29/08/2021 11:56 GMT+7

Khoản vay đáo hạn: Nợ phải trả nhưng tài sản đảm bảo phải hẹn vì giãn cách

A.HỒNG
A.HỒNG

TTO - Người vay vốn ngân hàng có khoản nợ đáo hạn trong thời gian giãn cách xã hội nghiêm ngặt tại TP.HCM đang rơi vào tình huống dở khóc dở cười, khi đến hạn buộc phải trả nợ nhưng tài sản đảm bảo ngân hàng chưa thể trả ngay vì chi nhánh đóng cửa.

Khoản vay đáo hạn: Nợ phải trả nhưng tài sản đảm bảo phải hẹn vì giãn cách - Ảnh 1.

Người vay bức xúc vì nợ phải trả đúng hạn nhưng tài sản thế chấp chưa thể lấy ra - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tiền trao thì cháo phải múc

Phản ảnh đến Tuổi Trẻ Online, anh T.H. (đã thay đổi tên) tại TP Thủ Đức (TP.HCM) cho biết anh thế chấp sổ tiết kiệm USD để vay hơn 1 tỉ đồng tại một ngân hàng nước ngoài có trụ sở trên đường Nguyễn Văn Trỗi, quận Phú Nhuận. Khoản vay có thời hạn 6 tháng, đáo hạn vào ngày 26-8-2021. 

Ngày 16-8, khi được ngân hàng nhắn tin lịch thanh toán nợ vay, anh T.H. đã chủ động liên hệ hỏi việc thanh toán lãi vay khi TP.HCM đang trong giai đoạn giãn cách, và được cho biết phải thanh toán cùng lúc lãi và gốc xong thì mới được ngân hàng cho vay lại. 

Sau khi thống nhất, ngân hàng đồng ý cung cấp giấy đi đường cho anh nhưng lại có chỉ thị 16 tăng cường nên khả năng khó hoặc không thể ra đường. Anh T.H. lúc này muốn ngân hàng hỗ trợ cho anh theo phương án trả đủ lãi suất qua chuyển khoản để tiếp tục vốn vay, thời hạn trả gốc, lãi lùi lại sau đợt giãn cách có thể sau ngày 6-9 tới, nhưng ngân hàng từ chối, vì thế anh thông báo sẽ không tiếp tục vay nữa và sẽ rút tài sản đảm bảo về. 

Anh T.H. khẳng định mình làm đúng luật khi thông báo trước cho ngân hàng trước một ngày. 

Tuy nhiên ngân hàng cho biết bản chính sổ tiết kiệm USD là tài sản đảm bảo của anh đang lưu kho ở chi nhánh và chi nhánh này hiện đóng cửa. Việc thanh lý hợp đồng tín dụng ở chi nhánh khác nên không thể hoàn trả.

Anh T.H. không đồng ý vì "tiền trao thì cháo phải múc", anh đã xoay xở trả hết khoản nợ bằng VND thì ngân hàng phải trả lại tài sản cho anh. Không chỉ muốn lấy sổ tiết kiệm, anh cũng muốn rút tiền USD về. 

"Điều khoản trong hợp đồng tín dụng cũng ghi rõ khách hàng được nhận các giấy tờ về tài sản đảm bảo sau khi hoàn thành toàn bộ nghĩa vụ", anh T.H. nói. 

"Sau khi trao qua đổi lại, ngân hàng nói sẽ nhờ chi nhánh còn mở cửa hỗ trợ trả lại tiền USD cho tôi sau khi tôi tất toán hợp đồng vay. Tuy nhiên, đến cuối giờ chiều ngày 25-8 tôi lại nhận được thông tin là ngân hàng sẽ không hoàn trả tài sản bảo đảm khi tôi đã hoàn tất nợ vay vì thiếu nhân sự", anh T.H. bức xúc và cho rằng ngân hàng "bắt chẹt" khách hàng vì lẽ ra trong lúc khó khăn dịch bệnh cần phải tạo điều kiện hỗ trợ lẫn nhau, đằng này giãn cách nhưng tiền gốc lãi vẫn bắt phải trả đúng hạn nhưng lại chậm trả tài sản đảm bảo. 

Ngân hàng nói "bất khả kháng"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, đại diện ngân hàng S - nơi khách hàng này vay vốn - xác nhận có xảy ra vấn đề như anh T.H. nêu, và cho rằng nguyên nhân chậm hoàn trả tài sản thế chấp cho khách hàng là do khách quan chứ không phải ngân hàng thiếu ngoại tệ tiền mặt hay khó dễ khách hàng. 

Theo đó, kể từ ngày 23-8 ngân hàng chỉ còn mở cửa ba chi nhánh. Chi nhánh Phú Nhuận - nơi anh T.H. vay - nằm trong diện tạm đóng cửa. Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cũng chỉ cấp cho ngân hàng 15 giấy đi đường nên chỉ còn ba chi nhánh hoạt động với số nhân sự rất ít ỏi. 

"Khi hẹn trả lại tài sản thế chấp cho khách hàng vào ngày 23-8 khi đó vẫn còn sử dụng mẫu giấy đi đường do Ngân hàng Nhà nước TP.HCM cấp. Tuy nhiên kể từ ngày 25-8 mẫu giấy đi đường phải do công an cấp nên ngân hàng không trở tay kịp. Trong khi khách hàng lại muốn tất toán khoản vay đúng hạn vào ngày 26-8 do vậy ngân hàng không sắp xếp kịp nhân sự kế toán, nên hẹn sẽ hoàn trả tài sản thế chấp cho khách hàng vào tuần tới.

Trước mắt, ngân hàng đã xử lý tất toán khoản vay ngay khi khách hàng nộp tiền mặt để không phát sinh lãi và đã giải thích cho khách hàng. Đây là sự việc bất khả kháng", đại diện ngân hàng S khẳng định.

Về việc ngân hàng không xử lý theo đề xuất của anh T.H. là "khách hàng trả đủ lãi suất qua chuyển khoản để tiếp tục vốn vay, thời hạn trả gốc, lãi lùi lại sau đợt giãn cách có thể sau ngày 6-9 tới", đại diện ngân hàng S cho biết ngân hàng phải tuân thủ theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. Tại hợp đồng vay cũng đã quy định rõ "toàn bộ nợ gốc sẽ được hoàn trả vào ngày kết thúc thời hạn vay".

Hơn 300 chi nhánh, phòng giao dịch ngân hàng đóng cửa

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết hiện nay tại TP.HCM hơn 300 điểm giao dịch ngân hàng đang tạm ngưng hoạt động. Các điểm giao dịch này có nơi nằm ở khu phong tỏa, có nơi có F0 nhưng cũng có nơi thu hẹp mạng lưới trong thời gian phòng chống dịch…

Mới đây, UBND TP Đà Nẵng cũng vừa kiến nghị gỡ khó cho những khoản nợ đến hạn nhưng chưa thể trả do giãn cách xã hội.

Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay Các ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay

TTO - Chiều 12-7, Hiệp hội Ngân hàng đã họp với lãnh đạo 16 ngân hàng để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

A.HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp