14/11/2024 05:46 GMT+7

Khổ vì sống gần hàng xóm 'trời ơi'

Nhà mất đi sự bình yên khi hàng xóm gây ồn ào, ô nhiễm. Rất nhiều vụ xích mích sứt mẻ tình làng nghĩa xóm từ những việc nhỏ nhặt như chó thả rông, vứt rác bừa bãi, tiếng ồn...

Mâu thuẫn với hàng xóm: Trăm chuyện khóc dở - Ảnh 1.

Chiếc xe máy nhiều lần dựng chắn cửa nhà đối diện là nguyên nhân gây xích mích xóm giềng tại một con hẻm đường Dương Bá Trạc (quận 8, TP.HCM) - Ảnh: người dân cung cấp

Nuôi thú cưng là sở thích cá nhân nhưng có hộ dân nuôi quá nhiều chó và để chó gây ồn, phóng uế gây mùi hôi thối là điều hàng xóm khó chấp nhận. Đã có án mạng từ xích mích liên quan đến con chó nhà hàng xóm.

Từ việc nuôi chó, chỗ để rác đến sửa nhà

Hơn 9 năm qua, chuyện "chưa có tiền lệ" về một hộ dân sống tại địa chỉ 190 Hoàng Diệu (phường 9, quận 4, TP.HCM) nuôi gần một trăm con chó trong căn nhà nhỏ gây ô nhiễm môi trường chưa có hồi kết. Điều này gây bất bình nhiều năm cho cư dân xung quanh.

Dù 50 hộ dân ở đây liên tục phản ảnh tới các cấp địa phương nhưng tình trạng này vẫn kéo dài suốt 9 năm qua. Tại sao chưa thể xử lý dứt điểm? UBND quận 4 cho biết hiện vẫn chưa có quy định, điều luật cụ thể để giải quyết dứt điểm vụ này. 

UBND quận 4 đã gửi các văn bản báo cáo tình hình vụ việc đến UBND TP.HCM, kiến nghị các sở ngành liên quan để được hướng dẫn giải quyết. Trong thời gian chờ, quận 4 chỉ đạo Trạm chăn nuôi và thú y liên quận 1-4-7 phối hợp với phường 9 theo dõi kỹ, vận động hộ dân này tiêm phòng định kỳ cho đàn chó.

Gần 10 năm qua, người dân sống tại một con hẻm trên đường Dương Bá Trạc (quận 8) thường xuyên vướng phải những chuyện "trên trời rơi xuống" từ khi bà L.T.C. dọn đến ở. Nhà chị L. có cửa sau "chạm mặt" với cửa chính nhà bà C. Mâu thuẫn bắt đầu khi chị L. quyết định sửa lại nhà mình nhưng không hỏi ý bà C. 

Chị L. bảo: "Nhà tôi với nhà bà C. không dính dáng sổ sách gì. Tôi với bà C. không quen biết từ trước, nhưng bà C. lại bắt bẻ vì tôi không thông báo cho bà chuyện tôi sửa nhà. Từ chuyện đó, bà C. bắt đầu "nặng nhẹ" với tôi nhiều hơn".

Trong thời gian thi công, bà C. gây khó dễ và cản trở thợ đến sửa nhà cho chị L.. Nhiều người thợ sợ xảy ra chuyện chẳng lành nên xin nghỉ. Chật vật mãi đến lần thuê thợ thứ ba, chị L. nhờ phường xuống làm việc mới yên ổn sửa xong căn nhà. Vụ việc trở thành cái cớ cho nhiều vụ "nặng nhẹ" sau đó.

Bà T.T.K. (60 tuổi) mới đến đây thuê nhà ở khoảng ba tháng cũng gặp rắc rối. Bà K. kể có lần khi thấy con bà đi học về, chồng bà C. mang xe ra đậu đối diện. Hẻm nhỏ, con bà K. không sao dắt xe vào được. Hai bên lời qua tiếng lại.

Theo ông Nguyễn Văn Đại - chủ tịch UBND phường 1 (quận 8), mâu thuẫn giữa bà C. và chị L. đã được giải quyết, bà C. đã xin lỗi chị L.. "Vấn đề giữa bà C. và chị L. là chuyện bình thường xảy ra trong đời sống hằng ngày ở những khu dân cư lao động, nhất là tại những nơi hẻm nhỏ và có thể xảy ra bất cứ lúc nào. 

Khi có vấn đề tranh chấp, mâu thuẫn, mỗi người nên hành xử có văn hóa, có tình có lý, hàng xóm láng giềng chịu khó ngồi lại với nhau thì việc gì cũng có thể tự giải quyết được" - ông Đại nhấn mạnh.

Ông P. (ngụ quận Bình Tân) và bốn hộ cùng xóm từng xảy ra xích mích kéo dài nhiều tháng chỉ vì… cái thùng rác. Nhà ông P. ở góc giữa hai hẻm, có khoảng bốn hộ cùng bỏ rác vào một thùng rác lớn để ngay bên nhà ông P.. Rác bốc mùi hôi. Ông P. góp ý đến hàng xóm là rác nhà ai để trước nhà người ấy, tuy nhiên hàng xóm bảo ông không có quyền hạn gì ở hẻm này.

Góp ý nhưng hàng xóm không có động thái gì, ông P. phản ánh sự việc đến tổ trưởng và khu phố, nhưng sự việc vẫn chưa thể giải quyết. Sau đó, ông P. làm đơn phản ánh gửi đến phường. Sau khi tiếp nhận đơn, cán bộ môi trường của phường đến nơi lập biên bản, lúc này chiếc thùng rác trên mới không còn đặt bên nhà ông P. nữa.

Ứng xử sao để "thấu tình, đạt lý"?

Chẳng may rơi vào tình thế khóc dở mếu dở khi xảy ra mâu thuẫn với hàng xóm, cần phải xử lý ra sao? Theo một số chuyên gia, trường hợp xảy ra mâu thuẫn với hàng xóm cần phải giữ được sự bình tĩnh, tìm giải pháp ôn hòa, tránh để xảy ra những hậu quả không đáng có.

Theo PGS.TS Trương Văn Vỹ (giảng viên xã hội học Trường ĐH KHXH&NV - ĐH Quốc gia TP.HCM), trong thực tế có người đành phải bán nhà, chuyển chỗ ở khác khi chẳng may gặp phải người hàng xóm mang đến sự phiền toái, bất an. Ý thức của mỗi cá nhân là điều rất quan trọng, mỗi khi có xảy ra xích mích với hàng xóm, hai bên cần giải quyết một cách ôn hòa và đúng pháp luật.

Trường hợp mâu thuẫn chưa thể giải quyết thỏa đáng cần tìm đến sự hòa giải của bên thứ ba, có thể là một người có uy tín, có sức ảnh hưởng lớn hoặc nhờ đến sự trợ giúp của khu phố, đơn vị chức năng, đoàn thể tại địa phương. Sau cùng, nếu chưa thể giải quyết mâu thuẫn với hàng xóm thì cần phản ánh đến cơ quan chức năng địa phương.

Còn theo TS Phạm Thị Thúy (giảng viên Học viện Hành chính quốc gia, chuyên viên tham vấn tâm lý), mâu thuẫn giữa hàng xóm không chỉ gây ảnh hưởng đến người trong cuộc, đặc biệt là tác động tiêu cực đến trẻ em. Nếu hàng xóm láng giềng tốt thì gia đình sẽ có môi trường dạy con tốt.

Thêm nữa, trong giao tiếp hằng ngày, đặc biệt cần là tôn trọng lẫn nhau. Nếu không có điều này, chúng ta rất dễ đánh mất sự nể trọng, thân thiện từ hàng xóm. Mâu thuẫn là khó tránh nhưng nếu chúng ta biết lắng nghe, tôn trọng lẫn nhau thì mâu thuẫn sẽ dễ được hóa giải.

Chia sẻ vấn đề này, luật sư Lê Trung Phát (Đoàn luật sư TP.HCM) góp ý: Khi gặp vấn đề không vừa ý với hàng xóm, nếu không bình tĩnh hay vì sự bực tức của cá nhân sẽ dễ dẫn đến những hành động gây hại nhau. Điều này có thể gây nên một hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu về sau. 

Đón nhận sự góp ý của hàng xóm, chúng ta cũng cần lắng nghe chân thành, đôi khi cũng cần phải đặt mình vào hoàn cảnh là người phản ánh để có những hành xử phù hợp.

Có như vậy chúng ta mới có được nơi được gọi là nhà, nơi mà khi chúng ta tìm về sau một ngày lao động mệt nhọc, nơi mà ở đó ngoài những thành viên trong gia đình đang đợi ta thì còn có những người hàng xóm dễ thương đang quanh ta.

Án mạng xuất phát từ mâu thuẫn nuôi chó

Tháng 4-2024, một vụ án mạng xảy ra trên đường Khiếu Năng Tĩnh (quận Bình Tân) liên quan việc nuôi thả chó. Bức xúc việc ông H. để chó qua cửa nhà mình phóng uế, ông V.C.A. tấn công khiến ba người thương vong.

Trong đó, nạn nhân tử vong là bà T. (vợ ông H.), hai người bị thương gồm ông H. và một người khác.

Sợ những tiếng hát từ nhà hàng xóm

Cũng như bao người khổ sở vì tiếng hát từ hàng xóm, chị G. (ngụ quận Bình Tân) cho biết con của chị thường giật mình bởi tiếng loa. Nhà chị thường đóng chặt cửa cũng không ăn thua.

"Có hôm không chỉ một mà hai nhà hàng xóm hát cùng lúc. Tôi không dám góp ý cũng như chẳng dám phản ánh đến đâu bởi vì sợ họ gây hấn sau này, chỉ biết đóng chặt cửa và mong ý thức của họ thay đổi" - chị G. nói.

Mâu thuẫn với hàng xóm: Trăm chuyện khóc dở - Ảnh 3.Xưởng làm đồ gỗ gây tiếng ồn, mùi hôi, hàng xóm trân mình chịu trận

Phản ánh đến Tuổi Trẻ Online, người dân cho biết chịu không nổi tiếng ồn, bụi và mùi hôi từ xưởng làm đồ gỗ ở phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TP.HCM). Hàng xóm đã nhiều lần qua xưởng góp ý nhưng đâu vẫn vào đấy.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp