23/05/2020 06:21 GMT+7

'Khó thở' giữa bêtông phố thị

TRẦN VĂN TƯỜNG
TRẦN VĂN TƯỜNG

TTO - Diện tích cây xanh ở TP.HCM thời gian qua đã phát triển không tương xứng với tốc độ tăng dân số và đang bị thu hẹp dần. Con người đang "khó thở" hơn giữa những hình thù kiến trúc bức bối.

Khó thở giữa bêtông phố thị - Ảnh 1.

Khu vườn cô Hà (Q.2, TP.HCM) vừa tạo mảng xanh không gian sống, vừa là nơi sinh viên học nông nghiệp làm điểm đến để học tập, sinh hoạt - Ảnh: MINH ANH

Sự bất ổn về môi trường sống ngày càng hiện rõ và nhanh, việc phát triển cây xanh đang là chuyện thiết yếu với chất lượng sống của người dân thành phố, quan trọng như cơm ăn nước uống hằng ngày.

Ai cũng hiểu lợi ích của cây xanh. Nhưng chúng ta đang thiếu quyết tâm gìn giữ giá trị mảng xanh thành phố và chưa cùng nhau trồng cây vì lợi ích trước mắt của chính mình.

Khát khao bóng mát

TP.HCM, ngày nắng gắt, nhiệt độ lắm khi lên hơn 400C. Bầu không khí từng xuất hiện các màn sương ô nhiễm. Giờ đi ra đường ai cũng ước được đi trên những đoạn đường rợp bóng cây cổ thụ để được hưởng không khí trong lành hơn như đường Hùng Vương, Ngô Gia Tự, Phạm Ngọc Thạch... Con người có thể nhịn ăn, nhịn uống nhưng không thể nhịn thở. Và thiếu khí sạch trong đang từng ngày gây hại lá phổi con người.

Đến Singapore, lúc máy bay đang hạ cánh, tôi quan sát thấy đất nước này phủ sắc màu xanh tươi, lòng thầm thán phục và ước ao về chất lượng cuộc sống, trước tiên với cây xanh và không khí trong lành. Ở quốc đảo, đất cằn nhưng con người quyết tâm trồng và gìn giữ cây xanh như giữ sức khỏe chính mình.

Nếu so với Singapore nhìn từ trên cao, TP.HCM cũng có nhiều nét tương đồng, những tòa nhà cao tầng và các con đường tấp nập phương tiện giao thông. Khác nhau ở chỗ, giữa những khối bêtông thô cứng đủ loại ấy, màu xanh trong tầm mắt quá khác biệt nhau. Singapore là hòn đảo nhỏ, mật độ dân số cao, tỉ lệ đô thị hóa gần 100% nhưng cảnh quan luôn xanh tươi. TP.HCM nếu không có vùng ven chưa đô thị hóa, có lẽ chỉ là các hình thù kiến trúc bức bối.

Có những hàng cây cổ thụ bị đốn hạ nhường chỗ cho công trình giao thông, những hàng cây trồng mới liệu có kịp thay thế mảng xanh đã mất? Nhiều tuyến đường lớn có cây xanh nhưng còn thấp, còi cọc, khó có thể đủ khả năng lọc không khí ô nhiễm nặng.

Mảng xanh nhiều công viên đang bị cắt xén, nhường chỗ cho thuê mặt bằng, buôn bán. Bao dự án bất động sản, nhà ở mọc lên nhưng mảng cây xanh còn trên giấy hoặc chậm triển khai. Nhiều khi chủ dự án xin điều chỉnh giảm mảng xanh để tăng diện tích xây dựng hoặc phân lô bán nền vẫn được cho phép. Cơ quan chức năng chưa có chế tài đúng mức và bỏ qua với các trường hợp vi phạm không phát triển mảng xanh.

Ai cũng có thể trồng cây

Giải pháp có thể là gì? Cần rà soát mảng xanh trên các tuyến đường. Vỉa hè ngoài phạm vi dành cho người đi bộ có thể khoét các rãnh trồng cây, hoa cảnh vừa tạo cảnh quan vừa giúp thấm nước tự nhiên. Khuyến khích người dân trồng cây trong khuôn viên của mình. Nếu nhà không có đất thì trồng dây leo, loại cây nào ít chiếm diện tích. 

Chính quyền có thể mời các nhà quản lý, người có chuyên môn đang làm việc liên quan mảng xanh đến địa phương đóng góp chia sẻ, hướng dẫn người dân nên trồng loại cây gì và cách thức chăm sóc sao cho phát triển tươi tốt để ai cũng có thể trồng cây.

Chính quyền nên quy hoạch mảng xanh phù hợp phát triển dân số, quy định cụ thể và kiểm soát nghiêm yêu cầu phát triển mảng xanh trong các công trình xây dựng, công trình nào cũng phải tuân thủ. Trong cấp phép xây dựng nhà ở, xem đáp ứng nhu cầu mảng xanh là điều kiện bắt buộc. Như nhà ở cần có mảng xanh trên sân thượng hoặc mái hiên, bờ tường ngoài trời... Tùy điều kiện, mỗi nhà, mỗi khu dân cư đều có thể góp phần phủ thêm sắc xanh cho thành phố.

Cây trồng đường phố cần chăm sóc và bảo vệ đúng mức, quyết giữ mảng xanh hiện hữu, nhất là loại cây cổ thụ lâu năm. Những nơi còn đất trống ưu tiên phát triển mảng xanh, làm thêm vườn hoa, mảng xanh trong khu dân cư. Nghĩa trang Bình Hưng Hòa (Q.Bình Tân), bến xe Miền Đông (Q.Bình Thạnh) sau khi di dời có thể là nơi phát triển mảng xanh phục vụ cộng đồng. Đặc biệt, dải đất dọc hai bên bờ sông Sài Gòn khá lý tưởng để phát triển mảng xanh.

Sân chơi cùng cây xanh trong gia đình và khu dân cư nuôi dưỡng ước mơ bảo vệ môi trường cho trẻ, đó là nơi trẻ được giải trí, vận động lành mạnh thay vì bị bó hẹp tầm nhìn trong bốn bức tường. Khi người người cùng trồng cây, lá phổi của mình sẽ tốt hơn. Đây không phải là điều xa vời, cũng không phải ai bắt buộc ai.

Theo thống kê, TP.HCM có khoảng 102.000 cây xanh có số. Singapore có diện tích hơn 1/3 diện tích TP.HCM nhưng có hơn 2 triệu cây xanh. Theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng TP.HCM đến năm 2025, chỉ tiêu quy hoạch đất cây xanh khoảng 6,3m2/người. Nhưng tính đến tháng 8-2019, chỉ tiêu cây xanh công cộng tại thành phố chỉ đạt mức bình quân 1,6m2/người (bằng 1/10 so với tiêu chuẩn).

Khu đất công trường Lam Sơn sẽ thành công viên cây xanh Khu đất công trường Lam Sơn sẽ thành công viên cây xanh

TTO - Sau 8 năm được một số nhà đầu tư đề xuất, lập dự án xây dựng bãi đậu xe ngầm và nhà đậu xe thông minh cao tầng, khu đất phía sau Nhà hát TP.HCM được xác định để làm công viên cây xanh.

TRẦN VĂN TƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp