02/08/2013 07:23 GMT+7

Khổ như ở... biệt thự cổ Đà Lạt

MAI VINH
MAI VINH

TT - Nghĩ đến Đà Lạt người ta nghĩ đến những căn biệt thự cổ kiến trúc Pháp. Và không ít người mơ màng nghĩ về một thế giới xa hoa, lãng mạn trong những căn biệt thự cổ có tuổi đời cả trăm năm.

Nhưng ít ai biết rằng đằng sau vẻ cổ kính, bí ẩn ấy còn có một thế giới khác…

LFWVWHBN.jpgPhóng to
Biệt thự số 13 Trần Hưng Đạo - nơi 19 hộ dân với 72 người đang sinh sống - Ảnh: MAI VINH
Cd98sZjl.jpgPhóng to
Nhà bà Nguyễn Thị Nuôi (biệt thự số 16 Hoàng Diệu), nơi ăn cũng là chỗ ngủ - Ảnh: MAI VINH

Hơn 1.000 người đang chen chúc một cách bất đắc dĩ trong 66 căn biệt thự công thuộc sự quản lý của Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt. Đó là thế giới chật hẹp mà mọi thứ có thể mong manh theo tiếng răng rắc phát ra ở từng nhịp chân đùa giỡn của trẻ con hoặc lúc chiếc ôtô vô tình chạy ào qua. Những căn biệt thự đã gánh một quá khứ lâu đời giờ phải gánh thêm chức năng một chung cư cũ kỹ nên sự nặng nề làm nó trở nên mong manh lắm…

“Có phải nhà ma?”

Sau năm 1975, Nhà nước tiếp quản toàn bộ quỹ biệt thự tại Đà Lạt. Một số được sử dụng làm công sở, một lượng lớn biệt thự được bố trí cho công chức sử dụng. Đa số công chức sau này có điều kiện mua nhà thì sang nhượng trái phép cho người khác.

Phổ biến hơn là những người dân nghèo khó thấy biệt thự bỏ hoang, không người quản lý thì đến ở “chui”. Sau năm 2004, khi Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt rà soát lại hiện trạng thì những hộ dân ở không phép được thuê và cấp hộ khẩu.

Đa số hộ gia đình còn đang ở trong những căn biệt thự công là những gia đình nghèo. Phần lớn họ đi làm thuê trong các cơ sở thủ công mỹ nghệ, buôn bán rong trong chợ Đà Lạt… 72 người đang sống trong biệt thự khá cổ kính ở số 13 Trần Hưng Đạo là một ví dụ.

Biệt thự này có diện tích sử dụng 457m2 nhưng có đến 19 hộ gia đình sinh sống. Các hộ cách biệt nhau bằng bức vách ván ép rẻ tiền.

Ông Phạm Văn Thiều, một cư dân có 25 năm trú ngụ biệt thự này, kể rằng có một buổi tối ông đang đi dạo trước nhà, có hai du khách dừng lại hỏi với giọng tò mò: “Đây có phải là nhà ma không chú?”. Ông bật cười ngó lại mái ngói cổ rêu phong cong oằn và những mảng tường, ô cửa kính vỡ loang lổ hiện ra âm u dưới ánh đèn đường rồi gật đầu: “Nhà ma đó, tôi ở trỏng tôi biết mà”. Chưa dứt câu, mặt mày hai du khách tái mét, nắm tay nhau chạy.

Năm 1988 ông Thiều được bố trí ở căn phòng chừng 16m2. Sau đó, ông lấy vợ, có thêm hai đứa con nên căn phòng chật chội. Không phân biệt ngày đêm vì phòng lúc nào cũng tối, ông làm thêm một gác lửng để có chỗ ngủ cho con.

Gác xép chỉ có thể nằm và ngồi vì cao chỉ khoảng 80cm. Đó là nơi gia đình ông ăn, ngủ, học hành và trưởng thành. Cả gia đình làm nghề đan móc khóa len nên gác xép đó cũng là nơi cả nhà ông làm việc. Khi xong việc thì trải đệm ra ngủ. Phía dưới nhà dành chỗ để xe, ăn cơm và nấu nướng.

Dáng đi của cả gia đình ông Thiều khom khom. Ông bảo: “Đó là dáng đi của xóm biệt thự này, thói quen đề phòng những cú đụng đầu vào trần nhà như trời giáng”. Ông còn bảo người ở đây nhận biết con mình “nhổ giò” khi nhìn thấy trên đầu đứa bé sưng lên một cục u!

Trong những “hộp diêm”

Giữa ban ngày, ông Thiều cầm đèn dẫn chúng tôi băng qua một cầu thang tối. Cánh cửa cầu thang vừa mở, mùi hôi ập vào người mà không rõ mùi gì.

Ông giải thích: “Mùi tổng hợp từ ống nước thải bị rò rỉ, nấu ăn trong nhà, bốc ra từ nhà vệ sinh xây trong những căn phòng. Không có chỗ thoát, đủ loại mùi ùa vào các ngõ ngách trong nhà rồi trộn vào nhau”.

Phòng của bà Hoàng Thị Danh nằm cuối cầu thang, nhỏ hơn căn phòng của ông Thiều. Hộ bà Danh trước có sáu người ở, chồng bà vừa mất. Ban ngày đây là nơi sinh hoạt của bảy người vì có thêm hai đứa trẻ hàng xóm bà nhận giữ thuê.

Chồng bà là con trai trưởng nên “hộp diêm” xập xệ này cũng là nơi thờ cúng. Trên bức vách ván ép là di ảnh và lư nhang được gắn tạm bợ.

Bà bảo: “Khi chồng tôi mất, không có chỗ treo di ảnh nên tấm lịch được tháo xuống”. Ngày chồng bà mất là ngày bà thấy được tận cùng cái khổ khi sống trong biệt thự.

Tất cả giường chiếu, bàn ghế trong nhà được khiêng ra ngoài. Những bức vách cũng phải tháo đi để nhường chỗ cho quan tài và người đi viếng. Trần Hoàng Quân, con trai bà, nói: “May hôm đó trời nắng”.

Nhà bà Danh có lệ bất thành văn: không đùa giỡn trong nhà. Những va chạm nhẹ sẽ làm những bức vách rung lên và bàn thờ sẽ bị đổ.

Ở biệt thự, người ở tầng trệt dễ sinh khó chịu do hoạt động của người tầng trên, còn người ở tầng trên phải chịu những bất tiện trong sinh hoạt nhưng không thể cải thiện được. 41 năm ở tầng trệt trong biệt thự số 16 Hoàng Diệu, ông Đặng Văn Danh không thể quên cái đêm đang ngủ thì nước tiểu từ căn hộ phía trên chảy xuống.

Cả gia đình sáu người đang nằm trên gác lửng phải bật thức lau dọn. Ấy là do “nhà” bên trên, cách nhà ông bằng sàn gỗ cổ của biệt thự, có người mắc bệnh tâm thần.

37 năm chung biệt thự với ông Danh là bà Nguyễn Thị Nuôi. Bà ở tầng áp mái. Bà ám ảnh những cơn mưa ào ạt lúc nửa đêm. Đang ngủ, nước rớt vào mặt, cả nhà lục tục dậy hứng nước, lau sàn nhà rồi ngủ tiếp. Khi ngói vỡ bục ra, nước xối vào phải di dời đồ đạc ra góc cầu thang tối om để tránh mưa rồi ngồi bó gối ngủ đợi trời sáng. “Những lúc vậy mới thấy ở nhà mà như người lang thang” - bà nói.

Chống dột đã thành chuyện thường xuyên, ngay góc nhà bà cho gắn cố định chiếc thang được làm từ những thanh gỗ phế liệu để mỗi khi mưa sẽ trèo nhanh lên mái nhà chỉnh nhanh tấm lợp.

“Ngói nhà cổ toàn loại đặc biệt nên có bị vỡ cũng không thay được, mà cũng không ai dám trèo lên để thay, mục hết rồi, té chết như chơi” - bà nói để giải thích. Cư dân nhỏ tuổi trong biệt thự cổ Đinh Văn Khoa được gia đình cho một góc học tập sát mái nhà. Cạnh bàn học cao ngang gối là hai chậu hứng nước. Không thể chống dột nên gia đình để sẵn hai chậu nhựa ngay vị trí dột, đầy nước thì mang đổ.

Nguyễn Thị Ngọc Thanh, con gái bà Nuôi, vừa có chồng. Không có tiền thuê trọ bên ngoài nên hai vợ chồng chọn một tầng áp mái khác trong biệt thự, ngăn ván ép và gắn thêm cửa nhựa thành “nhà”. Căn nhà có gian bếp nhỏ 1m2 với bồn rửa chén xây bằng gạch vỡ.

Khi nấu ăn phải khom người để tránh đụng đầu vào trần nhà, muốn rửa chén phải ngồi tựa vào tường. Nhà bếp chung lưng với nhà vệ sinh của một hộ khác, cách nhau một tấm ván ép mỏng. Hàng xóm tế nhị không đi vệ sinh khi chị nấu ăn. Nhưng cũng có lúc ngặt quá, hàng xóm gõ tay lên vách ra hiệu và chị phải ngưng nấu ăn ra ngoài chờ.

Nhà bếp này không có ống dẫn nước. Muốn nấu nướng thì chị Thanh phải đi ba lần cầu thang xuống tầng trệt lấy nước, dùng xong lại mang xuống cống đổ. Mới đây, mẹ chị té gãy tay trong cầu thang tối khi xách nước cùng chị. Xoa liên hồi lên cánh tay phải đang bó bột, bà Nuôi nói: “Ngày được rời khỏi biệt thự đã được nói đến cách nay 10 năm mà tới giờ chưa có…”.

Chờ ngày mai…

Năm 2004, Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt tiến hành kê biên tài sản và thông báo những hộ dân đang sống trong những biệt thự cổ thuộc quản lý của Nhà nước sẽ được di dời. 561 hộ dân khấp khởi mừng vì sẽ được bố trí tái định cư trong những căn hộ chung cư mới với đầy đủ tiện nghi. Những người “sống chui” nhiều năm sẽ được hỗ trợ cho thuê nhà với giá ưu đãi. Sau gần 10 năm, chỉ một số ít hộ được tái định cư, còn 497 hộ mỏi mòn đợi di dời.

Có 838 căn hộ chung cư tái định cư các hộ dân nằm trong phần đất các dự án đang triển khai trên địa bàn Đà Lạt. Hiện quỹ nhà này đã dùng hết. Ông Đặng Nguyễn Văn Tích, giám đốc Trung tâm Quản lý nhà Đà Lạt, cho biết: “Hiện Đà Lạt cần 500-1.000 căn hộ để bố trí tái định cư cho các hộ dân sống trong biệt thự và tạo quỹ nhà để đón đầu các dự án khác. Đà Lạt thiếu kinh phí xây dựng nhà tái định cư. Hiện tại phải ưu tiên cho dự án phát triển kinh tế trước. Tái định cư cho các hộ dân sống trong các biệt thự thuộc diện chỉnh trang đô thị, cần phải đợi thêm thời gian nữa”.

MAI VINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    - xem bóng đá trực tuyến - 90phut - cakhia - mitom - xoilactv - bóng đá trực tuyến - bóng đá trực tiếp