09/04/2017 08:22 GMT+7

Khổ vì cốt nền, nhà... trên cao và chui xuống đất

TIẾN LONG (tienlong@tuoitre.com.vn)
TIẾN LONG ([email protected])

TTO - Cốt nền được lập ra để tránh việc xây nền nhà quá cao hoặc quá thấp so với mặt đường, lề đường. Thế nhưng cốt nền ở TP.HCM hiện mỗi nơi một phách làm xảy ra tình trạng đường và nhà vênh nhau.

Nhà 359 Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang được xây lại vì tầng trệt đã trở thành hầm sau khi cải tạo đường (ảnh chụp sáng 7-4) - Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà 359 Nguyễn Xí (Q.Bình Thạnh, TP.HCM) đang được xây lại vì tầng trệt đã trở thành hầm sau khi cải tạo đường (ảnh chụp sáng 7-4) - Ảnh: TỰ TRUNG

Nhiều nhà dân nơi quá thấp, cũng có nơi quá cao so với mặt đường, trường hợp nào cũng khổ.

Vấn đề cốt nền (hệ thống mốc cao độ chuẩn quốc gia được sử dụng để xác định cao độ nền cho các công trình giao thông, xây dựng…) càng được hâm nóng lại khi chính quyền địa phương nhiều nơi yêu cầu người dân tháo bỏ bậc dẫn từ vỉa hè để vào nhà.

“Đối với việc cấp giấy phép xây dựng nhà dân, hiện nay tại các quận huyện không nhất quán, có nơi quy định, nơi không. Nếu cứ cấp cốt nền theo cách như hiện nay sẽ quản lý không được

Ông Trần Văn Thạch (phó giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường TP.HCM)

 

Các hộ dân trên đường Nguyễn Xí, đoạn từ đường Phạm Văn Đồng rẽ vào khu dân cư Bình Lợi, thuộc phường 13 (quận Bình Thạnh) như tránh vỏ dưa lại gặp vỏ dừa, ngập vẫn hoàn ngập. Khi đường được nâng cao để tránh ngập thì hầu hết nhà dân khu vực này đều nằm thấp sâu hơn so với mặt đường.

Nhiều nhà thấp hơn mặt đường hơn 1,5m, mưa xuống nước tràn vào lênh láng. Các hộ dân đành phải nâng nền lên cao ngang mặt đường. Có hộ trần nhà quá thấp, không nâng nền được nên phải phá dỡ nhà để xây mới.

Nền nhà của bà P.T.A.H. - người dân ở đường Nguyễn Xí - vừa được nâng lên gần 1m cho bằng mặt đường, phần nhà bếp phía sau chưa nâng nền nên bếp như nằm dưới hố sâu. Bà H. phải làm bậc tam cấp để đi từ phòng khách xuống nhà bếp.

Bà H. cho biết đoạn đường Nguyễn Xí này rất thấp, được người dân trải sỏi đá, xà bần. Khi xây nhà, bà đã “phòng” sau này nâng đường nên bà xây nhà cao hơn mặt đường gần 1,3m. Nhưng khi đường nâng lên, nền nhà bà vẫn thấp hơn mặt đường gần 1m!

Ở nhiều đường khác, việc người dân tự áng chừng độ cao nền nhà so với cao độ đường hiện hữu để làm nền, dẫn đến tình trạng nền nhà cùng đường nhưng độ cao nền nhà khác nhau, lộn xộn. Nhiều gia đình xây nhà cao “lố” so với nền đường nên phải xây bậc tam cấp lấn ra nguyên cả vỉa hè.

Ông N.V.D. (quận Bình Thạnh) xây nhà cao hơn mặt đường hơn 2m, ông cho hay lúc trước ông xây nền nhà cao hơn mặt đường 0,2m, nhưng khoảng hai năm sau nước từ đường lại tràn vào nhà. Sau đó đường nâng lên, nhà ông thấp hơn mặt đường 0,3m.

Để “chắc ăn”, ông D. xây nền nhà cao hơn mặt đường một cách “bất thường”, phải làm khung sắt bắc lên nhà cao như “nhà sàn”. “Xây cao vậy nhưng không biết vài năm nữa đường nâng rồi tôi có phải nâng lên theo nữa không” - ông D. thở dài.

“Chuẩn vỉa hè” thay cho cốt nền quốc gia

Nhà cao hơn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) gần 1m nên người dân phải xây bậc và lắp thêm những tấm sắt để ra vào nhà  Ảnh: TỰ TRUNG
Nhà cao hơn vỉa hè đường Phạm Văn Đồng (phường 1, quận Gò Vấp) gần 1m nên người dân phải xây bậc và lắp thêm những tấm sắt để ra vào nhà - Ảnh: TỰ TRUNG

Việc xác định cốt nền cấp giấy phép xây dựng ở các quận huyện từ trước tới nay chung chung, “đánh đố” người dân. Hầu hết quận huyện xác định cốt nền xây dựng để cấp phép xây dựng cho người dân theo cốt nền... đường hiện hữu.

Trong khi nhiều đường ở TP.HCM hiện nay chưa được xây dựng theo cốt nền chuẩn quốc gia, người dân tự áng chừng cốt nền, dẫn đến tình trạng nhà vừa xây nước đã tràn vào gây ngập, nhà xây cao hơn đường cả mét; nhà lỡ xây nền thấp trở thành hầm khi đường được nâng lên, như đã xảy ra ở các đường Kinh Dương Vương (quận Bình Tân), Phạm Thế Hiển (quận 8)...

Các cơ quan quản lý nhà nước về xây dựng cũng “kêu khó” khi “phủ kín” hệ thống mốc cốt nền chuẩn cho toàn TP.

Một chuyên viên phòng quản lý đô thị cho biết theo quy định, việc xác định cốt nền xây dựng để cấp phép xây dựng phải căn cứ vào cốt nền quy hoạch theo cao độ chuẩn từ các cột mốc cao độ quốc gia. Tuy nhiên, muốn sử dụng được cốt nền quy hoạch phải đo đạc “kéo” dẫn cao độ từ cột mốc cao độ quốc gia về các khu vực nhà dân, tốn nhiều chi phí, rất khó thực hiện.

Mặt khác, hiện nay có những đường, cốt nền quy hoạch cao hoặc thấp hơn cốt nền hiện hữu, thời gian thực hiện dự án nâng, hạ đường chưa xác định nên không thể buộc người dân xây dựng theo cốt nền quy hoạch. Do vậy, hầu hết quận huyện vẫn dựa vào cốt nền vỉa hè, mặt đường hiện hữu để cấp phép xây dựng cho người dân.

Ông Võ Tấn Nguyên Khôi - phó Phòng quản lý đô thị quận Phú Nhuận - cho biết hiện nay việc xác định cốt nền xây dựng cho người dân chủ yếu căn cứ vào cốt nền đường hiện hữu. Cụ thể, trong giấy phép xây dựng do UBND quận Phú Nhuận cấp cho người dân thường ghi cốt nền xây dựng 0,15-0,2m so với cốt nền đường hiện hữu.

Phải chấm dứt cảnh mông lung, áng chừng

Theo GS.TS Nguyễn Trọng Hòa - nguyên viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM, lâu nay công tác quản lý làm đường không nhất quán.

Ở một số đường, chủ đầu tư không tính toán cốt nền, quá trình thi công tự ý nâng cao đường lên so với nhà dân. Tình trạng này kéo dài khiến người dân có tâm lý lo sợ, để “chắc ăn” cứ làm nền nhà cao lên so với mặt đường.

Một lý do nữa là việc thi công thoát nước không đúng khiến cống tắc, nước tràn lên, người dân sợ ngập nên xây nền nhà cao hơn cốt nền quy hoạch. Do vậy muốn người dân làm đúng cốt nền quy hoạch, theo ông Hòa, cần phải kiểm soát lại toàn bộ từ hệ thống cột mốc cao độ, hệ thống cấp thoát nước...

PGS.TS Nguyễn Văn Hiệp - nguyên phó giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM - nói về nguyên tắc Nhà nước phải thiết lập hệ thống các mốc cao độ chuẩn kiên cố, vĩnh cửu. Tuy nhiên hiện nay ở TP.HCM, các mốc cao độ chuẩn số lượng rất ít, nằm rải rác, nếu dẫn về để xác định cốt nền xây dựng “phủ kín” các khu vực dân cư sẽ rất tốn kém, tốn nhiều thời gian.

Do vậy, để “gỡ” cho người dân, mỗi địa phương, tuyến đường nên xác định có 1-2 vị trí mốc cố định. Trước mắt có thể làm theo cách “dã chiến” dẫn cao độ từ mốc cao độ chuẩn về đóng mốc tại các điểm cột điện trên các tuyến đường, gần khu vực nhà dân để tiết kiệm chi phí.

Các ban quản lý dự án khi thực hiện dự án cũng phải công bố cụ thể cao độ nền đường tương lai để người dân có số liệu chuẩn xác định cốt nền xây dựng.

“Lâu nay các quận huyện cứ áng chừng chung chung cốt nền cấp giấy phép xây dựng dựa theo cốt nền đường, vỉa hè hiện hữu, thế nhưng mặt đường, vỉa hè cứ nâng lên hoài, người dân rất khó để xác định cốt nền phòng ngừa ngập tương lai. Do vậy những mốc cao độ chuẩn đưa ra cần ổn định từ 10-20 năm, tránh trường hợp thay đổi như hiện nay sẽ rất khó cho người dân” - ông Hiệp nói.

Cốt nền không còn chính xác

Ở TP.HCM hiện nay có khoảng 8.000 cốt nền chuẩn quốc gia hạng IV. Ông Văn Hùng Tiến, trưởng Phòng đo đạc bản đồ và viễn thám thuộc Sở Tài nguyên - môi trường (TN-MT) TP.HCM, cho biết TP.HCM có hệ thống cốt nền do Cục Đo đạc bản đồ nhà nước thực hiện, với cao độ được dẫn từ mốc Hòn Dấu (Hải Phòng) từ sau năm 1975.

Trong quá trình đô thị hóa, việc thi công các công trình xây dựng, khai thác nước ngầm đã làm nhiều mốc cốt nền bị phá hủy hoặc sụt lún, khiến giá trị cao độ của cốt nền không còn chính xác.

Trong năm 2016, Cục Đo đạc bản đồ Việt Nam (Bộ TN-MT) đã bàn giao cho TP.HCM số liệu đo đạc, kiểm tra trên 32 cốt nền chuẩn quốc gia hạng II (hạng I có độ chính xác cao nhất) đo trong năm 2014 và 2015 để sử dụng trong các công tác chống ngập, xây dựng công trình.

Từ những mốc hạng II đó, trong năm 2017 Sở TN-MT TP.HCM sẽ đo đạc để tăng dày số lượng mốc (khoảng 2.000 mốc) rải đều trên các quận huyện để cung cấp cao độ chuẩn cho việc thiết kế, thi công các công trình xây dựng, giao thông, cấp thoát nước...

Theo kết quả đo kiểm tra của Cục Đo đạc bản đồ Việt Nam nêu trên, một số vùng của TP.HCM đã bị lún 0,01-0,4m. Do vậy, ông Tiến khuyến cáo trong quá trình Sở TN-MT đang kiểm tra, đo đạc lại cốt nền, chủ đầu tư các dự án nên lấy số liệu cao độ tại 32 cốt nền vừa được Bộ TN-MT bàn giao.

“Chủ đầu tư có thể liên hệ để được cung cấp số liệu độ cao tại chi nhánh phía Nam Trung tâm thông tin lưu trữ thuộc Bộ TN-MT” - ông Tiến nói.

Cục trưởng Cục Quản lý hoạt động xây dựng (Bộ Xây dựng) Bùi Trung Dung:

Phải bồi thường nếu cấp phép cao độ sai gây thiệt hại cho dân

Trong quy hoạch 1/500 hoặc phê duyệt bản vẽ quy hoạch tổng mặt bằng đều quy định có cao độ. Cao độ được áp dụng với công trình (thường là cấp 3 trở lên) có gia cố nền móng và quản lý được độ lún tối đa (8cm).

Theo tôi, cần chấn chỉnh cao độ cấp phép theo cao độ vỉa hè, theo đó phải lấy cao độ quy định tạo bản vẽ quy hoạch là căn cứ cấp phép. Nếu địa phương cấp cao độ sai hoặc không rõ thì cơ quan cấp phép phải bồi thường. 

Hiện nay giám sát về cao độ nền công trình mới căn cứ vào vỉa hè là chưa ổn. Người dân cần bỏ chi phí dẫn cao độ chuẩn về để làm. Nếu vỉa hè có thấp quá thì phải chịu... lùi một vài bậc.

Hoặc chính quyền xem xét vỉa hè đủ rộng thì cho phép khu vực đó được tạm nhô một vài bậc tam cấp cho đến khi chính quyền cải tạo vỉa hè. 

LÂM HOÀI ghi

 

TIẾN LONG ([email protected])
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp