Xuất khẩu khoai mì của Thái Lan tăng vọt do chiến sự Ukraine - Ảnh: UBON BIO ETHANOL
Báo Bangkok Post dẫn lời ông Phithak Udomwichaiwat, chuyên viên cao cấp của Bộ Thương mại Thái Lan, cho biết sở dĩ xuất khẩu khoai mì của Thái Lan tăng là do các nhà nhập khẩu tìm kiếm các sản phẩm thay thế ngũ cốc, trước nguy cơ khủng hoảng lương thực do chiến sự tại Ukraine.
Bộ Thương mại Thái Lan cho biết họ đã xuất khẩu 4,6 triệu tấn khoai mì và các sản phẩm chế biến từ khoai mì gồm bột sắn, tinh bột sắn và viên khoai mì, trị giá 54,8 tỉ baht (tương đương 1,5 tỉ USD) trong 4 tháng đầu năm, tăng 28,2% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Bộ Thương mại, gần 70% lượng khoai mì xuất khẩu được bán cho Trung Quốc. Các nhà nhập khẩu còn lại gồm Nhật Bản, Indonesia và Hàn Quốc.
Ông Phithak Udomwichaiwat cho biết nhu cầu mua khoai mì đã tăng lên từ các nhà nhập khẩu nước ngoài trong thời gian xảy ra chiến sự tại Ukraine trong bối cảnh các nước trên thế giới tăng cường dự trữ lương thực, ngũ cốc cho tiêu dùng.
Ngoài ra, ông cho biết các ngành công nghiệp năng lượng và thức ăn chăn nuôi đã chuyển sang nhập khẩu các sản phẩm từ khoai mì để thay thế, làm tăng nhu cầu với khoai mì cũng như tăng giá mặt hàng này.
Thái Lan là quốc gia xuất khẩu khoai mì lớn nhất thế giới.
Theo số liệu của chính phủ, năm ngoái Thái Lan thu hoạch 32,5 triệu tấn khoai mì. Khoảng 30-35% trong số này được tiêu thụ trong nước. Lượng khoai mì xuất khẩu mang về số tiền là 123 tỉ baht, tương đương 3,4 tỉ USD.
Liên đoàn các ngành công nghiệp Thái Lan (FTI) nhận định tình trạng thiếu lương thực toàn cầu sẽ gia tăng trong quý 3 và quý 4 năm nay. Sự khan hiếm này có thể mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu lương thực Thái Lan.
Ông Kriengkrai Thiennukul, chủ tịch FTI, cho biết nhiều quốc gia có thể sẽ thiếu lương thực vì Ấn Độ, Serbia, Kazakhstan, Kosovo và Ai Cập đã hạn chế xuất khẩu lương thực, trong đó có lúa mì.
Dự trữ lương thực có thể là việc không thể tránh khỏi do năng suất cây trồng bị giảm do thiếu phân bón và thức ăn chăn nuôi trong bối cảnh chiến sự Nga - Ukraine đang diễn ra.
Chiến sự tại Ukraine cũng được cho là nguyên nhân khiến giá phân bón và một số nguyên liệu thô tăng cao.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận