Núi Everest - Ảnh: Reuters |
Theo RT, Nepal quyết tự mình đo lại Everest sau khi Trung Quốc, Ấn Độ và nhiều cơ quan khác đề nghị đo lại chiều cao ngọn núi sau 7,8 độ Richter năm 2015 làm hàng ngàn người thiệt mạng và gây ảnh hưởng khắp Nepal.
Cuộc đo đạc cũng nhằm cung cấp thông tin về tác động của biến đổi khí hậu lên ngọn núi nổi tiếng này.
Hiện tại quá trình đo đạc đã bắt đầu, với các kỹ thuật viên đã bắt tay vào việc tại quận Udayapur vào tuần trước. Mục đích là đo xem Everest có bị lùn đi do ảnh hưởng của trận động đất hai năm trước.
Theo kế hoạch, trong năm nay việc đo đạc sẽ tiến hành ở các khu vực Udayapur, Basghari và Lukla. Những người dẫn đường địa phương sẽ được huấn luyện để đo độ cao và mang thiết bị từ trại mặt đất lên đỉnh núi.
"Chúng tôi sẽ mời các chuyên gia, nhà khoa học quốc tế và những người khác có kinh nghiệm trong việc đo đạc độ cao. Chúng tôi được sự hỗ trợ kỹ thuật từ Hiệp hội đo đạc quốc tế - một tổ chức uy tín và đáng tin cậy trong đo lường", ông Ganesh Prasad Bhatta thuộc Cục Khảo sát Nepal nói với Kathmandu Post.
Chiều cao của núi Everest được cho là 8.848m. Hình ảnh do vệ tinh chụp sau trận động đất tháng 4-2015 cho thấy ngọn núi có thể đã bị 'rút lại' sau động đất.
Tổ chức nghiên cứu khoa học địa chất UNAVCO từng cho rằng Everest bị thấp đi 2,54cm. Cuộc đo đạc mới của Nepal sẽ làm rõ điều này và tìm ra chiều cao thực của Everest.
Nepal sẽ sử dụng GPS, thiết bị đo lực hấp dẫn, thiết bị đo chiều cao theo chiều dọc và điều tra toán học để đảm bảo kết quả chính xác.
Theo Kathmandu Post, chính phủ đã Nepal chi 20 triệu Rupee (19,4 triệu USD) cho dự án này và sẽ chi thêm khi cần. Theo tờ này, tổng chi phí cho quá trình đo đạc có thể lên tới hơn 140 triệu Rupee (136 triệu USD).
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận