Mai, đào đã được bày bán trên đường 3-2, Q.10, TP.HCM - Ảnh: X.HƯNG
Câu chuyện mặt bằng bán hàng ở trung tâm thương mại, chỗ bán hoa ở ngoài phố đang nóng lên từng ngày do sự cạnh tranh quyết liệt và cả vì quy định của chính quyền các đô thị...
Theo anh Nguyễn Ngọc Phương - chủ vườn mai Phương Bình (Thủ Đức, TP.HCM), dù mất ròng rã cả tháng để thương lượng nhưng tết này anh phải chi đến xấp xỉ 300 triệu đồng cho tiền thuê mặt bằng bán mai, trong đó 3 lô tại đường Phạm Văn Đồng (Thủ Đức) tốn 150 triệu đồng.
Theo anh Phương, ba năm trước giá thuê mặt bằng bán mai tết tại nhiều vị trí trên đường Phạm Văn Đồng chỉ khoảng 10-15 triệu đồng/lô. Nhưng do nhiều đường bị cấm bán, nên giá thuê tăng liên tục khiến nhà vườn "mệt mỏi".
Anh Nguyễn Trường Kỳ, chủ vườn mai ở Linh Đông, quận Thủ Đức, cho hay mọi năm anh thường thuê nhiều vị trí ở thành phố để bán mai tết nhưng năm nay những điểm dưới lòng đường, vỉa hè không còn được bán nên anh phải chạy đôn đáo để tìm địa điểm khác.
"Tuy nhiên, vị trí thuận lợi đã được người khác thuê, những vị trí mình thuê không được ưng ý lắm" - anh Kỳ lo lắng.
Theo kế hoạch được UBND TP.HCM ban hành, năm nay chợ hoa xuân được tổ chức tại 130 điểm. Tuy nhiên TP yêu cầu các vị trí tổ chức chợ hoa không nằm gần các khu vực dễ xảy ra tình trạng ùn tắc giao thông. Nên việc tìm chỗ bán hàng, tăng khả năng tiếp cận với người dân đang là bài toán với nhiều chủ vựa hoa.
Chủ vườn mai Hoàng Quân trên đường Phạm Văn Đồng, quận Thủ Đức cho hay tết năm nay để có được vị trí bày bán mai ở gần khu trung tâm, anh phải đăng ký trước mấy tuần mới được một vị trí ở Q.10. Theo anh Quân, giá mai tết năm nay khả năng tăng nhẹ bởi chủ vườn mai phải trả các khoản phí thuê bãi...
Một tiểu thương buôn mai tết khác chia sẻ năm trước bán hoa tết ở đường song hành, quận 2 nhưng năm nay không được bán nữa, địa điểm mới được dời vào một bãi đất trống phía sau các tòa nhà cao tầng ở P.An Phú. Khu vực này trước nay chưa bán và không được nhiều người biết, sợ lỗ nên anh đã phải qua công viên Lê Văn Tám.
Ông Huỳnh Thanh Khiết - phó chủ tịch UBND quận 2 - xác nhận do năm nay TP có chủ trương không sử dụng lòng lề đường để buôn bán hoa tết nên chợ hoa xuân ở đường song hành xa lộ Hà Nội được chuyển vào mảnh đất trống chuẩn bị xây dựng trung tâm văn hóa thuộc phường An Phú.
Ngày 28-1, ông Võ Khắc Thái, chủ tịch UBND quận 3, cũng cho biết quận này không cho sử dụng vỉa hè bán hoa hay kinh doanh các dịch vụ. Lý do: "Toàn quận không có đường nào có vỉa hè rộng để sử dụng một phần làm chỗ kinh doanh mà không ảnh hưởng đến giao thông".
Hoa tết đã được bán ở các cửa hàng hoa trên đường Thành Thái, Q.10, TP.HCM - Ảnh: XUÂN HƯNG
"Mặt bằng" trên mạng xã hội cũng nóng
Tận dụng sức mạnh của mạng xã hội và công cụ bán hàng trực tuyến, các chủ kinh doanh đủ các mặt hàng đang đưa hàng lên mạng. Tuy nhiên, họ cũng phải "đầu tư" không ít.
Ông Huỳnh Kim Nga, giám đốc Công ty thực phẩm KN, cho biết đã tính toán để đăng ký bán hàng trên 3 sàn thương mại điện tử khác nhau bên cạnh đưa hàng lên trang Facebook của doanh nghiệp này.
Trong khi đó chị Ái, kinh doanh các món ăn mùa tết, cho biết chị đã chi gần 8 triệu đồng để đăng ký đẩy quảng cáo trên mạng xã hội, tăng tính nhận biết cho khách.
Tuy nhiên, khác với bán lẻ truyền thống, nhà kinh doanh thương mại điện tử phải chốt đơn hàng với dịch vụ giao hàng trước 28 tháng chạp, điều đó có nghĩa người mua hàng online phải mua trước tết ít nhất một tuần để nhận được hàng dịp tết.
Tuy nhiên năm nay, một sàn thương mại điện tử đã tung ra gói "bán hàng xuyên tết", không giới hạn thời gian mua sắm cho người có nhu cầu. Vì vậy, nhiều chủ kinh doanh, người tiêu dùng đã yên tâm hơn trong việc mua bán online.
Đăng ký bán hàng trên mạng tăng mạnh
Tìm mua hàng trên một trang thương mại điện tử - Ảnh: Q.ĐỊNH
Các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki... đều cho biết số nhà cung cấp đăng ký bán hàng trên mạng tăng mạnh vào dịp Tết Nguyên đán khi đây được kỳ vọng là mùa làm ăn lớn nhất trong năm. Trong đó, số nhà cung cấp lĩnh vực thực phẩm, trang trí tết, điện tử gia dụng... tăng mạnh nhất.
Theo đại diện Shopee, ngay từ cuối tháng 12-2017, xu hướng tìm kiếm các từ khóa quần áo, đồ gia dụng đã tăng hơn 30% cho thấy nhu cầu mua sắm trước năm mới Mậu Tuất của người tiêu dùng VN bắt đầu khá sớm.
Phải qua trung gian
Dù chấp nhận giá cao nhưng nhiều nhà vườn cho hay khó tìm chỗ bán phù hợp, phải qua trung gian hoặc... chờ may rủi.
Anh Nguyễn Ngọc Phương cho biết những vị trí tốt tại các con đường "hot" như Thành Thái (Q.10), nhiều nhà vườn muốn có mặt bằng bán hoa tết phải chấp nhận sang tay từ "cò" hoặc chủ khác thuê với mức giá có thể tăng gấp đôi, ở mức hàng chục triệu so với giá thuê Nhà nước công bố.
Một chủ quầy bán hoa giấy tết ở TP.HCM cho hay do không tìm được chỗ nên đành bày bán ngay trên vỉa hè đường Lê Đức Thọ, Q.Gò Vấp... rồi có sao thì chịu.
Ở TP Vinh (Nghệ An), giá thuê đất ở khu vực đường Lê Nin ở trung tâm thành phố lên tới 1-3 triệu đồng/m². Mức giá này đang có xu hướng tăng lên từng ngày.
Chị Phương - một chủ cửa hàng chuyên bán hoa lan Đà Lạt - cho hay do tìm mặt bằng bán hoa chậm hơn so với các hộ khác nên phải thuê qua trung gian với giá 3 triệu đồng/m², tổng số tiền phải chi lên tới 30 triệu đồng trong mấy ngày cuối tháng chạp.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận