Mất động lực do đâu?
Nhà tâm lý học Jeroen Nawijn tại Đại học Khoa học ứng dụng Breda (Hà Lan) đã dành nhiều thời gian nghiên cứu mối tương quan giữa các kỳ nghỉ và hiệu quả làm việc.
Theo ông, dù đa số mọi người thường thấy niềm vui tăng lên qua những ngày nghỉ nhưng rồi cảm nhận sự hụt hẫng ngay ngày đầu tiên trở lại làm việc.
Một nguyên nhân là vì trong thời gian nghỉ, bạn có thể làm mọi thứ mình muốn, nhưng khi trở lại guồng quay công việc hay học tập, bạn mất ngay sự tự do thoải mái này.
Nhà trị liệu Suzanne Degges-White, trưởng khoa tư vấn và giáo dục đại học tại Đại học Bắc Illinois (Mỹ), cho rằng khi quay trở lại thế giới công việc sau kỳ nghỉ dài ngày, phần lớn chúng ta đều có cảm giác sẽ phải đối mặt ngay với các câu hỏi như bạn đang có bao nhiêu đầu việc, sẽ thực hiện ra sao và hoàn thành khi nào?
Bà giải thích khó khăn thích nghi khi trở lại làm việc là do các đầu việc và trách nhiệm công việc chung và riêng không biến mất, mà chỉ tạm gác lại trong kỳ nghỉ.
Nhiều người biết rằng các đầu việc còn có thể ngày một chồng chất ngay trong thời gian họ được nghỉ: không chỉ có phần việc còn dang dở, mà còn thêm những đầu việc mới.
Suzanne Degges-White còn đề cập đến thay đổi thói quen ngủ - thức, từ chỗ khá tùy tiện trong kỳ nghỉ sang một thời gian biểu quy củ hơn khi trở lại làm việc. Ngoài ra, chế độ ăn quá nhiều và lạm dụng bia rượu trong những ngày nghỉ cũng tác động đến sức khỏe của mỗi người.
Cách chuyển sang chế độ làm việc
Theo nhà tâm lý học Jeroen Nawijn, cần chuẩn bị trước lộ trình điều chỉnh nhịp sống từ giai đoạn nghỉ ngơi dài ngày sang giai đoạn làm việc.
Ở giữa hai giai đoạn này cần có một khoảng trống chuyển tiếp, có thể chỉ là một ngày, nửa ngày, hoặc nhiều hơn. Không nên tận hưởng thả ga kỳ nghỉ cho đến buổi tối cuối cùng rồi lập tức bật chế độ đi làm hôm sau.
Degges-White khuyên trong những ngày chuyển tiếp, bạn nên lập danh sách những việc cần làm cho tuần đầu tiên trở lại. Giữ cho không gian làm việc và sinh hoạt của bạn sạch sẽ và ngăn nắp khi quay trở lại làm việc cũng giúp bạn thoải mái hơn.
Bên cạnh những người uể oải làm việc, có một số người bị “cám dỗ” phải mau quay lại guồng quay, bằng cách tự đặt ra áp lực phải làm nhiều để bù lại thời gian đã qua. Thế nhưng các nhà khoa học thần kinh tại Đại học Stanford (Mỹ) kết luận việc cố gắng thực hiện đa nhiệm có thể tạo ra sự lộn xộn khi não xử lý tác vụ, khiến bạn dễ mắc lỗi hoặc làm việc chậm đi.
Một lưu ý khác, nên tự cho bạn những khoảng thư giãn ngắn trong một ngày làm việc. Có thể tận dụng để đi đi lại lại cho giãn gân cốt hoặc thực hành thở sâu. Tập thể dục sau giờ làm việc trong những ngày đầu sau kỳ nghỉ cũng có thể giúp giải tỏa áp lực và lấy lại sự tập trung.
Thêm một lưu ý, nếu cảm thấy không ổn, hãy thẳng thắn nói trước với sếp rằng bạn cần thời gian để trở lại guồng máy công việc như trước.
Cây bút chuyên viết du lịch Nneka Okona chỉ thêm một mẹo là ngay khi kỳ nghỉ kết thúc, hãy bắt đầu lên kế hoạch cho... kỳ nghỉ tiếp theo.
Cô nói: “Điều duy nhất liên tục có hiệu quả với tôi là đặt một chuyến đi khác càng nhanh càng tốt. Sự hụt hẫng của tôi giảm đi rất nhiều nếu tôi biết mình có điều gì đó khác để mong đợi”.
Cô cũng khuyên bạn có thể mang theo một món quà từ kỳ nghỉ đến nơi làm việc như thức uống, bánh trái... Như vậy, bạn sẽ cảm thấy không buộc phải “dọn sạch” những kỷ niệm, cảm xúc đã có trong kỳ nghỉ mà vẫn có thể đem đôi chút dư vị này vào những ngày đầu làm việc lại.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận