Phóng to |
Đại diện chi hội phụ nữ ấp thăm hỏi ba con của chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân sau khi chị Nhân tự vẫn. Lẽ ra cử chỉ quan tâm này đến với gia đình chị Nhân khi chị còn sống thì có thể giờ đây không phải “rút kinh nghiệm sâu sắc” - Ảnh: TẤN THÁI |
Theo quy định hiện hành, hộ nghèo ở nông thôn là hộ có mức thu nhập bình quân từ 400.000 đồng/người/tháng trở xuống; ở thành thị là có mức thu nhập từ 500.000 đồng/người/tháng trở xuống. Hộ cận nghèo ở nông thôn có mức thu nhập từ 401.000-520.000 đồng/người/tháng, thành thị từ 501.000 - 650.000 đồng/người/tháng. Đây là căn cứ để thực hiện các chính sách an sinh xã hội và các chính sách khác. Dựa vào mức chuẩn này, cán bộ địa phương tính toán gia đình chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân đã thoát nghèo vì có thu nhập 5 triệu đồng/tháng (chia 5 nhân khẩu), cao hơn chuẩn nghèo. Tuy nhiên, thực tế cho thấy chị Nhân bị bệnh kéo dài, con đi học đại học, nhưng do đã thoát nghèo nên bị cắt bảo hiểm y tế, các con đi học cũng không còn được miễn giảm học phí. Với chị Nhân, thoát nghèo còn khổ hơn khi được công nhận là hộ nghèo.
Lỗi do đâu?
"Cá nhân tôi nghĩ rằng chính sách của Nhà nước ban hành ra là để “kéo” những người đang ngồi đứng dậy, tạo cho họ thêm sức lực và động lực để sống và phát triển. Đừng để cho một số người, hoặc thậm chí chỉ là một vài người, cảm thấy mình bị ngồi bệt xuống mà không đứng lên được, chìa tay ra cầu cứu nhưng không nhận được sự quan tâm của chính quyền, đoàn thể, xã hội rồi rơi vào cảnh túng quẫn khốn cùng và chọn cách kết thúc tiêu cực " Bà NGUYỄN THỊ KHÁ(ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội) |
Ngày 1-5, ông Trần Đại Đoàn - bí thư Đảng ủy xã An Xuyên, TP Cà Mau - cho biết đã chỉ đạo ban chỉ đạo xóa đói giảm nghèo của xã rà soát lại trường hợp của gia đình anh Bảo - chồng chị Mỹ Nhân, nếu đủ điều kiện thì xét đưa vào hộ nghèo của xã, đồng thời tìm phương án hỗ trợ lâu dài để các con anh Bảo không bỏ học giữa chừng. Trả lời câu hỏi tại sao trước đây không giải quyết chính sách hộ nghèo cho gia đình chị Nhân mà đến nay mới xem xét, ông Đoàn giải thích: “Vào thời điểm năm 2012, khi ấp 5 tiến hành xét hộ nghèo, gia đình anh Bảo không đạt vì thu nhập hai vợ chồng lúc này vượt quy định hộ nghèo”.
Ông Đoàn cũng thừa nhận gia đình anh Bảo rất khó khăn, cả vợ lẫn chồng nghề nghiệp không ổn định, đất đai cũng không, nên càng gặp nhiều khó khăn hơn khi bệnh chị Nhân ngày càng nặng và con đi học xa nhà. “Qua việc này chúng tôi thấy chính sách còn bất cập, khó uyển chuyển khi thực hiện. Theo tôi, cần điều chỉnh chính sách hộ nghèo một cách thoáng hơn, không chỉ căn cứ vào nội tại là về thu nhập mà phải tính đến yếu tố ngoài xã hội khác như: phải nuôi con cái học hành, bệnh tật kéo dài...” - ông Đoàn nói.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Bạch Đằng - bí thư Thành ủy TP Cà Mau - cũng nói các tiêu chí tính toán hộ nghèo hiện nay chưa sát với thực tế cuộc sống, cần xem xét điều chỉnh cho hợp lý. Còn về cái chết của chị Nhân, ông Đằng khẳng định: “Dù sao đi nữa thì trách nhiệm vẫn là do cán bộ địa phương chưa sát với cuộc sống của người dân. Tới đây, TP Cà Mau sẽ có cuộc họp chấn chỉnh, yêu cầu lãnh đạo cơ sở phải gần dân, sát dân hơn, phải nắm rõ những diễn biến trong dân, đặc biệt là phải rút kinh nghiệm sâu sắc đối với trường hợp như chị Nhân”.
Theo ông Võ Hoàng Hiệp - giám đốc Sở LĐ-TB&XH Cà Mau, để những sự việc tương tự không tái diễn, ngoài các chính sách liên quan chăm lo cho hộ nghèo, cận nghèo, chính quyền các cấp nên có một nguồn quỹ dự phòng (có thể là nguồn tiền ngân sách hoặc nguồn vận động, xã hội hóa) để kịp thời hỗ trợ những gia đình có hoàn cảnh khó khăn đột xuất như bệnh tật, bị thiên tai hoặc tai nạn. Sự hỗ trợ ấy tuy chỉ nhất thời nhưng rất có ý nghĩa trong việc giúp những hộ khó khăn vượt qua khúc ngặt của cuộc sống.
Bài học sâu sắc
Trao đổi với phóng viên về trường hợp chị Nguyễn Thị Mỹ Nhân, bà Nguyễn Thị Khá - ủy viên thường trực Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho rằng đây là bài học sâu sắc cho các cấp chính quyền. Những người làm chính sách nhìn vào đó, sửa đổi những quy định chưa phù hợp để tránh những trường hợp tương tự xảy ra.
Theo bà Khá, câu hỏi đầu tiên đặt ra cho chính quyền cấp cơ sở là họ đã thật sự chia sẻ và giải quyết đúng mực, thấu đáo tâm tư, nguyện vọng của gia đình chị Nhân chưa? Bà Khá phân tích: “Nói rằng chồng đi làm phụ hồ mỗi tháng 3 triệu, vợ đi giúp việc gia đình mỗi tháng 2 triệu thì không đủ tiêu chuẩn để xếp hộ nghèo. Nhưng thử hỏi, nhà chị Nhân không có đất sản xuất, công việc mà hai vợ chồng đi làm mướn là rất bấp bênh, khi có việc thì làm, hết việc thì nghỉ, cuộc sống như vậy sao có thể gọi là thoát nghèo. Đó là chưa kể bản thân chị Nhân bệnh tật, ba cháu nhỏ lại đang tuổi học hành. Nhìn vào thực tế như vậy, thử hỏi có ai khẳng định hoàn cảnh gia đình chị không khó khăn, cùng cực. Vậy, khi đưa gia đình chị Nhân ra khỏi diện hộ nghèo, chính quyền địa phương dựa trên cơ sở nào, có vì bệnh thành tích hay không?”.
Câu hỏi thứ hai bà Khá đặt ra là dành cho cơ quan làm chính sách. Theo bà Khá, trường hợp chị Nhân cứ cho là đã thoát khỏi nghèo, nhưng có người bị bệnh kéo dài và nuôi các con đang đi học thì thực chất là họ đã rơi vào tình trạng nghèo. Bà Khá còn nói quy định hiện nay về hộ nghèo hay chuẩn nghèo là quá lạc hậu, “Bộ LĐ-TB&XH phải tính toán lại, đề nghị mức chuẩn nghèo mới phù hợp với thực tế, nhất là bao quát được các hoàn cảnh khác nhau trong xã hội”.
Bà Khá cũng đặt câu hỏi về việc xóa nghèo bền vững và chính sách đất đai. “Mục tiêu của chúng ta là xóa nghèo bền vững, hết nghèo rồi nhưng phải có kế sinh nhai mới đưa ra khỏi diện hộ nghèo. Với gia đình chị Nhân thì không thể coi là họ đã có kế sinh nhai bền vững. Nghề nghiệp bấp bênh, lúc khỏe thì bán sức lao động kiếm ăn, lúc bệnh tật thì không biết bấu víu vào đâu. Chị Nhân, cũng như không ít hộ gia đình ở đồng bằng sông Cửu Long, tuy sống ở nông thôn nhưng không có tư liệu sản xuất - đó là đất đai. Đây là một trong những vấn đề xã hội rất cần được quan tâm giải quyết” - bà Khá nói.
Cần hỗ trợ thoát nghèo một cách bền vững Ông Nguyễn Trọng Đàm, thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, cho biết cá nhân ông rất bất ngờ về vụ việc bi thảm này. Qua thông tin của phóng viên, ông Đàm bày tỏ xúc động: “Tôi thấy rất đáng tiếc cho trường hợp một người dân ở TP Cà Mau quyên sinh vì bế tắc trong cuộc sống. Cả nước có hàng triệu hộ nghèo, nhưng đây là lần đầu tiên tôi biết có vụ việc thế này. Thật đáng tiếc. Có thể do những ngày nghỉ nên tôi chưa được báo cáo, nhưng tôi sẽ yêu cầu địa phương báo cáo để nắm thêm vụ việc. Qua việc này, tôi thấy chúng ta cần phải rút ra bài học liên quan đến chuyện bình xét hộ nghèo và hộ cận nghèo, để từ đó có những cách vận dụng linh hoạt, thiết thực hơn”. Theo ông Đàm, có rất nhiều chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Nhưng việc thoát nghèo của các hộ này không thể diễn ra nhanh chóng một sớm một chiều được. “Vì thế quan điểm của chúng ta vẫn vừa triển khai, vừa phải xem xét, chấn chỉnh và điều chỉnh bổ sung chính sách” - ông Đàm nhấn mạnh. Ông Đàm cho biết có rất nhiều cách để hỗ trợ những hoàn cảnh như gia đình chị Nhân. Không được xét hộ nghèo thì chị có thể làm đơn kiến nghị lên cấp trên. Cũng còn nhiều chính sách, chương trình khác có thể vận dụng để hỗ trợ gia đình chị. Ông Đàm cũng nói Bộ LĐ-TB&XH đang tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách hỗ trợ để hộ nghèo, hộ cận nghèo thoát nghèo một cách ổn định, bền vững. Đó cũng là quan điểm chỉ đạo của Chính phủ trong công tác xóa đói giảm nghèo. Đ.BÌNH |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận