Ghi nhận của Tuổi Trẻ Online vào lúc 10h sáng 31-3, tại phòng giao dịch nhà mạng Viettel nằm trên đường Tôn Đức Thắng, Đống Đa, Hà Nội, các ghế chờ kín khách hàng.
Người dân đến làm thủ tục chuẩn hóa thông tin chủ yếu là người lớn tuổi. Khu vực để xe cho khách hàng quá tải.
Đã tăng nhân sự nhưng vẫn quá tải
Bà Nguyễn Thị Lanh, 68 tuổi (quận Đống Đa), cho biết khi kiểm tra thông tin cá nhân thì thấy số điện thoại của bà vẫn để số chứng minh nhân dân cũ nên đến cửa hàng nhờ nhân viên cập nhật.
"Tôi chưa nhận được tin nhắn đi chuẩn hóa thông tin di động, nhưng vì lo nếu không cập nhật đủ thông tin sẽ bị khóa 1 chiều nên đi làm trước cho chắc", bà Lanh nói.
Tại phòng giao dịch nhà mạng VinaPhone trên đường Đông Các, quận Đống Đa cũng xảy ra tình trạng quá tải khi người dân đổ dồn về làm chuẩn hóa thông tin di động.
Một nhân viên tại phòng giao dịch này cho biết tình trạng quá tải bắt đầu từ khoảng 10 ngày trở lại đây. "Dù đã tăng nhân viên, thêm giờ làm nhưng vẫn không phục vụ đủ nhu cầu của khách hàng", nhân viên này nói.
Tương tự, đại diện phòng giao dịch nhà mạng Viettel trên đường Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy) cho biết cửa hàng có 5 nhân viên làm thủ tục chuẩn hóa thông tin cho khách hàng, do quá tải nên đã tăng thêm 3 nhân viên nhưng khách hàng đến làm thủ tục vẫn không thoát cảnh xếp hàng và chờ đợi.
Đi chuẩn hóa thông tin di động theo hiệu ứng
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, bà Lê Thị Minh Thu - phụ trách phòng giao dịch nhà mạng Viettel (Nguyễn Phong Sắc, Cầu Giấy), cho biết các phòng giao dịch nhà mạng Viettel đã triển khai chuẩn hóa thông tin cho khách hàng từ một tháng nay nhưng có rất ít khách hàng đến.
Người dân bắt đầu đến làm thủ tục ồ ạt khoảng 10 ngày trở lại đây. Trung bình mỗi ngày chuẩn hóa khoảng 300 dữ liệu khách hàng.
"Số khách hàng buộc phải đến cửa hàng làm chuẩn hóa thông tin chỉ chiếm khoảng 30%, 70% khách còn lại thông tin đã chuẩn rồi, nhưng do ảnh hưởng của hiệu ứng khi nghe được thông báo thì ồ ạt ra làm thủ tục mà không biết mình không nằm trong diện phải chuẩn hóa ngay.
Mặc dù có đường link để khách hàng kiểm tra chuẩn hóa thông tin nhưng nhiều khách hàng không chủ động kiểm tra mà ra thẳng cửa hàng, tạo thêm sự quá tải", bà Thu nói.
Ngoài ra, bà Thu khuyến cáo hiện nay đang có những đối tượng lừa đảo lợi dụng thời điểm chuẩn hóa thông tin đã gọi điện dọa khách hàng trong vòng 2 tiếng phải ra cập nhật nếu không sẽ bị khóa SIM. Đây là những thông báo không chính xác.
Người dân chỉ đến cửa hàng làm thủ tục chuẩn hóa thông tin khi có tin nhắn của nhà mạng báo về. Ngoài ra, Viettel sử dụng số điện thoại tổng đài gọi điện người dân ra cửa hàng cập nhật thông tin.
Nhiều người dân khi kiểm tra thông tin cá nhân nhận thấy thuê bao vẫn sử dụng số chứng minh nhân dân cũ đã lập tức đến các phòng giao dịch để cập nhật số căn cước công dân.
Đại diện các nhà mạng cho biết hiện tại người dùng có thông tin thuê bao sử dụng số chứng minh nhân dân cũ chưa cần phải chỉnh sửa lại thông tin mà vẫn có thể sử dụng bình thường.
Nếu muốn cập nhật thông tin thuê bao theo số căn cước công dân mới, người dùng có thể chờ thêm ít ngày để không phải vạ vật xếp hàng, hạn chế quá tải.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận