Trung tâm Arena Thủ Đức hiện vẫn hoạt động tại chung cư Linh Trung (Q.Thủ Đức) - Ảnh: TRỌNG NHÂN
Khóa học 2 năm, 6 năm chưa xong, đó là tình cảnh của nhiều học viên tại Trung tâm kỹ thuật truyền thông đa phương tiện Max - Arena (Thủ Đức, TP.HCM - gọi tắt là ), một đơn vị nhượng quyền từ thương hiệu Arena của Tập đoàn Aptech, Ấn Độ.
Nguyên nhân từ chính Arena Multimedia tại Việt Nam cho biết Arena Thủ Đức nợ tiền nên không được .
Chờ thi trong vô vọng
Năm 2013, chị N.T.H.T. (Đồng Nai) ghi danh khóa đầu tiên chương trình đào tạo thiết kế đồ họa dài hạn ADIM tại Arena Thủ Đức với cam kết từ trung tâm sau 2 năm, tức 4 học kỳ, sẽ tốt nghiệp và nhận được bằng từ Ấn Độ.
Chị T. cho biết trong một học kỳ, học viên sau khi hoàn thành tất cả các đồ án từng môn học và bài thi thực hành thì bắt buộc phải tham gia bài trắc nghiệm Portal mới xem như xong học kỳ đó. Bài thi này được thực hiện trên máy tính, việc ra đề và chấm thi do phía Ấn Độ thực hiện.
Thế nhưng, trong 2 học kỳ đầu, chị T. và nhiều học viên khác không được thi Portal ngay sau kết thúc học kỳ mà trung tâm chỉ cho thi vào nhiều tháng sau, từ 2016 đến 2018 thì dừng hẳn.
Nhiều học viên khóa chị T. liên tục phản ảnh đòi trung tâm giải quyết nhưng tất cả chỉ dừng lại ở những lời hứa hẹn bài thi sẽ diễn ra trong thời gian gần nhất.
Tương tự, anh N.D.N. (TP.HCM, học viên khóa 2014) cũng chịu cảnh "đòi thi". Hai học kỳ đầu, trung tâm tổ chức thi Portal vào các năm 2014 và 2015 nhưng kể từ 2016 thì dừng lại.
Theo anh N., nhiều học viên liên lạc với trung tâm trong vô vọng nên đã buông xuôi việc thi cử, lấy bằng, nhất là những người đã có việc làm ổn định.
Lỗi ở người học, ở... server?
Không thi Portal đồng nghĩa chưa hoàn tất học kỳ và khóa học nên chưa đủ tiêu chuẩn nhận bằng. Tháng 5-2018, N.D.N. và các bạn cùng lớp đã đến gặp ông Bùi Văn Nam - giám đốc trung tâm.
Trong đoạn ghi âm gửi báo Tuổi Trẻ, ông Nam đưa ra rất nhiều lý do giải thích vì sao kỳ thi Portal chậm trễ, bao gồm chưa đủ số học viên tối thiểu để mở một buổi thi, theo lời ông Nam là 20 người. Thậm chí là do trong lúc ông Nam đi công tác ở nước ngoài, một giáo vụ đã "ẵm" mất tiền cùng hồ sơ của học viên.
Ông Nam hứa sẽ tổ chức thi Portal vào tháng 9-2018 và cấp bằng vào tháng 11-2018. Sự việc cũng được lập biên bản có chữ ký xác nhận của giám đốc Nam.
"Tuy nhiên, mãi đến tháng 11-2018, trung tâm mới tổ chức thi Portal nhưng lại không thi được học kỳ 4, trong khi học kỳ 3 chỉ làm bài được 2/5 môn. Lý do mà giám đốc Nam đưa ra là... lỗi server. Đến giờ vẫn chưa hoàn tất được kỳ 3 lẫn kỳ 4" - N. nói.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nam đưa ra thêm một số lý do khác. Chẳng hạn do học viên không không hoàn thành đúng số buổi hay đã thông báo lịch thi cho học viên nhưng nhiều người lại bận không thể đến được.
Ông Nam cho biết trong năm 2018 đã tổ chức thi "4, 5 lần gì đó" nhưng chỉ cho xem đúng 1 email gửi từ Ấn Độ xác nhận sẽ tổ chức kỳ thi vào tháng 11-2018.
Ông Nam cũng cho biết từ khi thành lập đến nay, chưa có học viên nào được cấp bằng. "Muốn tốt nghiệp và có bằng phải đạt đủ 3 chỉ tiêu, thứ nhất là học phần đầy đủ, thứ hai học phí đã hoàn thành, thứ ba là đạo đức tốt, không thể "kéo bè kéo phái đến làm loạn" ở trung tâm" - ông Nam nói.
Ông Nam cũng cho biết sẽ rà soát lại những người có đủ điều kiện để tháng 8-2019 sẽ cấp bằng đầu tiên kể từ khi hoạt động.
Thông báo chiêu sinh của Arena Thủ Đức ngày 23-5 - Ảnh chụp màn hình
Thiếu nợ 3 năm
Trong khi đó, theo đại diện Arena Multimedia tại Việt Nam, ngoài chi phí nhượng quyền, mỗi tháng các trung tâm đều phải chia lại với thương hiệu này một khoản tiền từ học phí thu được. Tỉ lệ chia lại này ở Arena Thủ Đức là 20% và nhập lên Portal - hệ thống theo dõi nội bộ của toàn Arena.
Theo vị đại diện này, Arena Thủ Đức dù vẫn nhập liệu lên Portal nhưng đã không đóng khoản tiền 20% trong vòng 3 năm nay, và khi chi phí nợ lên một con số quá cao, bên Ấn Độ đã có biện pháp để yêu cầu đối tác phải thanh toán khoản nợ đó.
"Các trung tâm Arena khác trên cả nước đều hoạt động đúng quy trình và không có vấn đề gì cho học viên" - vị này khẳng định.
Đây cũng là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến nhiều học viên ở Arena Thủ Đức chưa được dự thi Portal. Theo tư liệu của Tuổi Trẻ, trước đây cũng từng có trường hợp sinh viên không được thi Portal tại một trung tâm Arena trên địa bàn TP.HCM - hiện nay đã đóng cửa - cũng với lý do không hoàn thành phần tiền phải chi lại cho phía Ấn Độ.
"Hiện tại Arena đã yêu cầu ông Nam hoàn thành nhập liệu đúng quy trình để học viên được thi và cấp bằng, bên cạnh việc hoàn tất khoản nợ chưa chi trả. Ông Nam hiện đang hợp tác tích cực và chúng tôi đang xúc tiến hai bên" - vị này nói.
Nhiều vi phạm kinh doanh
Theo Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, Trung tâm Arena Thủ Đức đăng ký đào tạo nghề đồ họa vi tính với các chương trình trình độ sơ cấp như Corel Draw, Adobe Photoshop và Autodesk Autocad và 2 nghề thiết kế web, tin học văn phòng trình độ dạy nghề thường xuyên. Điều này đồng nghĩa việc giảng dạy các khóa dài hạn ở trung tâm là không đúng quy định.
Trong khi đó, theo báo cáo của Phòng LĐ-TB&XH Thủ Đức, từ năm 2016 đến nay công ty đã vi phạm quy định về đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp đối với hành vi tổ chức hoạt động giáo dục nghề nghiệp ngoài địa điểm ghi trong giấy chứng nhận đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp khi chuyển sang làm việc ở chung cư Linh Trung, thay vì ở địa chỉ đăng ký tại 113 Đặng Văn Bi, phường Trường Thọ.
Vẫn tuyển sinh rầm rộ
Trong vai người cần tìm các khóa học thiết kế dài hạn, phóng viên gọi vào hotline của Arena Thủ Đức thì được chuyển máy cho ông Nam để được hướng dẫn.
Theo đó, hiện trung tâm vẫn liên tục tổ chức các khóa học với đủ loại trình độ và thời gian, từ 3 tháng, 6 tháng, 1 năm đến 2 năm. "Quan trọng là anh muốn học gì thì sẽ có khóa thích hợp" - ông Nam nói.
Trong khi đó, khi truy cập website của Trung tâm Arena Thủ Đức (địa chỉ: www.arena-multimedia.com.vn), không khó để người dùng tìm thấy các khóa học.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận