Phóng to |
Trong gia đình, nếu bé yêu thường có những lời bình luận “xanh rờn” khiến người khác khó chịu, thậm chí là tổn thương thì bạn cần chấn chỉnh ngay.
Trẻ vô tư vì nghĩ mình đúng
Anh Hữu Danh - bác sĩ nha khoa ở Nhơn Trạch, Đồng Nai - phải muối mặt khi nghe con gái tỉnh bơ bình phẩm chị đồng nghiệp anh mời đến thăm gia đình. Cô bé 8 tuổi mà nói như “bà cụ”: “Sao đầu tóc cô xấu và quê thế? Trông chẳng hợp với dáng người của cô chút nào”. Tiếng nói lanh lảnh của con bé khiến mọi người trong bàn ăn chỉ biết nhìn nhau ngậm ngùi. Chị đồng nghiệp ngượng ngùng không biết trả lời sao trước câu hỏi của con bé.
"Các bậc cha mẹ cần hiểu trẻ tham gia bình phẩm, đánh giá người khác là muốn khẳng định mình và thể hiện sự quan tâm của mình đến đối tượng trẻ nói đến" |
Trước những lời bình phẩm hồn nhiên của trẻ, người lớn không khỏi bị choáng vì không hiểu được bé học đâu cách nói năng khó nghe thế, nhưng đừng vội vàng trách móc trẻ. Thật ra, trẻ không chủ định nói ra những lời làm đau lòng người khác mà đó chỉ là những lời nói chân thật xuất phát từ thói quen nghĩ gì nói nấy của trẻ. Lời đánh giá có thể rất khó nghe nhưng thường đúng sự thật - phản ánh khả năng nhận thức về thẩm mỹ của trẻ. Do đó, cha mẹ không nên nóng nảy, tỏ thái độ giận dữ đối với trẻ, mà cần bình tĩnh dạy con ăn nói tế nhị để không làm tổn thương người khác, dạy cho con biết cách thể hiện suy nghĩ, phê bình khéo léo để người khác chấp nhận và tiếp thu.
Phòng cháy hơn chữa cháy
Các bậc phụ huynh đừng chờ đến khi trẻ đưa ra những lời bình xét, đánh giá bằng những lời “xanh rờn” khó nghe mới uốn nắn con. Thay vào đó, cha mẹ cần xây dựng cho con kỹ năng giao tiếp cần thiết bằng cách lồng ghép những câu chuyện hằng ngày để giải thích những điều liên quan đến việc nhận xét, bình luận người khác cho con hiểu.
Việc nên làm là trang bị cho con trẻ vốn từ kha khá và hướng dẫn con biết cách chọn lọc từ ngữ để phát ngôn bằng cách nói giảm, nói tránh, cũng như tận dụng mọi tình huống cụ thể của cuộc sống để chỉ cho con hiểu đâu là lời nói mang tính chỉ trích, đâu là lời nói tế nhị, dễ thương. Chẳng hạn, thay vì nói “Chị Hà mặc chiếc áo màu tím sao mà khó nhìn thế (chắc chắn sẽ khiến chị Hà rất phật lòng và khó chịu), thì con có thể nói nếu như chị Hà mặc chiếc áo màu hồng sẽ đẹp hơn biết mấy, có khi thấy trẻ ra mấy tuổi”.
Song quan trọng hơn nếu muốn con trẻ biết đưa ra những nhận xét khéo léo, đúng thời điểm, bạn phải mẫu mực về sự tế nhị. Bạn đừng bình phẩm, nhận xét người khác trước mặt bé bằng những lời lẽ châm chọc, mỉa mai do trẻ thường thần tượng và bắt chước cha mẹ từ lời nói đến việc làm. Để dạy trẻ tế nhị, cha mẹ cần tế nhị khi nhắc nhở, giáo dục trẻ trong việc nói năng, nhận xét người khác. Ngoài ra, bạn đừng phủ nhận khi nghe con nhận xét ai đó, ngược lại chỉ cho trẻ biết rằng: “Con nhận xét ai đó chân thật là tốt, nhưng sẽ tốt hơn nếu con thể hiện khéo léo để không làm tổn thương họ”.
Bạn có thể nhắc con nhớ về nỗi buồn con đã trải qua khi con là đối tượng bị bình phẩm một cách thiếu tế nhị, điều này giúp con hiểu bất cứ ai cũng thấy khó chịu, thậm chí tức giận khi bị người khác dè bỉu, nhận xét một cách sỗ sàng.
Lắng nghe bé bày tỏ thái độ của mình và chỉ cho bé thấy “không chỉ có mình cảm thấy xấu hổ và tức tối khi bị người khác chê bai, mà người khác cũng thế”. Và không phải cứ thấy điều gì không vừa ý mình là lên tiếng phàn nàn, góp ý mà cần chọn cách diễn đạt khéo léo, dễ nghe để người khác chấp thuận.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận