số địa bàn nơi có phương tiện giao thông công cộng, taxi... chưa phát triển sẽ khó thực hiện.

Do đó, những chức danh từ thứ trưởng trở lên thì thực hiện cơ chế như lâu nay là Nhà nước vẫn đảm bảo có xe đưa đón hằng ngày từ nhà đến cơ quan và ngược lại, song vẫn khuyến khích áp dụng tự nguyện khoán xe.

Chính phủ cũng quy định nếu chức danh nào tự nguyện khoán, Nhà nước sẽ không trang bị xe công cho nữa.

Còn với lãnh đạo dưới chức danh có hệ số từ 0,7-1,25 - tức là dưới cấp thứ trưởng như lãnh đạo sở và cấp cục thì buộc phải áp khoán, không được sử dụng xe công nữa.

Bộ Tài chính ước tính lượng xe công sẽ giảm rất lớn, như mục tiêu Chính phủ đặt ra là số lượng xe công sau năm 2020 sẽ giảm khoảng 30-50% so với hiện nay.

Bộ đang hoàn thiện dự thảo thông tư hướng dẫn một số điểm của nghị định nói trên, trong đó hướng dẫn cụ thể cách áp dụng khoán xe. Dự thảo sẽ được đưa ra xin ý kiến rộng rãi dư luận trong quý 1-2019.

Tuy nhiên, ông Phạm Đình Cường, chuyên gia về tài sản công (nguyên cục trưởng Cục Quản lý công sản), cho rằng ngạc nhiên khi nghị định không bắt buộc đối với một số chức danh như thứ trưởng, so với dự thảo ban đầu mà Bộ Tài chính đưa ra.

"Như thế có thể nói là thụt lùi so với đề xuất ban đầu, và việc khoán chỉ dừng lại là ai tự nguyện thì làm thôi" - ông nhận định.

Khoán xe công: Chỉ bắt buộc ở cấp sở, cục - Ảnh 2.

Xe công chở lãnh đạo các sở, ban ngành TP.HCM tham dự một cuộc họp do HĐND TP.HCM tổ chức - Ảnh: TỰ TRUNG

Vấn đề lớn nhất: quản lý và sử dụng

Nhận định về số lượng xe công phục vụ chức danh tới đây, ông Cường cho rằng sẽ không giảm nhiều so với hiện nay vì không bắt buộc khoán.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của xe công không phải là trang bị xe mà là sử dụng. Đối tượng và mục đích sử dụng có đúng quy định không là vấn đề lớn đặt ra, theo ông Cường.

Trong khi đó, chi phí bình quân để vận hành một xe công gồm bảo dưỡng, nhiên liệu, bảo hiểm... là rất lớn như Bộ Tài chính tính toán khoảng 320 triệu đồng/năm.

Theo số liệu của Bộ Tài chính, hiện cả nước có hơn 30.000 ôtô công. Tổng giá trị mua sắm số ôtô này không lớn so với những loại tài sản công khác.

"Vấn đề gây bức xúc nhất cho dư luận là việc quản lý và sử dụng xe công trong thời gian qua. Và hai vụ việc điển hình mà dư luận đặc biệt quan tâm vừa xảy ra được châm ngòi bởi xe công.

Đó là vụ án liên quan đến Trịnh Xuân Thanh, cũng bắt đầu từ xe công được mở ra nhiều vấn đề nổi cộm khác. Và mới đây là việc xe công được điều vào đón người nhà của bộ trưởng Bộ Công thương tận chân cầu thang của máy bay" - ông Cường nêu.

Nhận định về tình trạng sử dụng xe công vào việc riêng, một chuyên gia cho rằng đây là "một dạng tham nhũng vặt".

Thực tế vài năm trở lại đây, tình trạng này không nhiều như việc đi chùa, đi chơi... bằng xe biển xanh đã ít đi so với trước. Nhưng việc sử dụng xe công sai đối tượng, không phục vụ đúng công việc, nhiệm vụ được giao vẫn còn.

30 - 50%

Đó là số xe công giảm sau năm 2020 theo mục tiêu của Chính phủ khi khoán xe công.

Để chấn chỉnh việc gây thiệt hại cho công quỹ, ông Cường đề nghị buộc người được giao xe phải đền bù cho ngân sách.

"Những chuyến xe cho người nhà - người không thuộc đối tượng sử dụng xe - thì phải đền tiền cho ngân sách. Liệu thực tế có bao nhiêu người không thuộc đối tượng sử dụng xe công mà vẫn được đưa đón sai quy định về sử dụng xe công?" - ông Cường đặt vấn đề.

Nên buộc các cơ quan ở đô thị phải khoán

Theo ông Cường, để đảm bảo tiết kiệm cho ngân sách và sử dụng xe công hiệu quả, những địa phương có phương tiện giao thông công cộng, taxi phát triển thì phải khoán xe công.

Còn đối với những nơi như Cao Bằng, Hà Giang, Điện Biên..., dịch vụ thuê xe chưa phát triển mới khuyến khích khoán xe.

Theo Bộ Tài chính, từ cuối năm 2016, bộ này đã áp dụng chế độ khoán kinh phí sử dụng ôtô cho các chức danh từ thứ trưởng đến các lãnh đạo có hệ số phụ cấp chức vụ 1,25 (tổng cục trưởng và tương đương).

Đến nay, các thứ trưởng, tổng cục trưởng thuế, tổng cục trưởng hải quan, chủ tịch ủy ban chứng khoán đều áp dụng cơ chế khoán xe công, không có xe đưa đón hằng ngày từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại nữa.

Theo thống kê của Bộ Tài chính, đến nay có gần 20 bộ, ngành thực hiện thí điểm khoán xe công như Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Thông tin và truyền thông... và nhiều địa phương gồm Hà Nội, TP.HCM, Cần Thơ, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Yên, Lâm Đồng...

Việc khoán xe công đã tiết kiệm hàng tỉ đồng mỗi năm, cho thấy đây là một chủ trương đúng đắn và cần thiết nhằm tiết kiệm trong chi tiêu ngân sách.

Đánh giá về hiệu quả của cơ chế khoán xe công, ông Cường cho rằng cứ nhìn Hà Nội, TP.HCM, Bộ Tài chính...

Sau một thời gian thực hiện, chi phí giảm rất lớn sau khi áp dụng khoán xe, bởi không phải lo sắm thêm xe, không phỉa chi thêm tiền bảo dưỡng, bảo trì, thuê lái xe, bãi đậu...

Phạt tiền nếu sử dụng sai mục đích

Bộ Tài chính cho biết đang hoàn thiện dự thảo nghị định về xử phạt hành chính đối với quản lý sử dụng tài sản công.

Theo đó, mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quản lý, sử dụng tài sản công; dự trữ quốc gia; kho bạc nhà nước là 50 triệu đồng đối với cá nhân và 100 triệu đồng đối với tổ chức.

Kinh phí khoán xe căn cứ vào độ dài quãng đường từ nhà đến cơ quan của từng thứ trưởng, cao nhất là hơn 100 triệu đồng/năm/người.

Như năm 2017, Bộ Tài chính đã giảm 17 ôtô phục vụ chung, tiết kiệm kinh phí khoảng 589 triệu đồng so với năm 2016.

Ông Nguyễn Quang Đồng (chuyên gia chính sách công):

Đưa vào tiêu chí đánh giá người đứng đầu

Việc khoán kinh phí xe công thực ra không mới và xét về mặt chính sách thì đó là giải pháp tốt nhất bên cạnh việc tinh gọn bộ máy, giảm diện người sử dụng xe công.

Vấn đề là ở khâu giám sát thực thi như thế nào để chính sách này hiệu quả trong thực tế. Hai cơ quan phải chịu trách nhiệm chính ở đây là Bộ Tài chính (với Cục Quản lý công sản) và Bộ Nội vụ.

Bộ Tài chính giám sát chính sách khoán kinh phí xe công để giảm việc mua sắm xe công, nhưng số xe công vẫn tăng lên thì phải có cách xử lý.

Bộ Nội vụ thì giám sát việc thực thi công vụ, nếu cơ quan đơn vị nào vẫn để xảy ra việc sử dụng xe công tràn lan thì đánh giá trách nhiệm người đứng đầu và cả cơ quan đó.

Theo tôi, khi thống kê bộ nào có số lượng xe công vượt nhiều so với quy định thì phải đánh giá bộ trưởng, các đại biểu có thể chất vấn, trở thành một tiêu chí khi bỏ phiếu tín nhiệm.

Ở cấp địa phương thì hội đồng nhân dân các cấp là người đánh giá, đồng thời quy luôn là người đại biểu đã làm tròn trách nhiệm giám sát của mình với vấn đề này hay chưa…

Mai Hoa ghi

TP.HCM: tạm dừng đề án thuê xe công, chờ quy định mới

Đầu tháng 11-2017, lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) TP.HCM có tờ trình phương án thí điểm đề án kinh doanh và phục vụ hoạt động chính quyền TP - gồm xe, bảo vệ, tạp vụ với mục tiêu tiết kiệm cho ngân sách. Trong đó nội dung được quan tâm nhất là dịch vụ thuê xe công, dự kiến thí điểm ở 5 đơn vị (gồm văn phòng UBND TP, UBND Q.Bình Thạnh, UBND H.Bình Chánh, Sở Tài chính, Ban an toàn thực phẩm TP) từ 1-1-2018.

xe cong (3)xe 5(read-only)

Năm 2017, Bộ Tài chính giảm được 17 ôtô công phục vụ chung,tiết kiệm được 589 triệu đồng so với 2016 - Ảnh: NAM TRẦN

Tuy nhiên sau đó, thời gian thí điểm dự kiến được lùi lại nhiều lần và tới tháng 10-2018 thì buộc phải tạm dừng vì vướng một số quy định.

Theo phương án thí điểm, các đơn vị sẽ bàn giao cho TNXP những xe còn hoạt động tốt. Sau khi tiếp nhận, phía TNXP sẽ đầu tư, mua sắm, lắp đặt thêm thiết bị, hộp đen giám sát hành trình, thiết bị dẫn đường, lập các thủ tục phục vụ công tác quản lý, vận hành thực hiện thí điểm đề án. Phạm vi thực hiện thí điểm là các xe phục vụ công tác chung, xe riêng của lãnh đạo không nằm trong đề án này.

Trong lúc TP.HCM chuẩn bị thí điểm khoán xe công thì Bộ Tài chính chỉ đạo tạm dừng xem xét, quyết định giao, điều chuyển, bán ôtô công cho đến khi các nghị định của Chính phủ quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng ôtô có hiệu lực thi hành. Bởi vậy việc thuê xe công chưa triển khai được.

Ông Lê Minh Khoa, chỉ huy trưởng lực lượng TNXP TP, khẳng định đơn vị này vẫn tiếp tục hoàn thiện, cập nhật quy định mới, đề xuất TP triển khai đề án khi có điều kiện thuận lợi.

Mai Hoa

Xe công phục vụ bộ trưởng chỉ để thực hiện công việc được giao

TTO - Ôtô công chỉ phục vụ cho ông/bà bộ trưởng để thực hiện công việc được giao. Nên việc dùng xe công phục vụ cho bộ trưởng để đưa đón người nhà là không đúng quy định sử dụng xe công.

LÊ THANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp