Phóng to |
.................................................
Luật phòng chống tham nhũng và Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có hiệu lực gần chín tháng, thời gian tuy ngắn nhưng “Chính phủ, các cấp ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo có hiệu quả, được dư luận nhân dân đồng tình”. Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Trần Văn Kiệt (Vĩnh Long) dẫn nhận xét của cử tri khi QH giám sát việc thực hiện hai đạo luật này hôm qua 29-3.
Đại biểu (ĐB) Hà Đức Lệnh (Bắc Kạn) thắc mắc qua thanh tra, kiểm tra “phát hiện sai phạm nhiều nhưng xử lý thu hồi không được bao nhiêu”. Cụ thể qua 12.603 cuộc thanh tra, kiểm tra đã phát hiện sai phạm hơn 4.822 tỉ đồng và trên 11.346ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi hơn 3.386 tỉ đồng và hơn 9.933ha đất. Tuy nhiên, báo cáo của Chính phủ cho biết đến nay mới thu hồi được trên 283 tỉ đồng và 183ha đất, “chưa được 8% số tiền kiến nghị thu hồi” - ĐB Lệnh nói.
ĐB Trần Đình Long (Đắc Nông) đặt vấn đề chỉ khoảng 4,5% số cán bộ có dấu hiệu tham nhũng bị xử lý hành chính và chỉ 198 người bị xử lý hình sự, như vậy “có phản ánh đúng thực tế tham nhũng và đúng pháp luật?”. ĐB Trần Huy Hanh (Vĩnh Phúc) cũng nhấn mạnh: “việc điều tra rất cần thận trọng, nhưng diễn tiến quá chậm..., nhiều vụ thoạt đầu rất to nhưng sau cứ teo tóp dần, người đáng xử lý thì không xử lý...”.
ĐB Trần Đình Long phát hiện: Chính phủ báo cáo trong số các nguyên nhân có chuyện một số cấp ủy, chính quyền địa phương không coi trọng đúng mức việc ban hành kế hoạch phòng chống tham nhũng. Theo ông, “không phải là coi trọng hay không coi trọng, mà là có dám làm hay không dám”.
Đồng tình ngay, ĐB Nguyễn Đình Lộc lên tiếng: “Tại sao một việc lớn như vậy lại chưa coi trọng, tôi có cảm giác các cơ quan đang bắt buộc phải làm...”. Ông phân tích: Ở góc độ người dân, động lực để chống tham nhũng rất rõ; nhưng từ phía chính quyền, động lực ở đâu? Người ta “tránh né được bao lâu thì tránh, trì hoãn được bao lâu thì trì hoãn...”, ĐB Lộc nhận xét và đề nghị phải sớm tạo ra “động lực” bằng chế độ, chính sách, đi kèm các chế tài đủ mạnh...
“Ở địa phương có các cơ quan chuyên môn, không ai có thể làm thay được” - ĐB Hà Đức Lệnh nói khi thảo luận đề xuất của Chính phủ về lập các ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tham nhũng cấp tỉnh do chủ tịch UBND đứng đầu. Mặt khác, Luật phòng chống tham nhũng không qui định về BCĐ này, nên “Ủy ban Thường vụ QH phải chấp hành pháp luật, trước hết báo cáo đề nghị QH cho sửa Luật phòng chống tham nhũng đã” - ông Lệnh lưu ý.
Theo chương trình, hôm nay 30-3, QH tiếp tục thảo luận tại hội trường về thực hiện Luật phòng chống tham nhũng, Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; nghe Ủy ban Trung ương MTTQ VN báo cáo tổng hợp ý kiến cử tri, nghe báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị cử tri và trả lời chất vấn.
........................................
Phóng to |
Đúng là có những việc vượt ngoài khả năng của mình, thậm chí có việc trong khả năng nhưng không thể làm khác nữa được thì cũng phải chấp nhận, vì không thể một mình giải quyết được. Tôi sẽ suy nghĩ và tự thấy khi nào đó không hoàn thành nhiệm vụ hoặc dân hết tín nhiệm thì mình sẽ thôi, sẽ từ chức. |
* Thưa ông, phòng chống tham nhũng đang được Nhà nước tập trung với thái độ hết sức kiên quyết, nhưng thực tế chuyện “chạy án” vẫn cứ diễn ra. Ông nghĩ sao về chuyện này?
- Chuyện này tôi từng nói: bất cứ cuộc thanh tra nào, bất cứ vụ giải quyết án nào cũng đều có “chạy”. Chạy trực tiếp, chạy gián tiếp, chạy nhiều, chạy ít tùy mỗi việc. Nhưng vấn đề ở chỗ đạo đức nghề nghiệp, qui chế đơn vị đã cấm, luật pháp đã cấm thì bản thân cán bộ chúng tôi phải nêu gương. Với anh em dưới quyền, chúng tôi phải có cơ chế giám sát, nhất là những người đứng đầu như vụ trưởng, trưởng đoàn thanh tra chúng tôi cũng giao trách nhiệm cho họ. Nếu không hoàn thành, chúng tôi phải xem xét trách nhiệm.
Các bạn cũng biết quan hệ xã hội là rất phức tạp, mình mong muốn sao cho tốt nhưng cuộc sống không theo ý mình. Ví dụ một số cán bộ thanh tra vừa qua vi phạm, lãnh đạo có muốn đâu, nhưng do lơi lỏng của mình trong quản lý nên anh em họ vi phạm. Nhưng theo tôi, cái chính là do phẩm chất đạo đức, họ không tự giữ mình.
* Có thực tế là đối tượng không chạy đường chính mà đi đường vòng như thông qua vợ, qua con...?
- Đúng là như thế, bây giờ họ chạy bằng nhiều con đường. Nếu chạy trực tiếp như hôm rồi có một số trường hợp tôi đã xử lý, tôi đã báo cáo Thủ tướng ngay và tôi đề nghị các cơ quan chức năng phải truy xét trách nhiệm của họ.
Tuy vậy, cũng có anh em nói biết đâu ngoài bản thân thì còn vợ, còn con. Cho nên mình phải có trách nhiệm hướng dẫn, khuyên bảo vợ con luôn cảnh giác, cẩn thận trong quan hệ và mình phải luôn để tâm tới.
* Thưa ông, nhiều người nói rằng khi còn cơ chế xin - cho, khi thủ tục hành chính rườm rà, nhiều kẽ hở thì việc phòng chống tham nhũng chưa thể có hiệu quả?
- Đương nhiên rồi, cho nên mục tiêu của Chính phủ là công khai, minh bạch và phải sửa cơ chế. Nhưng việc sửa này không phải trong ngày một ngày hai, và trong khi hệ thống pháp luật của mình sửa chỗ này vênh chỗ kia thì quá trình hoàn thiện còn rất dài và khó khăn.
Nhưng về tinh thần thì Chính phủ rất quyết tâm. Chính phủ đã liên tục ra những chủ trương để công khai, minh bạch, giảm xin - cho. Cải cách hành chính đó là chuyện đột phá trong năm nay.
* Có thông tin rằng khi Thanh tra Chính phủ đi thanh tra địa phương nào đó thì được đón tiếp rất nồng hậu?
- Tôi nghĩ có thể có từ trước, nhưng từ khi tôi về thanh tra thì chưa thấy vụ nào như thế. Trong qui định, nhất là trong qui chế do tôi đề ra, tôi cấm tiệt chuyện đó. Nếu nơi nào phát hiện thanh tra đến địa phương được tiếp đón trọng thể, ăn nhờ vào đối tượng thanh tra thì tôi sẽ kỷ luật. Thứ hai, qui tắc đạo đức nghề nghiệp mới ban hành cũng cấm rõ những điều như thế.
* Thanh tra phát hiện giá trị tài sản sai phạm rất lớn nhưng việc thu hồi về cho Nhà nước thì chẳng được bao nhiêu?
- Thanh tra xác định sai phạm từ nhiều nguồn. Thứ nhất do thiếu trách nhiệm, thứ hai là cố ý làm trái, tiếp đến là do tư lợi, vụ lợi, tham ô..., có khoảng hơn chục nguồn dẫn đến sai phạm. Nhưng riêng phần kiến nghị thì thanh tra phải kiến nghị những cái có khả năng cũng như còn điều kiện thu hồi. Do vậy, số lượng kiến nghị luôn luôn thấp hơn số lượng thất thoát.
Thứ hai, với số thu hồi được lại lệ thuộc vào trách nhiệm những người thực hiện kiến nghị này. Tất nhiên, việc này nếu được kiểm soát đầy đủ thì các cơ quan chức năng có thể đôn đốc, có thể buộc họ thi hành. Tuy nhiên, nói chung việc chế tài để buộc thi hành, cụ thể hơn nếu không thi hành xử lý như thế nào thì chưa rõ.
* Vậy phải làm sao, thưa ông?
- Tới đây, khi xây dựng Luật thanh tra chúng tôi sẽ kiến nghị trong trường hợp nhất định với thời hạn nhất định mà không thu hồi thì chuyển sang xem xét trách nhiệm bằng pháp luật, trách nhiệm hình sự. Đồng thời phải xác định lại cho rõ cơ chế trách nhiệm, có kiến nghị thì phải có người thực hiện, nếu không thực hiện phải có biện pháp xử lý.
* Thưa ông, trong những trường hợp thanh tra kết luận rồi nhưng Thủ tướng Chính phủ không đồng ý với kết luận đó thì xử lý như thế nào?
- Những trường hợp do tôi thanh tra, tôi kết luận thì tôi phải chịu trách nhiệm mà không phải chờ Thủ tướng. Nhưng có những trường hợp do Thủ tướng chỉ đạo thì Thủ tướng kết luận và tôi phải nghe vì Thủ tướng là cấp trên của mình. Tuy nhiên, về luật pháp và trách nhiệm, cho phép tôi kiến nghị, đề nghị xem xét lại một cách thấu đáo trong trường hợp thấy vụ việc đó kết luận có thể chưa thật xác đáng. Thực tế đã có những vụ việc mà Thủ tướng đã kết luận rồi nhưng thấy có vấn đề chưa ổn chúng tôi cũng báo cáo Thủ tướng và Thủ tướng cũng đồng tình xem xét lại, trong đó không ít vụ đã có điều chỉnh.
* Được biết trong vụ thanh tra tại VN Airlines và Ngân hàng Nhà nước, hai đơn vị này cũng đã có những giải trình, xin ông cho biết có giải trình nào hợp lý?
- Việc đó phải chờ Thủ tướng kết luận. Tôi không giấu, nhưng Thủ tướng sẽ có kết luận và sẽ công bố, trong đó VN Airlines thì một hai hôm nữa sẽ ký kết luận thanh tra. Còn giải trình thế nào là việc của người ta.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận