Có phải vì thế mà suốt buổi xem phim, từ phút đầu tới phút cuối (tất nhiên có trừ ra những phút... bi), đạo diễn cười suốt! Đám khán giả trẻ thỉnh thoảng cũng cười, mà chủ yếu cười hiệu ứng từ tiếng cười hồn nhiên của đạo diễn. Hết buổi chiếu, hai nhà báo gần như bị... ngọng. Ấp úng vài lời lịch sự lấy lệ rồi kiếm cớ để chuồn nhanh... Bởi vì phim dở!
Và nhớ lại một ngày áp tết không xa, đó là suất chiếu đầu tiên của ngày công chiếu chính thức Vũ điệu đường cong. Mua một chiếc vé lẻ loi vào rạp với đôi tình nhân tuổi teen. Thời gian chưa khi nào dài như hơn 90 phút ấy. Ừ thì vẫn biết phim tết vốn chuộng nhẹ nhàng, vui nhanh là chính. Nhưng nhẹ nhàng cũng chả phải vì toàn thông điệp đao to búa lớn, cũ kỹ như không thể cũ hơn. Vui thì rõ là không vui rồi, lại kém duyên. Tất nhiên phim không đủ lãng mạn để kéo đôi tình nhân rời khỏi những câu chuyện rúc rích của họ, chỉ có người xem duy nhất hôm ấy là khổ tâm. Bởi vì phim dở!
Ấy là chuyện năm nay, nhưng trước đây và nhiều năm trước nữa phim dở vẫn tràn lan. Điểm mặt một số cái tên đã thấy nỗi khổ tâm của khán giả Việt... vĩ đại cỡ nào. Nào là Em hiền như ma sơ (được coi là thảm họa điện ảnh Việt với bình luận: Nội dung hời hợt, diễn xuất đáng thất vọng, những pha chọc cười thất bại, những pha “khoe” kỹ xảo nực cười), Thiên sứ 99, rồi thì Cảm hứng hoàn hảo, Hoán đổi thân xác... Đếm sơ đã thấy... những cơn ác mộng hiện về.
2. Đem nỗi khổ tâm ấy đi hỏi một vài đạo diễn, rằng anh/chị có trạng thái gì mỗi khi xem phim dở, đạo diễn Phan Đăng Di - người không ít lần bị bắt gặp bỏ ra khỏi rạp hút thuốc khi đi xem phim - dềnh dang: “Nói chung làm phim là một hành động rủi ro lên đến 90%, không chỉ là tài chính mà còn búa rìu dư luận, nên dám làm đã là đáng phục rồi. Dám làm và làm xong được một bộ phim dở thì càng đáng phục hơn nữa vì thần kinh phải bằng thép mới làm được thế. Đó là lý do của sự khâm phục, nhưng thần kinh tôi không phải bằng thép nên đôi khi không giấu được cảm xúc như chị thấy”. Còn đạo diễn Phan Gia Nhật Linh bảo dưới góc độ là nhà làm phim, anh khoái coi phim dở bởi vì: “Nói chung xem phim dở... cũng hay, vì mình biết vì sao nó dở, mình học từ đó. Nhiều khi phim dở quá cũng làm mình buồn cười, có chuyện để tán dóc với bạn bè, như là kể chuyện cười!”.
Charlie Nguyễn - người làm phim như đánh bạc bởi khi dở khi hay - chia sẻ: “Xem phim dở sợ nhất xem ở rạp, vì khi đó phải ráng xem cho hết. Nên xem ở nhà là sướng nhất. Phim dở quá thì tắt đi là xong. Trường hợp thứ nhất, sẽ tự an ủi mình bằng cách tìm những chỗ hay của nó để đỡ tiếc thời gian xem. Rồi có hứng thì suy nghĩ tại sao dở, biết vậy để không phạm phải sau này!”.
À, ra thế. Họ là người trong nghề nên biết cách hóa giải phim dở, dù không phải ai cũng vậy. Xem một phim dở không khác lắm với việc mua một món ăn mà ăn không được. Nỗi khổ tâm ở hai trạng thái này là như nhau. Vừa tiếc tiền, tiếc công, vừa tiếc thời gian và vừa sợ bị... ngộ độc.
3. Xem phim dở xong, bạn muốn gì? Không dễ để bạn “vồ” được đạo diễn như một cặp khán giả ở Mỹ sau khi xem xong Larry Crowne đã vô tình gặp được Tom Hanks để phàn nàn và được Tom bồi thường 25 USD. Đạo diễn Nguyễn Đức Minh - người mới làm một cú Chạm vào khán giả Việt - phẫn nộ: “Khi coi phim dở thì chán lắm, muốn ngủ, muốn xé màn ảnh luôn. Nhưng phải coi. Có điều khi coi phim dở xong mà tôi không lấy lại được tiền vé thì tức lắm. Tôi ước gì có luật là xem phim xong mà khán giả chê thì chủ rạp sẽ trả lại tiền vé! Nếu tôi làm chủ rạp sẽ có luật đó, nhưng nếu thế chắc sẽ sập tiệm luôn vì đa số phim là dở mà!”.
Có bao nhiêu khán giả ước gặp được Tom và chung suy nghĩ với Nguyễn Đức Minh? Chắc không là thiểu số!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận