Phóng to |
Không tin tưởng tuyến dưới, người bệnh chạy lên tuyến trên là một trong các nguyên nhân gây ra quá tải ở các bệnh viện tỉnh, trung ương - Ảnh: M.ĐỨC |
Chúng tôi đã đặt câu hỏi này với hai lãnh đạo “bệnh viện tuyến dưới” là bác sĩ Hoàng Mạnh Việt - giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định - và bác sĩ Hoàng Công Lâm, phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ, để xem cách làm của họ.
* Khó khăn nhất của bệnh viện huyện là cơ sở vật chất và nhân lực. Các ông giải quyết việc này như thế nào?
- Ông Hoàng Mạnh Việt: Phải đặt niềm tin vào các cộng sự. Hiện chúng tôi còn thiếu 20 bác sĩ, năm 2011 chúng tôi đã mời tất cả sinh viên y khoa của huyện Hải Hậu và mấy huyện của tỉnh Thái Bình gần đó về gặp mặt và mời họ học xong về làm việc. Các bác sĩ đang có hợp đồng làm việc với Bệnh viện Hải Hậu muốn đi học chuyên khoa 1, chuyên khoa 2, bệnh viện trả nguyên lương, đóng học phí và hỗ trợ thêm 15 triệu đồng/năm đi học. Về cơ sở vật chất, ngoài phần vốn từ trái phiếu chính phủ, chúng tôi còn kêu gọi các nhà hảo tâm đóng góp.
Bệnh viện Đa khoa Hải Hậu có 218 nhân viên y tế, 41 trong đó là bác sĩ (có 28 bác sĩ chuyên khoa 1, tương đương thạc sĩ về lâm sàng). Tỉ lệ chuyển tuyến thời gian gần đây của chúng tôi là 10%, nhưng có đến 9/10 bệnh nhân từ bệnh viện chúng tôi chuyển lên tuyến tỉnh được bệnh viện tỉnh chuyển tiếp lên trung ương, như vậy khả năng của chúng tôi có thể gần tương đương bệnh viện tỉnh.
* Nhiều ý kiến cho rằng bệnh viện tuyến dưới đã làm mất niềm tin của bệnh nhân là nguyên nhân khiến họ phải chạy thẳng lên tuyến trên khi ốm đau. Theo ông, điều này có đúng?
- Ông Hoàng Công Lâm: Ở Phú Thọ chỉ có 4-5 bệnh viện huyện (trong số 13 bệnh viện tuyến huyện) có năng lực điều trị, số còn lại ở mức trung bình, dưới trung bình. Cơ sở vật chất là điểm yếu của bệnh viện huyện nhiều năm nay, nên bác sĩ cũng ngại về vì không có môi trường làm việc. Tỉ lệ bệnh nhân bỏ bệnh viện huyện chạy thẳng lên tỉnh, hoặc bỏ bệnh viện tỉnh chạy lên thẳng trung ương 15-20%. Thu hút bệnh nhân, lấy lại được thương hiệu bệnh viện cần có thời gian. Hiệu quả chữa bệnh bệnh nhân phải nhìn thấy, không tự nhiên họ đến được.
- Ông Hoàng Mạnh Việt: Năm 2011 chúng tôi có trên 180.000 lượt khám bệnh, trên 20.000 lượt bệnh nhân nội trú, trên 2.000 ca phẫu thuật. Các kỹ thuật như mổ sỏi niệu quản, cắt túi mật, cắt tử cung, u nang buồng trứng... đều đã thực hiện thành thạo. Năm 2012, chúng tôi đã đầu tư 2,7 tỉ đồng mua máy triển khai phẫu thuật nội soi, tới đây sẽ thực hiện nội soi tiêu hóa nhờ sự hỗ trợ chuyên môn của Bệnh viện Việt Đức. Bệnh viện cũng đã đầu tư 15 máy chạy thận nhân tạo, triển khai xét nghiệm tế bào phát hiện ung thư sớm... Quan trọng nữa là có thiết bị nhưng phải có nhân lực, rất nhiều bệnh viện huyện như chúng tôi có bệnh viện khang trang nhưng không có người làm, nên tỉ lệ chuyển tuyến gấp 2-3 lần so với chúng tôi.
* Bệnh viện tuyến cơ sở đã được đầu tư nhưng mặt bằng chung như các ông nói vẫn còn kém. Nếu thực hiện siết chuyển tuyến, theo các ông, người dân có gặp khó khăn?
- Ông Hoàng Công Lâm: Năm 2011 tổng kết ngoại khoa tỉ lệ chuyển tuyến của chúng tôi chỉ còn 2,8%, trong khi trước đây là 28%. Bệnh viện có đầu tư nâng cao chuyên môn mới giảm được chuyển tuyến. Chúng tôi có mổ tốt thì người bệnh mới chấp nhận ở lại, các kỹ thuật thần kinh, sọ não, thay khớp háng toàn phần, bán phần, thoát vị đĩa đệm, trượt đốt sống đều đã thực hiện được. Nhưng ở tuyến huyện đầu tư cơ sở vật chất rồi phải đầu tư cả về nhân lực. Còn chiến lược lâu dài là đầu tư cho y tế dự phòng, người dân được dự phòng bệnh tật tốt thì tỉ lệ đến bệnh viện sẽ giảm. Đồng thời phát triển loại hình bác sĩ gia đình, bệnh nhẹ được chăm sóc tại nhà, nặng mới đến bệnh viện.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận