Ông Trần Hữu Linh - tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công thương)
Theo đó, các doanh nghiệp nước ngoài (chủ yếu từ Trung Quốc) tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Việt Nam các mặt hàng chất lượng thấp, giá rẻ, không bảo đảm an toàn.
Các đối tượng vi phạm dùng thủ đoạn giả mạo bao bì, nhãn mác, xuất xứ hàng hóa của Việt Nam, thậm chí giả những thương hiệu nổi tiếng của Việt Nam, để lừa dối người tiêu dùng, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp Việt Nam.
* Theo ông, tình trạng hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam tập trung ở mặt hàng, lĩnh vực nào?
- Những mặt hàng có vi phạm phổ biến gồm có: thực phẩm, rau củ quả, hàng dệt may, giày dép, đồ chơi trẻ em, đồ dùng, thiết bị giáo dục; chất tẩy rửa, hàng gia dụng (đồ dùng nhà bếp, đồ nhựa, đồ dùng gia đình các loại), điện gia dụng (bóng đèn, dây điện, pin đèn...), điện tử, thiết bị xây dựng...
Phương thức, thủ đoạn giả mạo xuất xứ chủ yếu là thay nhãn, thay xuất xứ của hàng hóa hoặc nhập nguyên liệu, bán thành phẩm hoặc thành phẩm về sang chiết, đóng gói, thay nhãn, thay xuất xứ để đưa đi tiêu thụ trong thị trường nội địa.
* Vậy khó khăn trong việc kiểm tra, ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam là gì, thưa ông?
- Việc kiểm tra, xử lý vi phạm về giả mạo xuất xứ hiện gặp nhiều khó khăn, trong đó có việc truy xuất nguồn gốc hàng hóa. Nếu cơ quan thực thi kiểm tra không có bằng chứng rõ ràng, không bắt quả tang hoặc giám định chất lượng thì việc phát hiện vi phạm là rất khó khăn.
Khi đã lưu thông trên thị trường, hàng giả mạo xuất xứ thường trà trộn cùng với hàng thật, hàng có xuất xứ rõ ràng. Kể cả giám định chất lượng, nếu không có những chỉ tiêu chất lượng cụ thể để phân biệt giữa hàng thật và hàng giả mạo xuất xứ thì khó có thể xác định vi phạm được.
Chẳng hạn như hàng nông sản nước ngoài và hàng nông sản Việt Nam đối với người tiêu dùng thông thường rất khó phát hiện. Đôi khi chỉ phân biệt được qua cảm quan, kinh nghiệm, nhưng để xác định vi phạm thì phải có chứng cứ đầy đủ, rõ ràng.
Hoặc nếu giám định để xác định vi phạm thì phải có chỉ tiêu phân biệt mới dùng kết quả giám định để xác định vi phạm được, điều này rất khó thực hiện trong thực tế.
* Giải pháp mà cơ quan quản lý thị trường đưa ra để ngăn chặn hàng hóa giả mạo xuất xứ Việt Nam là gì?
- Lực lượng quản lý thị trường sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan (đặc biệt là vai trò của Ban chỉ đạo 389 quốc gia) triển khai các giải pháp như tăng cường các giải pháp chống buôn lậu, gian lận thương mại, trong đó đặc biệt là kiểm soát chất lượng đối với hàng hóa nhập khẩu.
Quản lý thị trường chủ động phối hợp với cơ quan truyền thông, hiệp hội, doanh nghiệp tăng tuyên truyền phổ biến cho người dân, doanh nghiệp.
Tăng cường các giải pháp giám sát thị trường, chủ động thu thập thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng phương án đấu tranh chuyên đề; triển khai việc thống kê, phân loại các chủng loại mặt hàng kinh doanh trên địa bàn, từ đó rà soát, sàng lọc các đối tượng, mặt hàng, các nhãn hiệu có nguy cơ hay bị làm giả...
Tổng cục khuyến cáo doanh nghiệp, hiệp hội cần nâng cao trách nhiệm của mình trong việc quản lý hệ thống phân phối hàng hóa, phát hiện, ngăn chặn hàng giả; nâng cao trách nhiệm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận