13/07/2016 09:07 GMT+7

Khó nhưng không phải không thu hút được du học sinh trở về

T.HÀ ghi
T.HÀ ghi

TTO - Sau bài viết “Khó thu hút du học sinh bằng môi trường nhân tạo”, đã có thêm nhiều ý kiến của các chuyên gia về vấn đề trên.

GS.TSKH Trần Văn Nhung - Ảnh: T.H.
GS.TSKH Trần Văn Nhung - Ảnh: T.H.
“Từ cơ chế đặc biệt, từ một vài mô hình cụ thể để nhân lên, ta có thể từng bước biến thành cơ chế chung, mở rộng phạm vi áp dụng để có thể thu hút du học sinh trở về .

Xin được giới thiệu ý kiến của GS.TSKH Trần Văn Nhung, tổng thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước, nguyên thứ trưởng Bộ GD-ĐT:

Việc hạn chế chảy máu chất xám và làm sao để thu hút được lưu học sinh trở về hoặc cống hiến cho đất nước là vấn đề rất khó đối với các nước nghèo, các nước đang phát triển, không chỉ riêng đối với Việt Nam. Để giải quyết vấn đề này, mỗi quốc gia đều phải có những chính sách thu hút phù hợp với điều kiện của mình, nhất là trong thời đại toàn cầu hóa ngày nay.

Nhưng có thể nhận thấy một điểm chung trong chính sách thu hút lưu học sinh trở về, cống hiến cho đất nước của các quốc gia đang phát triển, từ nước lớn như Trung Quốc, Ấn Độ hay các nước châu Á, Mỹ Latin, là đều có sự ưu đãi đi kèm với một cơ chế cởi mở, thông thoáng. Ví dụ như ở Trung Quốc, từ năm 1978, sau khi đi thăm Mỹ về, Đặng Tiểu Bình đã chủ trương chính sách đối với lưu học sinh Trung Quốc là “Khuyến khích du học, động viên về nước, đi về tự do”.

Đối với Việt Nam, hiện nay đối tượng du học sinh đã có nhiều thay đổi. Đến 90% là đi du học tự túc. Đi học tập ở nước ngoài bằng nguồn tài chính của cá nhân và gia đình, nên tất nhiên họ cũng không phải chịu sự ràng buộc. Đi học nước ngoài bằng ngân sách nhà nước thì rõ ràng bắt buộc phải có nghĩa vụ đóng góp phục vụ đất nước. Nhưng việc các du học sinh có mong muốn trở về làm việc hay cống hiến cho đất nước chủ yếu phụ thuộc vào môi trường làm việc trong nước và những chính sách thu hút, khuyến khích.

Theo quan điểm của tôi, ta không nên quan niệm cứng nhắc học xong dứt khoát phải về nước làm việc mới là thu hút thành công du học sinh. Ngay cả đối với những lưu học sinh đã đi du học bằng ngân sách nhà nước, cũng không nên quá cứng nhắc buộc 100% hết hạn phải về nước ngay. Nếu có cơ hội tốt để tiếp tục học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ khoa học sau này về phục vụ đất nước thì cũng nên ủng hộ và tạo điều kiện.

Muốn lưu học sinh, nhất là những nhà khoa học, chuyên gia giỏi có thể phục vụ đất nước thì phải tạo được môi trường làm việc trong nước để họ phát huy được năng lực. Điều này chúng ta đã nói từ rất lâu nhưng vẫn chưa làm được bao nhiêu. Với các nhà khoa học, những chuyên gia giỏi, đãi ngộ vật chất không phải là điều kiện được họ đặt lên hàng đầu khi lựa chọn. Họ cần nhất là môi trường làm việc, đồng nghiệp, phương tiện nghiên cứu, phòng thí nghiệm... và không thể thiếu được sự tôn trọng, tôn vinh.

Khó nhưng không phải chúng ta không làm được. Viện Nghiên cứu cao cấp về toán đã ra đời mấy năm nay, và hoạt động rất hiệu quả khi Chính phủ dành cho viện một cơ chế đặc biệt. Tôi được biết là Bộ Khoa học - công nghệ cũng đang đề xuất một cơ chế đặc biệt cho Viện Nghiên cứu cao cấp về khoa học - công nghệ Việt Nam - Hàn Quốc. Đó là những minh chứng cho việc chúng ta có thể tạo ra những cơ chế đặc biệt để thu hút.

T.HÀ ghi
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp