09/01/2014 01:49 GMT+7

Khó như tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria

ANH THƯ
ANH THƯ

TT - 500 tấn hóa chất độc hại trong các kho vũ khí hóa học tại Syria sẽ được tiêu hủy trên biển. Đó là một nhiệm vụ gian nan và đầy nguy hiểm.

5clM0pUs.jpgPhóng to
Tàu hậu cần Cape Ray Ảnh: U.S. Department of Transportation Maritime Administration

Lô hàng chứa hóa chất độc hại đầu tiên đã rời cảng Latakia (Syria) ngày 7-1 trên một con tàu của Đan Mạch và đến vùng biển quốc tế. Theo AFP, an ninh hàng hải của con tàu này do phía Nga, Trung Quốc, Đan Mạch, Phần Lan và Na Uy đảm trách. BBC dẫn nguồn tin cho biết đây là lô hàng khoảng 20 tấn mù tạt sulphur gây phồng rộp được chính quyền Syria đóng gói và vận chuyển từ 12 địa điểm trên khắp đất nước đến cảng Latakia.

Lẽ ra việc vận chuyển này diễn ra từ ngày 31-12-2013, nhưng do những giao tranh ác liệt ở Syria nên hoạt động bị hoãn đến hiện nay. Theo kế hoạch, các lô hóa chất sẽ lần lượt đến một địa điểm bí mật tại Ý trước khi lên boong tàu Cape Ray của Mỹ.

Gian nan trên biển

Tàu Cape Ray là tàu hậu cần giúp chuyển trang thiết bị quân đội đến khu vực giao tranh khi cần thiết (từng đến Iraq) cũng như tham gia công tác cứu hộ các thảm họa tự nhiên như động đất Haiti, bão Katrina, Rita và Sandy ở Mỹ. Lần này con tàu dài 198m, có năm sàn tàu cùng thủy thủ đoàn 35 người sẽ chào đón thêm 64 kỹ thuật viên mà theo Hãng tin ABC, “một số ít” trong nhóm này có nhiệm vụ xử lý hóa chất và vận hành máy móc để tiêu hủy chúng cùng một số người “không rõ số lượng” là nhân viên quân sự Mỹ.

Hiện Cape Ray đang ở cảng Portsmouth, bang Virginia để các nhóm kỹ sư biến con tàu hậu cần này thành một nhà máy nổi chuyên xử lý vũ khí hóa học và hóa chất chết người chứa đựng trong các vũ khí này. Trên tàu sẽ được lắp đặt hai hệ thống thủy phân triển khai tại chỗ (FDHS).

Mỗi FDHS trị giá 5 triệu USD với kích thước chuẩn của một container là 6m x 2,5m x 2,5m được đặt trong khoang chính của tàu Cape Ray. Mỹ từng tiêu hủy vũ khí hóa học của nước này với một tiến trình tương tự trong nhiều thập kỷ qua, nhưng chưa bao giờ tiến trình này lại nằm bên trong một không gian nhỏ như vậy và vũ khí hóa học cũng chưa từng được tiêu hủy trên biển.

Lầu Năm Góc thừa nhận FDHS, hoàn thiện hồi tháng 2-2013, nhằm mục đích hủy vũ khí hóa học ngay tại Syria. “Lắp đặt những hệ thống này trên một con tàu chưa từng được đề cập bao giờ” - Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Frank Kendall thừa nhận.

Ông Paul Walker của Tổ chức Chữ Thập Xanh cảnh báo việc chứa hàng trăm hóa chất độc hại chờ FDHS xử lý trên tàu Cape Ray suốt 90 ngày nhiệm vụ là một thử thách không nhỏ do chúng vẫn là hóa chất độc hại, dù không còn là chất độc thần kinh và một khi các chất này rò rỉ ra đại dương sẽ tạo nên một mớ hỗn độn cần phải dọn dẹp sạch.

Ngay cả khi tiêu hủy xong số chất hóa học thì người ta vẫn chưa có kế hoạch tái xử lý 1,5 triệu gallon chất thải nguy hại từ nhiệm vụ này.

Thách thức trên bộ

Theo ABC, phần khó khăn nhất của kế hoạch là vận chuyển hỗn hợp khí mù tạt ở thể lỏng và tiền chất của khí sarin qua các vùng chiến sự để đến cảng Latakia và rời khỏi Syria trên các con tàu vận tải, tàu khu trục nhỏ của Na Uy và Đan Mạch trung chuyển lên tàu Cape Ray. Bên cạnh đó, Ý cũng chủ động đề nghị nhận trách nhiệm chuyển thành phần các chất hóa học cho Cape Ray tại một trong các cảng của nước này.

Bà Sigrid Kaag thuộc Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW), người điều phối nhiệm vụ tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, nhận định tình hình an ninh tại Syria hiện rất mong manh. Tuy nhiên, bà Kaag thừa nhận con đường duy nhất để vận chuyển hóa chất theo kế hoạch phải diễn ra trên đất liền. “Đây là lựa chọn khả thi nhất và chúng ta chỉ cần đảm bảo mọi chuyện sẽ diễn ra như kế hoạch” - bà Kaag nhìn nhận.

OPCW đặt thời hạn bắt đầu tiêu hủy các hóa chất vào ngày 31-3 và toàn bộ vũ khí hóa học của Syria vào ngày 30-6 năm nay. Theo trang npr.org, kế hoạch cần sự thông qua của 41 quốc gia thành viên của hội đồng điều hành OPCW, và các nhà quan sát hi vọng nhiệm vụ gay go và phức tạp này sẽ đi vào hoạt động trong thời gian sớm nhất.

Phá hủy bằng nước và hóa chất

Theo BBC, tuy có nhiều công nghệ khác nhau trong công tác phá hủy vũ khí hóa học và các hóa chất nhưng nhìn chung, các phương pháp này đều liên quan đến hai công nghệ là đốt hoặc trung hòa. Người ta có thể đốt ở nhiệt độ cực cao để phá hủy độc tính của hóa chất hoặc trung hòa hóa chất trong nước và xút.

Mỹ cung cấp hai hệ thống FDHS trên tàu Cape Ray nhằm phục vụ nhiệm vụ tiêu hủy. Theo lý thuyết, hệ thống sẽ sử dụng nước nóng và các hóa chất khác để phá vỡ thành phần cấu tạo nên hóa chất độc hại trong vũ khí hóa học.

Hồi cuối năm ngoái, OPCW đã công bố kế hoạch vận chuyển và tiêu hủy vũ khí hóa học với sự đồng ý của chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

ANH THƯ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp