23/10/2014 01:43 GMT+7

​Khổ với chứng đổ mồ hôi

THÙY DƯƠNG
THÙY DƯƠNG

TT - Cầm bút viết một lúc đã ướt nhòe trang giấy, đi bộ nhẹ nhàng cũng ướt sũng cả áo, bắt tay với quan khách nhưng tay túa đầy mồ hôi... là nỗi khổ của người bị chứng đổ mồ hôi.

Một bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ về nỗi khổ ướt đẫm mồ hôi tay - Ảnh: Bảo Luân
Một bệnh nhân chia sẻ với bác sĩ về nỗi khổ ướt đẫm mồ hôi tay - Ảnh: Bảo Luân

Mới đây, một cụ bà 76 tuổi gửi thư đến báo Tuổi Trẻ kể: “Tôi chỉ cần đi bộ nhẹ nhàng, lên xuống cầu thang bộ hoặc phơi quần áo... là mồ hôi ra ướt sũng cả áo, rất khác thường. Có cách nào điều trị chứng bệnh của tôi?”.

Gặp nhiều ở người trẻ

Mất tự tin trong giao tiếp

Bác sĩ Phi Long cho biết Bệnh viện Đại học Y dược từng phẫu thuật cắt hạch giao cảm cho một bệnh nhân nam, hơn 40 tuổi (làm việc ở Bộ Ngoại giao). Bệnh nhân này bị ra mồ hôi tay rất nhiều.

Ông chia sẻ với bác sĩ chứng đổ mồ hôi tay đã làm ông gặp nhiều khó khăn, mất tự tin trong giao tiếp. Mỗi khi gặp các quan khách ông thường phải đút tay vào túi áo để lau bớt mồ hôi. Nhiều lần ông phải nói lời xin lỗi với với các vị quan khách khi mới gặp nhau lần đầu vì “tay tôi hơi ướt”.

Sau phẫu thuật, ông rất hài lòng dù vẫn bị tiết mồ hôi bù trừ ở lưng và bụng nhưng do ông thường sinh hoạt trong phòng máy lạnh nên tình trạng tiết mồ hôi cũng đỡ nhiều.

Bác sĩ Lê Phi Long, trưởng phân khoa lồng ngực - mạch máu Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM, cho biết chứng đổ mồ hôi gặp ở nhiều người, chiếm khoảng 3% dân số. Có người ra mồ hôi tay, mồ hôi chân, nách, có người toát mồ hôi đầu hoặc toàn thân.

Khi người bệnh cảm thấy khó chịu về chứng này dù trước đó từng điều trị bằng nhiều cách nhưng không có hiệu quả lâu dài mới tìm đến những cơ sở khám chữa bệnh để yêu cầu được phẫu thuật cắt hạch giao cảm.

Theo bác sĩ Phi Long, chứng ra mồ hôi thường gặp ở người trẻ. Những người đến khám thường ở độ tuổi 10-20 tuổi, ở tuổi lớn hơn vẫn gặp nhưng ít hơn. Người bị chứng ra mồ hôi khi đi khám thường được chẩn đoán rối loạn hệ thần kinh thực vật, nhưng do đây không phải là bệnh nên không cần điều trị.

Chỉ những trường hợp bị đổ mồ hôi quá mức, ảnh hưởng nhiều đến học tập, công việc, sinh hoạt hằng ngày và người bệnh mong muốn được điều trị, khi đó các bác sĩ mới chỉ định phẫu thuật. Có những học sinh bị đổ mồ hôi nhiều đến mức khó cầm bút viết được, đặc biệt đến kỳ thi càng hồi hộp, càng bị ra nhiều mồ hôi nên không thể cầm bút làm bài thi.

Thợ kim hoàn, người làm nghề ngoại giao, thợ sửa chữa điện tử, nhân viên bán hàng, thợ làm đầu, làm tóc, matxa... bắt buộc phải có bàn tay khô khi làm việc nhưng mồ hôi tay ra quá nhiều đã ảnh hưởng đến công việc. Những người này mong muốn được phẫu thuật cho bàn tay khô để không ảnh hưởng đến học tập, công việc, sinh hoạt.

Ở những trẻ bị chứng mồ hôi tay, nếu muốn phẫu thuật phải đợi đến 15 tuổi, khi nội tiết đã phát triển đầy đủ.

Cần được tư vấn kỹ trước khi phẫu thuật

Theo các bác sĩ, phương pháp điều trị phổ biến và hiệu quả duy nhất chứng đổ mồ hôi là phẫu thuật nội soi lồng ngực cắt hạch giao cảm. Nhưng chỉ những người bị tiết mồ hôi ở tay và nách mới được điều trị bằng phương pháp này, còn đổ mồ hôi ở các vùng khác trên cơ thể đến nay vẫn chưa có cách điều trị hiệu quả.

Điều cần lưu ý là một số tác dụng ngoại ý của biện pháp điều trị nói trên cần được tư vấn rõ trước khi quyết định điều trị.

Có đến hơn 50% những người đến Bệnh viện Đại học Y dược khám vì chứng đổ mồ hôi đã đồng ý phẫu thuật sau khi được bác sĩ tư vấn có đến 70-80% trường hợp bị tăng tiết mồ hôi bù trừ sau phẫu thuật.

Tăng tiết mồ hôi bù trừ là trước đó bệnh nhân bị ra mồ hôi tay, nách nhưng sau khi được phẫu thuật mồ hôi tay, nách không ra nữa mà lại ra bù ở lưng, ngực, bụng, mông...

Tuy nhiên, theo khảo sát của các bác sĩ, phần lớn bệnh nhân đều hài lòng và chấp nhận kết quả của phẫu thuật, do sau mổ họ sinh hoạt, làm việc, giao tiếp thoải mái hơn. Chỉ có một số ít bệnh nhân bị tăng tiết mồ hôi bù trừ quá mức sau phẫu thuật, mồ hôi đổ ra như tắm ở thân mình, còn khổ sở hơn trước khi được phẫu thuật.

Đáng tiếc, y học hiện nay chưa có cách nào điều chỉnh tình trạng này. Bác sĩ Phi Long không quên được nỗi khổ sở của một phụ nữ gần 40 tuổi, ở TP Nha Trang, đã gọi điện thoại nhiều lần cho ông than thở vì bị tăng tiết mồ hôi quá mức sau phẫu thuật.

Trước đây, chị chỉ bị đổ mồ hồi nhiều ở bàn tay nhưng sau phẫu thuật bàn tay khô ráo thì mồ hôi lại đổ nhiều khắp toàn thân. Chị kể với bác sĩ mình không dám đi đâu vì chỉ mặc áo được một lúc là áo ướt sũng...

 Bác sĩ Vũ Trí Thanh, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện Đại học Y dược, cũng nhớ mãi hình ảnh một nữ sinh 17 tuổi (ở TP.HCM) khổ sở vì bị tiết mồ hôi quá nhiều ở bàn tay. Cô bé kể chỉ cầm bút viết một lúc là trang vở ướt nhòe.

Cô đề nghị được phẫu thuật mặc dù bác sĩ tư vấn có thể bị chứng tăng tiết mồ hôi bù, nhưng cô gái vẫn chấp nhận. Không ngờ, sau phẫu thuật cô lại khổ sở hơn rất nhiều vì bàn tay đã khô nhưng mồ hôi lại chuyển sang ướt đẫm ở mông...

Bác sĩ Phi Long còn lưu ý với những bệnh nhân ở tuổi trung niên, từ bé đến lớn không bị ra mồ hôi mà bỗng dưng mồ hôi ra bất thường như đổ mồ hôi quá nhiều khi ra trời nắng hoặc mồ hôi trộm đầm đìa vào ban đêm thì cần đi khám tổng quát vì có thể bị rối loạn tiền mãn kinh, tiểu đường hay bệnh lý nguy hiểm khác như ung thư...

THÙY DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp